fbpx

KÍNH NHỚ ĐỨC MARIA DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Ngày lễ hằng năm: 21.11 


Lên 3 tuổi, Bé Maria được cha mẹ dâng vào đền thờ 

 

Ngày 21 tháng 11 hằng năm, Hội thánh kính nhớ lễ Đức Maria dâng mình trong Đền thờ Giêrusalem. Trước hết chúng ta cần phân biệt sự kiện này với việc Đức Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, 40 ngày sau lễ Giáng Sinh.  Biến cố này được tường thuật rõ ràng trong Tin Mừng thánh Luca ở chương 2, từ câu 22 đến 38 và được cử hành trong phụng vụ ngày 2 tháng 2 hằng năm.

Nguồn gốc lễ Phụng vụ

 Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ bắt nguồn tại Giêrusalem, dưới triều đại hoàng đế Rôma Giustinianô, ngày 20 tháng 11 năm 543, khi người ta cung hiến Vương Cung Thánh đường mang tước hiệu là Thánh Maria Mới (“Saint Marie-la-Neuve”), được xây dựng trên đồi Sion, đối diện với bãi đất bằng trước Đền thờ, tuy rằng khi đó đền thờ đã bị phá hủy từ lâu. Cùng với việc cung hiến một ngôi  thánh đường dâng kính Đấng mà Giáo Hội đã tuyên xưng là “Theotokos” (=Mẹ Thiên Chúa) tại công đồng Êphêsô năm 431, truyền thống kitô giáo đông phương đã nối kết một “kỷ niệm”, không có trong cả 4 sách Tin Mừng chính quy; Tân Ước không chứa đựng một chi tiết nào về thời thơ ấu của Đức Maria. Biến cố chỉ được thuật lại trong các sách Tin Mừng “ngụy thư” (nghĩa là không được Giáo Hội thừa nhận như được Thiên Chúa linh hứng), đặc biệt là trong sách được gọi là “Tin Mừng tiên khởi” (“Protévangile”), chương 6 đến 10, được biên soạn ít là từ thế kỷ thứ 2, có lẽ bên Ai Cập, và được gán cho thánh Giacôbê hậu, con ông An-phê (Mt 10, 4), người anh em họ hàng với Chúa Giêsu. Sự kiện này được thuật lại và xem như đã quen thuộc với các cộng đoàn tiên khởi. Ông Gioa-kim và Anna đem con trẻ Maria, khi mới được 3 tuổi, lên Đền thờ để dâng hiến cho Chúa như một việc tạ ơn vì phép lạ liên quan đến cuộc sinh hạ này, và như các ngài đã khấn hứa với Chúa. Thực vậy, thiên thần Gabriel đã loan báo cho hai ngài sẽ có một người con, trong khi bà Anna đã rất già. Bản văn ngụy thư kể rằng có những thiếu nữ đi tháp tùng chung quanh Maria tay cầm những bó đuốc cháy sáng, và khi bước lên hết các bậc cấp dẫn vào Đền thờ và không ngó lại đàng sau, Maria được vị Thượng Tế tiếp đón và bồng ẵm trên đôi cánh tay và nói rằng Đấng Tối Cao sẽ tỏ bày công cuộc cứu chuộc con cái Israel nơi trẻ thơ này. Khi đó con trẻ đã nhận được ân sủng của Thiên Chúa và bản văn nói rằng con trẻ đã nhảy múa với tâm tình tạ ơn Chúa.

Sau đây là một đoạn trích từ sách Tin Mừng ngụy thư này về sự kiện trên:

“…Ông Gioakim nói: Chúng ta hãy đưa cháu vào Đền thờ của Chúa, để chu toàn lời chúng ta đã hứa. Bằng không, Chúa sẽ nổi giận và vứt bỏ của lễ chúng ta dâng. Nhưng bà Anna đáp: “Chúng ta hãy đợi đến khi cháu được 3 tuổi, kẻo cháu đòi bố hay mẹ”. Ông Gioakim đồng ý: “Chúng ta đợi”. Đứa trẻ được 3 tuổi…Và vị Tư tế đón tiếp cháu, và sau khi ôm lấy cháu, ông chúc lành cho cháu và nói: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ tôn dương danh con qua muôn thế hệ. Nơi con, vào ngày sau hết, Đức Chúa sẽ biểu lộ việc  cứu chuộc con cái Israel.” Rồi vị thượng tế đặt đứa trẻ ngồi ở bậc thứ 3 dưới chân bàn thờ. Và Đức Chúa đã tuôn đổ ân sủng của Ngài trên con trẻ. Và đôi chân của cháu bắt đầu họa lên một điệu múa và toàn thể nhà Israel yêu mến cháu.”

Rồi truyện kể tiếp, Đức Maria ở lại trong Đền thờ, được “một thiên thần” nuôi dưỡng” (hiểu là được Chúa Quan Phòng trợ giúp) cho đến tuổi trưởng thành, vào thời đó là 12 tuổi. Ngài dệt các tấm màn trong Đền thờ, vì theo các nguồn sử liệu Do thái, người ta đặc biệt thuê các thiếu nữ dệt 13 bức màn được treo trong Đền thờ. Có lẽ đó là nguồn gốc của truyền thống này.  Sau đó Maria được đưa về nhà và được đính hôn rồi kết hôn với ông Giuse.

Nguồn gốc lễ Phụng Vụ.

Vậy lễ này xuất phát từ Giêrusalem, từ giữa thế kỷ thứ 6, sau đó đã được phổ biến rộng rãi bên Phương Đông theo kitô giáo. Trong đế quốc Rôma bên phương Đông, có những chứng tích về việc Đức Maria dâng mình trong Đền thờ từ thế kỷ VIII. Sau đó, lễ Đức Mẹ dâng mình tràn sang Phương Tây và trở nên rất phổ biến, do lòng sùng mộ dâng cao đối với Đức Maria nơi giáo dân trong suốt thời Trung Cổ, nhất là từ thế kỷ XI, sau khi quyển Tin Mừng tiên khởi đã được dịch từ tiếng Hy lạp sang tiếng la tinh.

Lễ phụng vụ kính Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ được trình cho Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI (1370-1378, người Pháp), tại Avignon (thời đó các giáo hoàng sống tại Pháp) và được du nhập vào lịch của điện giáo hoàng tại đó, ngày 21 tháng 11 năm 1372. Đến năm 1568, lễ này bị Đức thánh Giáo hoàng Piô V (1566-1572), dòng Đa Minh, gạch khỏi lịch Rôma vì thấy nguồn gốc sự tích Đức Mẹ tiến lên Đền thờ đầy những chi tiết huyền hoặc. Đến năm 1585, lễ này lại được ĐGH Sixtô V (1585-1590) tái nhập vào lịch phụng vụ, sau khi loại bỏ những chi tiết truyền kỳ, và được long trọng nới rộng trên toàn thể Giáo Hội.

Giá trị lịch sử

Ngày nay, ta phải nghĩ gì về lễ này, mà đã được tha thiết yêu mến trong đời sống của nhiều linh mục, tu sĩ và những người sống đời thánh hiến nói chung?  Phải chăng tốt hơn nên nghĩ rằng Đức Maria làng Nadaret đã lớn lên và được giáo dục, không phải trong khung cảnh tráng lệ của Đền thờ và các cung điện tại Giêrusalem, nhưng một cách rất đơn sơ bình dân trong ngôi làng Nadaret miền Galilê, một cuộc sống thật bình thường, trong cầu nguyện và lao động, qua hành trình trong đức tin, hết lòng mong ước Đấng Messia đến? Có lẽ cái nhìn này sát thực tế hơn. Vả lại, theo nghiên cứu của các nhà Kinh Thánh và sử học, không có bằng chứng lịch sử nào nói đến một cơ chế nuôi dạy nữ nhi trong Đền thờ vào thời đó.  

Ý nghĩa của lễ Đức Maria dâng mình

Hiểu như vậy, liệu có nên tiếp tục mừng kính lễ này hay chăng? Xin thưa, chắc chắn là nên, nhưng theo ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của nó. Việc dâng mình của Đức Maria không chỉ diễn ra ở một thời điểm nhất định nào trong cuộc sống của Mẹ mà toàn bộ đời sống của Mẹ hoàn toàn hiến dâng cho Chúa, vì tình yêu. Lễ Đức Mẹ dâng mình phải được xem như là biểu tượng của việc Đức Maria dâng mình cho Chúa, nó nhấn mạnh thái độ sẵn sàng của Đức Thánh Trinh Nữ đối với thánh ý Thiên Chúa. Tâm hồn của Mẹ hoàn toàn tận hiến cho Chúa.

 Trái với những gì ta nghĩ, ta nên biết rằng, Martin Luther, người khởi xướng chính của phái Tin Lành, hết lòng tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong tác phẩm bình luận kinh Magnificat của ông, đã ghi nhận rất đúng điều này như sau: “Nguồn gốc của Đức Maria à? Ngài đã có cha mẹ là những người nghèo, địa vị khiêm hạ trong xã hội…Chắc chắn thời đó tại Giêrusalem có những ái nữ của  các thượng tế, giàu có, được ăn học…Tại Nadaret, Maria, như tất cả các thiếu nữ khác, được giao cho việc chăm sóc nhà cửa và gia súc!”.  Và như thế, Đức Maria dạy cho tất cả các môn đệ của con Ngài biến toàn thể đời sống mình thành một của lễ thường hằng dâng lên Vinh Quang Thiên Chúa.


“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”

Hội Thánh sẽ vẫn tiếp tục mừng kính lễ này để nói lên sự thánh thiện của Đức Maria ngay từ khi còn tấm bé. Đức Maria là Đấng vô nhiễm nguyên tội, ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa như sau này ngài sẽ nói vói thiên thần Gabriel trong cuộc Truyền Tin: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38).

Mẫu gương của Đức Maria chất vấn mỗi người chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng chu toàn trong đời sống mình Thánh Ý Thiên Chúa được biểu lộ qua những con người và hoàn cảnh, các biến cố xảy ra, trong đời sống cầu nguyện riêng tư hay qua việc đồng hành thiêng liêng. Ước gì gương sáng của Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đáp lại trong đức tin những lời kêu gọi mà Chúa thường xuyên gởi đến chúng ta.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *