31.12 – THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Ga 11,1-18
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”
(Ga 1,14)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục kể rằng: Năm 1280, Trịnh Giác Mật nổi loạn chống lại triều đình. Vua Trần phái Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cho quân đi dẹp. Trịnh Giác Mật thách thức: “…nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đến thì Giác Mật xin hàng ngay“. Nhật Duật nhận lời. Trịnh Giác Mật và các đầu mục đều kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ của Trần Nhật Duật. Khi mâm rượu, có bầu rượu và dĩa thịt nai muối, được bưng lên, Trịnh Giác Mật đưa tay mời có ý thách thức. Ông không chút ngần ngại cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo như người địa phương. Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương[1] là anh em với ta”. Trần Nhật Duật đáp lại “chúng ta từ xưa nay vẫn là anh em”. Sau đó, Giác Mật đã đem cả gia thuộc đến doanh trại Nhật Duật xin hàng.[2]
Khi phạm tội, con người trở nên thù nghịch với Thiên Chúa. Để cứu độ con người, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (c.14), để nói với chúng ta bằng chính ngôn ngữ của con người, và dẫn đưa ta về lại với Thiên Chúa.
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng rằng: “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…”[3] để ở với chúng ta, trở nên đồng hình đồng dạng với ta. Chính khi hạ mình mang lấy bản tính nhân loại, Người thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau của con người, đồng thời người đem cả nhân loại quy phục Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”[4] để trở nên giống bạn, giống tôi. Người muốn bước vào lòng tôi, vào cuộc đời tôi… Người chấp nhận những bất toàn của tôi vì muốn ở với tôi. Người muốn cùng tôi sống giữa những khó khăn, những vấn đề của ngày hôm nay mà tôi đang phải đối diện… để Người tiếp tục công cuộc Nhập Thể của Người trong cuộc đời tôi…
“Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (c.12)
Nhìn lại suốt năm qua, đã có những lần ta đã đóng cửa tâm hồn, từ chối Người và từ chối anh em… chúng ta xin Người tha thứ và thanh tẩy…
Chắc chắn cũng có những kỷ niệm đẹp khi ta mở lòng tiếp rước Người nơi Bí tích Thánh Thể, khi ta lắng nghe Lời Chúa, khi ta đón nhận và hòa giải với tha nhân… và được ơn Chúa biến đổi…
Trong năm mới 2023, với chủ đề mục vụ Củng cố sự hiệp thông để tiếp tục hiệp hành cùng Giáo Hội, chúng ta cần lắm sự hiện diện của Chúa, để chính Chúa là tình yêu nối kết từng người chúng ta với nhau và với Chúa. Hãy mời Chúa vào nhà và ở lại với ta như Đức Maria, để Người cho ta gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa.
Đức Maria, người thiếu nữ miền Nazareth đã mau mắn đón nhận Ngôi Lời, cưu mang và sinh hạ Ngôi Lời cho nhân loại. Ngôi Lời đã trở nên người phàm nhờ cung lòng của Mẹ. Mẹ được đầy ân sủng 3 vì đã cưu mang Đấng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (c.14). Mẹ đã để cho Ngôi Lời hiện diện, chiếm hữu, chi phối và làm chủ cả cuộc đời mình. Mẹ không chỉ được Ngôi Lời “ban cho quyền làm con Thiên Chúa”, mà còn ban tước hiệu vô cùng cao quý là làm Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, và trở nên đồng hình đồng dạng với Giê-su, Con Yêu Dấu của Mẹ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Để Chúa làm chủ cuộc đời tôi.
- Đón nhận tha nhân, quan tâm chia sẻ, cảm thông và tha thứ cho nhau.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã mau mắn đón nhận và để cho Ngôi Lời đến cư ngụ nơi cung lòng trinh khiết của Mẹ. Xin giúp mỗi người chúng con biết mở lòng đón nhận Tình Yêu Cứu Độ của Chúa, biết nhận ra Chúa đang sống cùng và sống với con qua những người thân trong gia đình và qua mọi người con gặp gỡ. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/ZUWM6i)
[1] “Chiêu Văn Vương” là một trong những tước vị của Trần Nhật Duật. X. https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/18629/chieu-van-vuong-tran-nhat-duat.html
[2] X. https://nghiencuulichsu.com/2012/10/02/tran-nhat-duat-1254-1330-danh-tuong-va-vuong-tu-tai-hoa/
[3] Kinh Tin Kính
[4] Pl 2,7
()