26.01.2023 – THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN
THÁNH TIMÔTHÊ VÀ THÁNH TITÔ
Lc 10,1-9
“Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một…” (Lc 10,1)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Hôm qua, chúng ta đã mừng kính biến cố thánh Phaolô từ một biệt phái nhiệt thành, hăng say bách hại Giáo Hội sơ khai, được ơn trở lại làm tông đồ của Chúa, nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc không phải là Do Thái. Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ đặc biệt hai người bạn đồng hành và cũng là môn đệ thân tín của thánh Phaolô: thánh Timôthê và thánh Titô. Thánh Phaolô đã gọi các ngài là những “người con tôi đã sinh ra trong đức tin”[1], và quan tâm dạy dỗ các ngài về cách thức giảng dạy Lời Chúa, cách điều hành các giáo đoàn và cả vấn đề sức khỏe. Đó là mối tương quan gắn bó thân thương giữa những người môn đệ của Chúa Kitô, cùng chia sẻ sứ mạng tông đồ, cùng thấu hiểu những gian nan trên bước đường phục vụ, cùng nâng đỡ và khích lệ nhau. Cho dù có cách xa nhau về thể lý, thì qua những bức thư, tinh thần các ngài vẫn gắn bó “hiệp hành” với nhau trong đức tin và sứ mạng.
Đó cũng là lý do Chúa Giêsu sai các môn đệ đi “từng hai người một”, để làm chứng tá về tình yêu và bình an của Chúa qua đời sống cộng đoàn. Ngoài nhóm nhỏ các tông đồ, Chúa Giêsu còn có một số đông các môn đệ, và Chúa cũng sai họ đi với lời dặn: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’” (c.5). Bình an là món quà đầu tiên Chúa ban tặng nhân loại khi nhập thể làm người. Thánh Phaolô quả quyết rằng: “chính Người là bình an của chúng ta…”[2]
Đời sống cộng đoàn luôn có những khó khăn do sự khác biệt của mỗi người. Tuy nhiên, chính những khác biệt đó lại làm nên sự phong phú. Vì thế, cần thiết phải có sự yêu thương đón nhận lẫn nhau như chính Chúa đón nhận các tông đồ. Chúa Giêsu đã bình thản và quảng đại đón nhận cái hôn phản bội của Giuđa, bình thản và chủ động đi vào con đường khổ nạn và thập giá. Đó là sự bình an của người biết mình làm theo ý Chúa và luôn sống dưới cái nhìn của Chúa, sự Bình An đích thực mà “thế gian không ban được” và cũng chẳng thể lấy đi được khỏi người môn đệ.
Đối với số đông người Việt Nam, sự cộng tác làm việc chung có lẽ ít thành công hơn là làm việc tự phát, cá nhân. Là môn đệ của Chúa Kitô, cùng với Giáo Hội hướng tới một đời sống hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ,[3] mỗi người chúng ta cần có sự lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta qua Lời Chúa, qua Giáo Hội, qua mỗi biến cố và mỗi con người xung quanh ta. Chúng ta cũng cần can đảm và mạnh dạn lên tiếng trong tự do, chân lý và bác ái, để xây dựng đời sống chung trong tình yêu và nhờ đó, sự Bình An mới hiện diện và trở thành dấu chỉ Chúa hiện diện thực sự giữa chúng ta.
Đức Maria, Nữ Vương Ban Sự Bình An cũng dạy ta cách sống sự bình an và trao ban bình an thật tuyệt vời: Mẹ lắng nghe và làm theo ý Chúa, luôn sống dưới cái nhìn của Chúa. Mẹ lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của chị Êlisabeth, Mẹ đồng cảm với nỗi lòng của thánh Giuse trong hành trình Belem và Ai-cập, Mẹ can đảm hỏi và lắng nghe Chúa tại đền thờ Giêrusalem.[4] Mẹ lắng nghe sự lo lắng thiếu rượu tại tiệc cưới Cana, Mẹ lên tiếng thưa với Chúa và tiếp tục lắng nghe Chúa, cũng như lên tiếng dặn dò các gia nhân… Sự hiệp hành của Mẹ là luôn sống cùng, sống với, sống vì và sống cho Chúa, cho mọi người.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi kiến tạo bình an trong gia đình, cộng đoàn bằng sự lắng nghe và đối thoại trong khiêm nhường, đơn sơ và bác ái.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ là Nữ Vương Ban Sự Bình An, xin làm cho con nên khí cụ bình an của Chúa, ngay tại gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, khu xóm và mọi nơi con hiện diện, để mọi người nhận biết Chúa là nguồn mạch tình yêu và bình an. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/b8ZVUq)
[1] 1Tm 1,2; Tt 1,4
[2] Ep 2,14a
[3] https://phatdiem.org/thoi-su-giao-hoi/huong-toi-mot-hoi-thanh-hiep-hanh-hiep-thong-tham-gia-va-su-vu.html
[4] X. Lc 2,48-50
()