Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
của thánh nữ Louise de Marillac
1623 – 04.6 – 2023
(Kỳ 2)
Ánh sáng bất ngờ của ngày Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống năm 1623 luôn xâm chiếm tâm hồn bà Louise. Trước đó 16 thế kỷ, Chúa cũng đã bao phủ Saolô thành Tarse trên đường Damas, bằng ánh sáng chói lòa, phải cần đến Anania để “có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông…”[1] và phải mất một thờ gian khá dài sống trong sa mạc, trước khi trở thành “lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en”[2].
Được giải thoát khỏi các hoài nghi, Bà Louise đã tìm lại được sự bình an và niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa trong tâm hồn. Bà tiếp tục sống với và chăm sóc tận tình cho chồng con. Ông Antoine Legras đã qua đời một cách bình an ngày 21.12.1625. Tuy nhiên, bà chưa rõ những ánh sáng được tỏ hiện cho bà thấy, sẽ được thực hiện như thế nào. Đúng là ân sủng có thời điểm của nó. “Để trợ giúp và nâng đỡ bà trên con đường mới lạ này người ta giới thiệu cho bà một vị linh hướng mới: một vị linh mục trạc tứ tuần, cha Vinh Sơn Phaolô”[3]. Đó chính là vị linh hướng đã được báo ở Ánh Sáng II, ngày lễ Hiện Xuống 1623.
Bà quí tộc Louise de Marillac
và cha Vinh Sơn Phaolô truyền giáo cho người thôn quê.
“Lạ lùng thay cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ giữa Louise de Marillac, một bà quí tộc ở thủ đô Paris với khối óc sắc sảo, tính tình đa cảm, và cha Vinh Sơn Phaolô, người dân quê chất phác xứ Landes, một người rất thận trọng”[4]
Dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng mới này, lúc ban đầu bà hơi khó chịu vì ngài thường có những chuyến đi truyền giáo ở miền quê, nên khó gặp được ngài để giải đáp những lo âu của bà. Dần dần, với sự đón tiếp đầy lòng nhẫn nại và từ tâm của cha Vinh Sơn đã giúp bà giải tỏa nội tâm, đơn giản hóa đời sống cầu nguyện và mở rộng tâm hồn đón nhận tha nhân, cách riêng là những người nghèo khổ. Bà kiên nhẫn mà không biết khi nào Ánh Sáng ngày lễ Hiện Xuống sẽ được thực hiện. Bà cố gắng kiềm chế sự nôn nóng, nhớ tới sự tĩnh lặng chờ đợi Chúa Thánh Thần của các thánh Tông Đồ[5]. Bà đã quan sát việc làm của cha Vinh Sơn trong các hội đoàn bác ái. Sáng kiến đi thăm viếng và phục vụ người nghèo ngày càng thu hút Louise và xâm chiếm lời cầu nguyện của bà. Được Ánh Sáng ngày lễ Hiện Xuống thúc đẩy, bà chia sẻ suy tư của mình với cha Vinh Sơn. Cha Vinh Sơn phấn khởi đáp lại cách tích cực, như thể ngài đã chờ đợi quyết định này từ lâu, nhưng nó phải đến từ bà Louise.
Cha Vinh Sơn gửi cho Louise một “bài sai” cảm hứng theo bản văn phụng vụ về hành trình của các giáo sĩ: “Cô hãy lên đường, nhân danh Chúa chúng ta Cô hãy lên đường. Tôi xin lòng nhân từ của Chúa dẫn đưa Cô, an ủi Cô trên các nẻo đường Cô đi, Ngài là bóng mát che ánh nắng mặt trời, là nơi trú ngụ khi mưa rơi, khi trời lạnh lẽo, là chiếc giường êm ấm khi cô mệt mỏi, là sức mạnh khi Cô làm việc và sau cùng Ngài sẽ dẫn Cô về bình an và đầy việc làm tốt.”[6]
Noi gương Đức Maria,
bà Louise ra đi thăm viếng những người nghèo khổ.
Ngày 06.5.1629, Bà Louise bắt đầu đi Montmirail thăm viếng các Hội Bác Ái mà cha Vinh Sơn đã thành lập trong các giáo xứ. Khoảng một năm sau, một cô gái thôn quê, tên Marguerite Naseau xuất hiện[7]. Cô này tỏ lộ cho cha Vinh Sơn ước muốn phục vụ người nghèo, làm cha nhìn thấy nơi biến cố này một dấu chỉ của Chúa Quan Phòng. Cô được sai đi phục vụ người nghèo của Hội Bác Ái họ đạo Saint Sauveur ở Paris. Bà Louise và cô Marguerite Naseau cùng nhau chia sẻ lòng tin và ước muốn phục vụ tốt các bệnh nhân tại gia. Bà Louise ngạc nhiên về lòng nhiệt thành của cô gái thôn quê này.
Gương sáng của Marguerite Naseau thu hút nhiều thiếu nữ thôn quê khác đến phụ giúp các bà của nhiều Hội Bác Ái khác nhau ở Paris. Bà Louise đón nhận họ và chỉ việc cho họ làm trong các họ đạo. Ngoài ra, bà còn “đồng hành với họ trên hành trình thiêng liêng, dạy cho họ tôn trọng và yêu thương người nghèo, hình ảnh Chúa Giêsu Kitô”[8].
Phải chăng đây là cộng đoàn nhỏ để phục vụ tha nhân mà ánh sáng ngày lễ Hiện Xuống năm 1623 đã báo cho bà Louise, “nhưng tôi lại không thể hiểu được điều ấy bởi vì những người sống ở nơi đó phải có thể đi đi-lại lại”? Bà trình ý kiến này lên Thánh Vinh Sơn, nhưng cha thấy không cần thiết phải lập cộng đoàn, hơn nữa cha biết rõ lập trường của Công Đồng Trentô cấm sáng lập những hội dòng mới. Với sự cương quyết đầy lòng cẩn trọng, bà Louise nhiều lần nhắc lại điều này, làm cha Vinh Sơn bực tức và phúc đáp cách lạnh nhạt: “…Tôi van nài Cô một lần thay cho tất cả, đừng bao giờ nghĩ đến điều mà hiện nay ngược lại với ý Chúa chúng ta cho đến khi nào Ngài cho thấy rõ Ngài muốn sự tách biệt này”[9].
Bà Louise vâng phục, nhưng vẫn suy nghĩ và cầu nguyện. Tiếp đến là cái chết của Marguerite Naseau vào tháng 2.1633 bởi bệnh dịch hạch, vì cô đã bị lây nhiễm khi phục vụ người mắc chứng bệnh này. Biến cố này đã chất vấn bà Louise cũng như cha Vinh Sơn. Tuy nhiên, cha Vinh Sơn vẫn luôn do dự về việc thành lập một cộng đoàn nữ tu. Bà Louise rất cương quyết đi theo Ánh Sáng đã nhận được, còn cha Vinh Sơn dành nhiều thời giờ cầu nguyện, hẹn giờ gặp gỡ bà Louise để bàn lại vấn đề này và Thần Khí Chúa đã chỉ đường: ngày 29.11.1633 bà Louise đã đón nhận vài thiếu nữ đến sống trong nhà mình, để tập cho họ sống cộng đoàn và ra đi phục vụ người nghèo khổ.[10]
Một hình thức tu trì mới đã được khai sinh trong Giáo Hội, ngày 29.11.1633,
đó chính là Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn!
(Còn tiếp)
[1] X. Tđcv 9,
[2] Nt. 9, 15
[3] Elisabeth Charpy-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 18
[4] Nt.
[5] Louise de Marillac, BTTL A.10, trang 701
[6] Elisabeth Charpy-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 27-28
[7] Louise de Marillac, nữ tu Alfonsa Richartz, trang 51
[8] Elisabeth Charpy-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 32
[9] Doc 86-87
[10] Elisabeth Charpy-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 35 ()