“Không điều gì làm vui lòng Thiên Chúa bằng việc hoán cải và cứu độ con người”.
Thánh Grêgôry thành Nazianzus
Hoán cải ám chỉ tình trạng của người thay đổi đường hướng và chọn lấy hướng đi đúng đắn, khi người đó nhận ra mình đang theo hướng đi sai lầm. Đây là một sự biến đổi nội tâm mà qua đó, người ấy chuyển từ tình trạng xa lánh và dửng dưng đối với Thiên Chúa, sang lối sống nên-một và thân thiện với Người. Việc trở lại tuyệt đối cần đến tiếng gọi từ Thiên Chúa, đồng thời sự tự nguyện và cam kết để đón nhận tiếng gọi mà Thiên Chúa ban. Như vậy, việc trở lại vừa là một phúc lành thuộc về ân huệ của Thiên Chúa, vừa là sự đáp trả tự do của con người.
Tiến trình trở lại diễn ra tuần tự, đòi hỏi vài ngày, vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm – hoặc tiến trình này có thể xảy ra hoàn toàn đột ngột, khi người đó nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, tình trạng thiếu sót của bản thân, và quả thật con đường đưa đến hạnh phúc vĩnh cửu vẫn tồn tại, họ tự do chọn lấy con đường này như là của riêng mình. Chúng tôi hy vọng câu chuyện trở lại thuộc về cá nhân được tường thuật dưới đây sẽ giúp bạn phản ánh xem mình ở đâu cùng với Đức tin của bạn, và sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn.
Phan Thị Kim Phúc sinh ngày 02 / 4 / 1963 tại Trảng Bàng, một ngôi làng nông thôn, cách thành phố thủ đô Sài Gòn, Nam Việt Nam, khoảng 40 km. Đất nước này đã bị nhận chìm trong cuộc chiến đẫm máu suốt một số năm. Những chiến binh Việt cộng hoặc các lực lượng cai trị vẫn thường xuyên đến khu vực này. Tuy nhiên, chiến tranh không tác động đến Trảng Bàng, nên cùng với cha mẹ, ông bà và tám anh chị em, Kim Phúc đã trải qua cuộc sống vô tư, giúp đỡ cha mẹ các việc lặt vặt đơn giản trong nhà. Đầu thập niên 1970, các hoạt động chiến tranh gia tăng chung quanh Trảng Bàng. Rồi đến ngày 8/6/1972 không thể quên được, khi các lực lượng Việt cộng xâm chiếm ngôi làng, và các đội quân Nam Việt quyết định tấn công họ. 30 thường dân hoặc khoảng đó, trong số có gia đình Kim Phúc, đều tập trung tại một ngôi đền địa phương, với hy vọng không binh lính hoặc quân du kích nào sẽ đột kích vào địa điểm tôn giáo. Tuy nhiên, khoảng giữa trưa, một trong các binh lính Nam Việt hiểu lầm rằng những thường dân đang tập trung trong ngôi đền đều là các thành viên Việt cộng. Đột nhiên, “một quả lựu đạn nổ tung bốc khói, bao trùm toàn bộ hiện trường trong màu vàng khè và đỏ tía. Đây là dấu hiệu cho phi công Nam Việt đang theo dõi trận đấu: Hãy dội bom xuống ngay chỗ này!”
Một trong các binh lính ở gần ngôi đền nhận ra sai lầm nghiêm trọng, nên bắt đầu hét lớn: “Chạy, chạy ra ngay! Mọi người phải rời khỏi chỗ này! Ở đây không an toàn! Họ sẽ phá hủy toàn bộ nơi này! Đi đi! Bọn trẻ chạy trước!”.
Kim Phúc cùng với những đứa trẻ khác vội chạy khỏi ngôi đền, rồi lao vào bãi đất nhỏ gần đấy, sau đó mọi người đổ ra con đường chính của ngôi làng. Kim Phúc liếc mắt thấy máy bay bất ngờ hạ độ cao: Từ bên dưới bụng máy bay, 4 quả bom đã dội xuống. Vài giây sau, cả khu vực đều ngập trong bom Na-pan. Không khí cháy bùng, đạt tới nhiệt độ 1000 độ C. Kim Phúc đã bị bốc cháy, quần áo, hai vai, hai đùi, cả thân thể cô bé đang bừng bừng rực lửa! Cơn đau thật khủng khiếp, nhưng Kim Phúc vẫn không dừng lại. Cô bé cứ chạy tới phía trước. Dọc theo con đường, cùng với quân đội, có một phóng viên rất trẻ: Nick Út, đang quay cảnh máy bay tấn công bằng chiếc máy quay phim của anh. Nhóm trẻ con đã bắt kịp binh lính. Vài năm sau, Kim Phúc vẫn còn nhớ lúc đó, cô bé la lên: “Nóng quá! Nóng quá!”.
Christopher Wain, một trong các phóng viên, đã đưa tay ra và cho cô bé nước. Rồi anh ấy còn đổ nước xuống đầu và cơ thể đang bốc cháy của Kim Phúc, nhưng anh ta làm cho sự việc càng trở nên tồi tệ hơn, vì oxy từ nước phản ứng với bom Na-pan còn lại trên cơ thể Kim Phúc, khiến cô bé bắt đầu bốc cháy lại. Nick Út cũng đến giải cứu cô bé. Anh đặt máy quay phim sang một bên, rồi đưa cô bé tới bệnh viện Sài Gòn. Tuy nhiên, các bác sĩ lại quả quyết rằng cô bé sẽ không sống sót nổi – khoảng 30 % cơ thể cô bé đã bị thiêu rụi. Nick Út cứ năn nỉ, nên cuối cùng anh thuyết phục được các bác sĩ cố gắng thử lại. Cô bé đã trải qua 14 tháng trong bệnh viện và 17 thủ tục y tế.
Thời gian đó, một trong những tấm ảnh của Nick Út, cho thấy cô bé trần truồng, bị bốc cháy và hốt hoảng, đang chạy trên đường cùng với những đứa trẻ khác, đã được thưởng Giải Pulitzer. Tấm ảnh này được đặt tên là “Sự Kinh hoàng của Chiến tranh”.
Tiến trình chữa lành cực kỳ đau đớn, nhưng trong khi đó, một sư việc còn nghiêm trọng hơn nhiều: Tâm hồn Kim Phúc đầy tức giận và hận thù! Cô bé có cảm giác tiêu cực rất sâu xa đối với tất cả những người gây đau đớn cho mình, tất cả những ai quay lưng lại với mình, khi nhìn thấy lớp da đầy sẹo và bị biến dạng của cô. Cô còn cảm thấy mình không được yêu thương, không được chấp nhận, không xinh đẹp và không đáng sống! Những năm sau, trong một cuộc phỏng vấn, cô nói: “Hôm ấy, tôi cứ muốn chết cùng với gia đình tôi … Thật khó cho tôi khi phải chịu đựng cả nỗi hận thù, căm tức đó!”.
Tất cả những kinh nghiệm về thể lý và cảm xúc này đã dẫn dắt cô đến chọn lựa theo học ngành Y. Đồng thời, cô cũng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa hơn trong cuộc đời mình, và cô đã nghiên cứu các tôn giáo khác nhau. Một ngày trong năm 1982, khi cô đang học năm thứ hai, cô tìm thấy cuốn Tân Ước trong thư viện đại học ở Sài Gòn. Cô cầm lên, rồi ngồi xuống và bắt đầu đọc lướt các trang sách. Cái nhìn của cô nhằm vào một câu mà Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an: “Thầy chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa cha mà không qua Thầy” (Ga. 14, 6). Ban đầu, cô nghĩ rằng ông Giê-su này quá tự tin – “Có hàng ngàn con đường để đến với Thượng đế; mọi người đều hay biết điều đó”. Cô gấp sách lại, nhưng vẫn tiếp tục suy nghĩ – cô nhận ra rằng nếu câu mà Đức Giê-su nói là đúng, thì trong cả cuộc đời mình, cô đã tôn thờ các vị thần sai lầm. Sau đó, một ý tưởng khác đến với cô: “Ông Giê-su này đã chịu đau khổ, khi bảo vệ lời khẳng định của mình. Ông ấy đã từng bị chế giễu, tra tấn và giết chết. Tại sao ông ấy thực hiện tất cả những việc này, nếu quả thật ông ấy không phải là Thiên Chúa?”. Nỗi đau đớn của cô cần phải có một mục đích, nói cách khác, cô sẽ không có thể tiếp tục cuộc đấu tranh một cách trung thành đến thế. “Tôi không bao giờ nghĩ về ông Giê-su theo cách này – cách thức bị tổn thương, cách thức phải chịu đựng những vết sẹo”. Toàn bộ suy nghĩ đó đã dẫn dắt cô đi tới kết luận: “Nếu ông Giê-su đích thực là Đấng mà ông ấy nói, và ông ấy đã chịu đựng tất cả những gì ông nói là ông đã chịu đựng, thì có lẽ ông ấy có thể giúp tôi làm cho nỗi đau đớn của tôi có ý nghĩa, và cuối cùng đi đến giao hảo được với những vết sẹo của tôi”.
Sau đó vài tuần, cô đào sâu sự hiểu biết về đạo Công giáo, nói chuyện với những người khác, từng bước một, cô khám phá rằng Đức tin của mình phát xuất từ việc lắng nghe, và Thiên Chúa có một kế hoạch cho cô. Cô so sánh những nỗi đau của mình với Thiên Chúa, Đấng đã từng chịu đau khổ. Một ngày nọ, cô nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn. Đầu năm 1983, cô thông báo cho gia đình rằng cô thay đổi tôn giáo – cô đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Giê-su Ki-tô.
Cuộc trở lại đạo Công giáo mang lại cho cô sức mạnh để tha thứ. Hiện nay, cô sống tại Canada với chồng và hai con. Cô cống hiến đời mình đề quảng bá cho nền hoà bình, bằng cách cung cấp sự hỗ trợ về y tế và tâm lý cho những nạn nhân chiến tranh: “Sự tha thứ đã và đang giải thoát tôi khỏi nỗi hận thù. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể, và đau đớn dữ dội hầu như mỗi ngày, nhưng tâm hồn tôi được thanh tẩy. Bom Na-pan rất mạnh, nhưng Đức tin, sự tha thứ và tình yêu thương còn mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ không còn chiến tranh nữa, nếu mọi người đều học hỏi để sống với tình yêu thương, niềm hy vọng và sự tha thứ đích thực.”
Nếu cô bé trong tấm ảnh đó có thể làm được điều này, thì bạn hãy tự hỏi: Tôi cũng có thể làm như vậy không?”.
Chuyển ngữ: Gia Đình Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn
()