fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 12.5.2023 – THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH

12.5.2023 – THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH

Ga 15,12-17

 “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Năm 1619, cha Thánh Vinh Sơn Phaolô được nhà vua nước Pháp bổ nhiệm vào chức vụ Tuyên Úy các chiến thuyền của hoàng gia. Thời đó, tàu không chạy bằng than hay xăng dầu như ngày nay, người ta trương buồm và chèo tay. Tuy nhiên, công việc này quá cực nhọc mà tiền công lại rẻ, nên không ai muốn làm; tốt nhất là bắt các tù nhân làm việc cho khỏi tốn kém. Người ta coi những tù nhân chèo thuyền này như súc vật, họ bị buộc vào ghế dài, mỗi ngày làm việc 10 tiếng đồng hồ, những ai yếu quá không chèo được thì roi da dọa nạt thúc đẩy họ làm. Một hôm, cha Vinh Sơn chứng kiến cảnh một tù nhân bị kiệt sức nên ngã gục. Không để cho người tù nhân này bị roi da hành hạ, cha liền bước xuống tháo dây xích ra cho người này và cha chèo thế vào chỗ đó…[1] Cha đã sống trọn vẹn lời dạy của Chúa Giêsu, theo đúng cách thức mà Chúa Giêsu thực hiện: yêu thương và hy sinh cả mạng sống của mình cho người khác. Từ đó, các tù nhân được đối xử cách nhân đạo hơn.

Sau khi mời các môn đệ hãy “ở lại trong tình thương của Thầy” bằng cách “tuân giữ các điều răn của Thầy”, Chúa Giêsu đã tóm tắt các điều răn cho họ dễ hiểu và dễ nhớ: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (c.12). Lệnh truyền yêu thương không phải là điều mới mẻ. Sự mới mẻ mà Chúa dạy ở đây là cách chúng ta yêu mến nhau như Chúa yêu! Chỉ khi nào thực sự cảm nhận được cách Chúa yêu thương mình, ta mới có thể yêu người khác đúng theo kiểu mẫu của Chúa.

Chúa Giêsu đã tóm tắt Lề Luật trong Cựu Ước cho vị kinh sư thật ngắn gọn: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”[2] Nhưng Chúa Giêsu còn yêu thương chúng ta hơn cả chính bản thân Người, nên Người sẵn sàng hiến mạng sống của Người để cứu chuộc chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (c.13). Đó chính là khuôn mẫu, là cách thế yêu thương mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta, và Người ân cần dặn dò chúng ta đối xử với nhau, hy sinh vì nhau như thế đó. Khi yêu thương nhau như Chúa, ta được nên giống Chúa và được “ở lại trong tình thương” của Người.[3]

Có những người vợ, người chồng hy sinh, chịu đựng những sự sa ngã, những tật xấu hoặc bệnh tật của chồng/vợ hoặc của con cái mình cách âm thầm, với tình yêu và lòng quảng đại. Đó là những “cái chết mỗi ngày” để gia đình được đầm ấm, có điều kiện sống tốt hơn, con cái được chăm sóc và giáo dục đầy đủ hơn… Cũng có những bác sĩ, điều dưỡng tận tuỵ với bệnh nhân vì yêu thương con người là hình ảnh của Chúa…

Mẹ Maria đã sống và yêu đúng theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu: Vừa khi nghe sứ thần báo tin bà chị họ già nua sắp sinh con đầu lòng, Mẹ đã không quản ngại xa xôi, không nghĩ đến nhu cầu nghỉ ngơi của bản thân, vội vã lên đường để giúp đỡ bà ấy. Mẹ không phản ứng tiêu cực đối với những người chủ quán trọ tại Belem, với vua Hêrôđê bạo chúa, hay với cả những người kết án và đóng đinh Con Yêu Dấu của Mẹ, nhưng âm thầm lặng lẽ bước đi trong hy vọng. Mẹ âm thầm đón nhận, nâng đỡ an ủi các môn đệ đang buồn phiền vì cái chết của Chúa Giêsu, mà không trách cứ các ông đã bỏ Thầy trong cơn khốn khó… Mẹ hiện diện và cầu nguyện với họ trong ngày lễ Ngũ Tuần.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Cùng với Mẹ Maria, tôi sống kiên nhẫn, cảm thông, tha thứ,… chấp nhận thiệt thòi vì người khác.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết cảm thông với nỗi đau khổ của người khác, biết quên mình phục vụ như Chúa đã mời gọi và làm gương cho con, khiêm tốn đi bước trước trong việc hòa giải, và yêu thương mọi người như Chúa đã yêu con. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. Lm Gascon COURTOIS, Tiểu sử thánh Vinh Sơn Phaolô, trang 46-48.

[2] Mc 12,31

[3] Ga 15,10

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *