fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

26.9.2022 – THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lc 9,46-50
“Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,48)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sống vào thế kỷ XVII, thánh Vinh Sơn Phaolô chứng kiến các trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trong thùng rác, gốc cây, ngoài đường phố…dưới trời đêm giá lạnh, Ngài đã xót xa và động lòng trắc ẩn, nên đã đi tìm kiếm nhặt các em đem về nuôi nấng, chăm sóc cho thành người. Trong khi xã hội muốn loại trừ những người nghèo già yếu vô gia cư và đem nhốt họ để “làm sạch” thành phố, Thánh Vinh Sơn đã cố gắng để có một ngôi nhà cho họ ở, chữa bệnh và tạo công ăn việc làm cho họ sống đúng với phẩm giá con người.

Thánh Vinh Sơn Phaolô đã nhận ra dung mạo của Chúa Giêsu nơi những người đau khổ và nơi những trẻ em bị bỏ rơi ấy. Chính vì Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với những người bé mọn, hèn kém, dễ bị tổn thương nhất: những người nghèo đói, bệnh tật, tội lỗi, nên Thánh Vinh Sơn Phaolô đã dạy các con cái nam nữ của ngài yêu thương người nghèo và phục vụ họ với tất cả lòng quý trọng, vì “người nghèo là chủ và là thầy của chúng ta.”[1]

Thật vậy, trong xã hội Do Thái cũng như xã hội Việt Nam, người ta vẫn coi thường “hạng đàn bà, con nít” vì họ không làm được việc gì lớn lao để đáng được nể trọng, thì Đức Giêsu đã đảo ngược tiêu chuẩn của họ. Khi các tông đồ tranh luận với nhau rằng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã đem một em nhỏ đến giữa các ông và nói: “ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (c.48). Đối với Người, “điều quan trọng không phải là trở thành người lớn nhất, nhưng là người gần gũi Chúa Kitô nhất, và để đón nhận Chúa Kitô thì phải tiếp đón Người ở giữa những thành phần bé nhỏ nhất.”[2]

Do đó, khuôn mẫu của một vị lãnh đạo theo cách của Chúa Giêsu là “phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.[3] Khi đón tiếp một em nhỏ hay những người yếu thế trong xã hội nhân danh Đức Giêsu, tức là mang trong mình sự đơn sơ, không mưu cầu tư lợi cho bản nhân và biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người xây dựng một Giáo hội mà trong đó, những người thấp hèn nhất cũng không bị bỏ quên, nhưng được ưu tiên chăm sóc, đồng thời những người lãnh đạo biết hạ mình phục vụ như tôi tớ của mọi người.

Hơn nữa, khi sống tinh thần đơn sơ như trẻ nhỏ, người môn đệ và Giáo Hội Chúa nói chung cần loại bỏ óc phe nhóm, để cởi mở nhìn nhận những điều tốt nơi người khác, biết khơi dậy và đón nhận những giá trị Tin Mừng mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi nơi những nền văn hóa khác, vì “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (c.50). Như thế, chúng ta có thể dễ dàng cộng tác với nhau để xây dựng xã hội trần thế, nhất là sống tinh thần hiệp hành trong Giáo Hội: hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ chung.

Cùng với Đức Giêsu, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự khiêm hạ. Mẹ nhìn nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn”[4] của Thiên Chúa, để phục vụ kế hoạch cứu độ toàn thể nhân loại. Mẹ sẵn sàng giúp đỡ chị Elisabeth, giúp đám cưới tại Cana… Với một đời sống đơn sơ, khó nghèo và âm thầm hy sinh, Mẹ kết hiệp mọi đau khổ của Mẹ với công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu. Phúc Âm không hề nói đến sự có mặt của Mẹ khi Chúa Giêsu thành công lừng lẫy, nhưng lại kể chuyện Mẹ đi tìm gặp Chúa khi người ta nói Chúa bị mất trí. Mẹ theo sát Chúa trong cuộc khổ nạn cho đến khi Chúa được an táng trong mồ…

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi tìm kiếm những giá trị tích cực nơi mọi người xung quanh, và sẵn sàng giúp đỡ người khác, cách âm thầm và khiêm tốn.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nhận sâu xa sự khiêm hạ của Chúa Giêsu và của Mẹ, để con sống khiêm nhường với Chúa và với hết mọi người. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/Vga1f)

[1] BNC ngày 14/6/1643. SV XI,393; IX,119.
[2] Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải, tr. 1756
[3] Mc 9,35
[4] Kinh Magnificat.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *