fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 25.01.2023 – THỨ TƯ – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ÐỒ TRỞ LẠI

25.01.2023 – THỨ TƯ –

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ÐỒ TRỞ LẠI
Mc 16,15-18

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Mới sinh ra, Sao-lô đã được mang hai quốc tịch vừa Do Thái vừa Hy lạp. Là người Do Thái, Sao-lô được hưởng nền giáo dục bậc nhất trong truyền thống Do Thái và sớm trở thành một Biệt Phái trẻ giàu nhiệt tình, từng được bậc thầy trứ danh Gamaliel dạy dỗ. Vốn rất trọng lề luật và các truyền thống Do Thái, ông cho rằng những người tin theo ông Giêsu là lạc giáo, cần phải trừng trị. Ông đã bách hại các Kitô hữu, đã chứng kiến việc ném đá Stêphanô và cuồng nhiệt đến mức xin các Thượng tế cho phép ông bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi các Hội đường Do Thái. Sao-lô cứ tưởng như thế là hăng say phụng sự Thiên Chúa và làm đẹp lòng Chúa.

Nhưng diệu kỳ thay! Giữa lúc ông đang hăng say bách hại những ai tin theo Đức Giêsu Nazareth, Đấng Phục Sinh, thì chính Người hiện ra với ông và tỏ cho biết: “Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.”[1] Từ cuộc gặp gỡ mầu nhiệm ấy, Sao-lô nghiệm ra rằng Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và Phục Sinh, đang hiện diện nơi mỗi Kitô hữu: cả hai nên một. Từ đó, khởi sự khúc quanh cuộc đời của ông!

Hôm nay Giáo hội kính nhớ sự trở lại của Thánh nhân, một ngã rẽ quan trọng nhất trong cuộc đời của ngài cũng như trong lịch sử Giáo hội sơ khai. Cú ngã ngựa trên đường Đa-mát đã đưa Sao-lô đến cuộc hoán cải tận căn: ông không còn là Sao-lô, một Biệt phái nhiệt thành với Do Thái giáo nhưng là Phao-lô, tông đồ dân ngoại. Chính Đấng Phục Sinh đã trao cho ông sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho các dân tộc không phải là Do Thái, ở khắp nơi, trong mọi nền văn hóa, như Người đã truyền cho các môn đệ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”

Từ khi gặp Đức Giêsu, Phaolô đã đặt Người làm trung tâm của cuộc đời mình: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi”[2] và gắn chặt đời mình với tình yêu của Người: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….”[3]. Tình yêu Đức Kitô thúc bách Phaolô hăng say, nhiệt thành đem Tin mừng từ Giêrusalem – trung tâm của Do Thái giáo cho tới tận miền duyên hải Hy-Lạp (Cô-rin-tô, Thê-xa-lô-ni-ca), vào sâu trong vùng đất của Dân Ngoại (An-ti-ô-ki-a, Ga-lát), và đến tận kinh thành Rôma.

Sự trở lại của Phaolô là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa và chính Phaolô đã mở lòng, tự do đáp lại ân huệ ấy. Noi gương thánh nhân, ta cần đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?[4] mỗi ngày và khiêm tốn lắng nghe Chúa dạy, đồng thời trung thành đáp lại ơn Chúa. Chúa không nói trực tiếp hết mọi điều với Phaolô, nhưng Người cũng dùng Hanania để nói với Phaolô nữa. Cũng thế, chúng ta cần biết lắng nghe Chúa nói với ta qua những người trung gian, các biến cố, sự kiện… Và khiêm nhường đáp lại tiếng Chúa.

Mẹ Maria, vị tông đồ truyền giáo đầu tiên, cũng đã thay đổi hướng đi đời mình từ khi Mẹ nhận biết ý Chúa qua biến cố Truyền Tin. Âm thầm nhưng hiệu quả, hành trình loan báo Tin mừng của Mẹ là những bước chân không mệt mỏi. Mẹ không thuyết trình nhiều lời, nhưng luôn âm thầm giới thiệu Chúa Giêsu: Mẹ đem Chúa Giêsu đến gia đình bà Isave, cho các mục đồng, các đạo sĩ chiêm bái Người, cho cụ già Simêon được bồng ẵm Chúa… Ngày nay, qua Mẫu Ảnh Phép Lạ, Mẹ vẫn tiếp tục đem Tin Mừng cho toàn thể nhân loại trên thế giới.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi thuận theo sự hướng dẫn của Chúa, truyền giáo qua đời sống khiêm nhường, đơn sơ và bác ái của tôi.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, lệnh truyền giáo của Chúa luôn thúc bách con phải lên đường. Xin Mẹ kéo con ra khỏi sự ù lì và yên ổn sẵn có, để dấn bước đem Chúa đến với tha nhân như Mẹ. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/sfntPk)

[1] Bài Đọc I, Cv 22,8

[2] Pl 3,8

[3] Rm 8,31

[4] Cv 22,10

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *