11.4.2023 – THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 20,11-18
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/uM9AHE)
“Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).” (Ga 20,16)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Từ dưới sân, giữa trời nắng gắt, tiếng chị H trực phòng khách lanh lảnh vọng lên lầu I:
- Này, các chị có nghe điện thoại reo không? Sao tôi gọi mãi mà không có ai nhấc máy lên nghe vậy?
Thật ra, tất cả mọi người trong phòng làm việc đều nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã nghe rồi thì sau đó phải “thông tin” lại cho người có liên quan hay phải đi gọi người dùm cho chị H.[1]
Khác với những người “ngại việc” kia, Ma-ri-a Mác-đa-la đã được Chúa Giêsu gọi và chị đã mau mắn đáp lại với tất cả nhiệt tâm: sau khi được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ, chị đã gia nhập đoàn môn đệ, cùng với những người nữ môn đệ khác. Trong suốt thời gian theo Chúa từ Galilê đến Giêrusalem, Ma-ri-a Mác-đa-la đã được nghe Chúa gọi mình rất nhiều lần, nên chị đã quen thuộc với cách gọi thân mật và riêng biệt của Chúa.
Nếu xét về lòng trung thành, ta có thể nói rằng Ma-ri-a Mác-đa-la và những người nữ môn đệ đã trung thành với Chúa hơn “cánh đàn ông”, bằng cớ là họ đã theo Chúa trong cuộc thương khó cho đến khi Chúa chịu tử nạn. Họ cảm nhận được Chúa yêu và gắn bó với Chúa bằng một tình yêu nồng nàn, sâu đậm, giống như Gioan, người nam duy nhất trong nhóm Mười Hai. Nhờ thế mà họ đã theo Chúa cho đến cùng và còn ở lại chứng kiến cuộc an táng Chúa Giêsu.
Vốn chu đáo, Maria Mác-đa-la xót xa vì cuộc khâm liệm cho Chúa quá sơ sài, thiếu thốn mọi thứ. Chị muốn dành cho Chúa nghĩa cử cuối cùng của tình yêu, bằng cách đem thuốc thơm ướp thêm cho xác Thầy vào sáng sớm sau ngày lễ nghỉ. Nhưng hỡi ôi, ai đã đem xác Thầy đi đâu mất? Một lần nữa, chị lại trung thành ngồi bên mộ, không chỉ để khóc, mà còn để “dò tìm manh mối” và tìm cách “đem Thầy về”.
Thấu hiểu tấm lòng của chị, Chúa cất tiếng gọi quen thuộc: “Maria!” Chị bừng tỉnh, như con chiên nhận ra tiếng chủ chiên,[2] cho dù Người đang đứng trước mặt chị có vẻ xa lạ như một người làm vườn. Chị đã nhận ra đó chính là Đức Kitô đang sống chứ không phải chỉ là cái xác không hồn mà chị đang tìm kiếm. Chúa trao cho chị sứ mạng loan báo cho mọi người biết rằng Người đã sống lại.
Khi có được cái nhìn đức tin và cảm nhận riêng tư về tình thương của Chúa dành cho mình như Ma-ri-a Mác-đa-la, ta cũng dễ dàng nhận ra “âm thanh quen thuộc” và dung mạo của Đấng Phục Sinh trước những thành công cũng như phía sau những đổ nát và mất mát trong cuộc đời mình. Chính khi ta chẳng còn gì để hy vọng (như ngôi mộ trống) nhưng vẫn kiên nhẫn cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và “quay lại” để nhìn, ta sẽ thấy Đức Giêsu Phục Sinh đứng sẵn đó âu yếm nhìn ta. Một khi thật sự cảm nghiệm được tình thương của Chúa, ta sẽ đủ sức mạnh và phấn khởi để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người xung quanh, vì như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “một người đang yêu thì không thể ngồi yên”.
Thiên Chúa luôn chọn cách hết sức âm thầm để thực hiện một mầu nhiệm quá đỗi lớn lao: không một ai được biết Chúa Giêsu sống lại thế nào và vào lúc nào! Cũng thế, duy mình Chúa thấu biết lòng Đức Maria hoan hỉ dường nào trước sự Phục Sinh của Chúa, vì Mẹ luôn thấy Chúa giữa những vui mừng và hy vọng, đau thương và thử thách trong cuộc sống. Đức tin và lòng mến giúp Mẹ luôn nhận ra thánh ý Chúa và kiên vững trong tin yêu. Vì thế, Mẹ đã được tràn đầy vui mừng hoan hỷ chiêm ngưỡng Đấng Hằng Sống muôn đời.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, khi đối diện với những đau khổ, tôi lắng nghe Lời Chúa và “hồi tưởng lại” những ơn Chúa đã ban, để nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nghiệm được và ngày càng xác tín vào tình thương Chúa dành cho con, để con làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh bằng kinh nghiệm và xác tín của mình. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/thu-ba-tuan-bat-nhat-phuc-sinh-ga-20-11-18-ngoi-mo-54041
[2] X. Ga 10,27
()