fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 19.5.2023 – THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

19.5.2023 – THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 16,20-23a

 “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được.” (Ga 16,22)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Tôi hồi tưởng thời còn là Đệ Tử, Sơ Gabriel hỏi chúng tôi: “Chúng con biết người phụ nữ đau nhất khi nào không?” Rất nhiều câu trả lời… Thế nhưng, Sơ chỉ đồng ý với một đáp án duy nhất: “người phụ nữ đau nhất khi sinh con”, và Sơ dạy: “Mỗi khi cuộc sống làm cho tinh thần chúng con đau đớn cực độ, các con hãy vui mừng và tin tưởng rằng: sắp có một sự sống mới về tinh thần được sinh ra…” Ngẫm lại những ngày chuẩn bị thi cử đầy khó nhọc và căng thẳng, so với niềm vui vỡ oà khi biết kết quả của mùa thi là hạng ưu, và sau đó là những thuận lợi cho bước đường kế tiếp, tôi thấy thấm thía lời Sơ.

Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi chính Chúa Giêsu cũng lấy kinh nghiệm của người phụ nữ đối diện với cơn đau đớn, hiểm nguy khi sinh nở và sự vui mừng sau khi sinh con, để so sánh với nỗi lo âu khắc khoải và sợ hãi của các môn đệ khi đối diện với cái chết kinh hoàng của Người, cũng như niềm vui vỡ òa khi các ông được gặp lại Chúa Phục Sinh. Trong lúc lo sợ, các ông đã “đóng kín cửa” lại, nhưng khi được gặp và chạm đến những vết thương của Đấng Phục Sinh, được cùng ăn và chuyện trò với Chúa, các ông “đã dám mở ra” cho sứ mạng của Thầy và tiếp nối sứ mạng ấy.

Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đem lại niềm vui lớn lao nhưng các môn đệ chỉ có thể cảm thấu được sau những ngày đau buồn héo hắt, sợ hãi lo âu đến quặn thắt ruột gan. Sự Phục Sinh của Thầy là bằng chứng của đức tin, là sự bình an và hy vọng để các ông tiếp tục sứ mạng của Thầy, cùng với sức mạnh của Thánh Thần.

Chính vì thế, trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng sau này, những khó khăn thử thách, những bách hại lao tù và cả cái chết cũng không làm các ông chùn bước, và hầu hết các tông đồ đều chịu tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng. Các ngài chấp nhận cái chết đau thương nhưng trong một niềm vui và sự bình an, vì biết chắc chắn mình sẽ được gặp Chúa trong niềm vui bất tận.

Suốt dòng lịch sử của Giáo Hội cũng thế, cách riêng Giáo Hội tại Việt Nam, biết bao vị tử đạo đã sẵn sàng chấp nhận những hình thức tra tấn, bách hại dã man cho đến chết, chứ dứt khoát không chối Chúa, không bước qua Thánh Giá. Các ngài không hề oán trách hay thù hận những người gây ra cái chết cho mình vì tin vào lời hứa của Thầy Giêsu: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (c.22).

Ngày nay, rất hiếm khi chúng ta bị bách hại như các tông đồ và các vị tử đạo. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn đầy những khó khăn, cám dỗ, những thói quen xấu và tội lỗi mà ta phải dứt khoát từ bỏ để trung thành với giáo huấn của Chúa. Chỉ cần ta noi gương Chúa, nhịn đi một lời nói gay gắt khi gặp điều trái ý, hay im lặng không biện minh khi bị hàm oan,… cũng là tử đạo cách âm thầm. Những hy sinh nhỏ bé này rất đẹp lòng Chúa, đem lại cho ta sự bình an và niềm vui nội tâm.

Trong những nỗi đau khổ mà Chúa phải chịu, Mẹ Maria đã cảm nhận nỗi đau đớn hơn ai hết. Chúng ta đã từng suy gẫm 7 nỗi đau của Mẹ cùng với Chúa Giêsu trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, và ta biết chắc chắn trong ngày Chúa Phục Sinh, Mẹ là người vui mừng hơn cả. Chính vì thế, trong suốt Mùa Phục Sinh, cả Giáo Hội và cả triều thần thiên quốc đồng hân hoan chúc mừng Mẹ:

Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.
Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.
Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi vì mang danh là Kitô hữu, trong niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng:[1]

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] https://www.conggiao.org/kinh-nu-vuong-thien-dang/

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *