fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 15.6.2023 – THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN

15.6.2023 – THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,20-26

 “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Trong Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu tuyên bố Người đến để kiện toàn Lề Luật, bằng cách dạy chúng ta thi hành Luật với tất cả tình yêu. Những khoản Luật Môsê mà các kinh sư và người Pharisêu thực hành hết sức tỉ mỉ vẫn chưa đủ để được cứu độ, cho dù họ tự hào mình đã “đạt chuẩn” đạo đức và tưởng rằng như thế sẽ được thừa hưởng những lời Thiên Chúa đã hứa.

Nhưng toàn thể Lề Luật và các ngôn sứ đều quy về Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Chỉ nơi Đức Giêsu mới có Ơn cứu độ, và chỉ những ai tin vào Người, gắn bó với Người mới được nên công chính. Vì thế, Chúa Giêsu tuyên bố: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (c.20).

Người môn đệ Chúa Giêsu không thể tự hài lòng với những hành động bên ngoài “giữ luật nghiêm túc” như các kinh sư mà thôi, nhưng cần thanh luyện mọi tư tưởng và ước muốn của mình nhờ tác động của Thần Khí, để ngày một nên giống Chúa Giêsu, và chiếu toả vinh quang Thiên Chúa.[1] Như thế, họ trở nên con cái Nước Trời.

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng chỉ dừng lại ở giới hạn “chớ giết người”, nhưng hãy tiến xa hơn trong tư tưởng và ước muốn, để không nuôi ý nghĩ hận thù, giận ghét…là những mầm mống gây ra bất hoà. Hơn nữa, Luật yêu thương của Chúa Giêsu còn thúc đẩy ta khiêm tốn đi bước trước để làm hoà: “…hãy để của lễ lại đó… đi làm hoà với người anh em ấy đã…” (c.23-24). Chúng ta không thể trình diện Chúa trong trạng thái bất hoà (bên ngoài) hay bất bình (trong tư tưởng) với người khác, mà biết đâu người khác có lý hơn ta. Vậy nên “hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công…” (c.25). Đó là lời mời gọi chúng ta sống bình an, hoà thuận với nhau ngay ở đời này, trước khi bước vào cõi đời đời.

Chúng ta tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật không phải vì sợ tội, nhưng là vì yêu mến Chúa, ta không làm hại, không xúc phạm người khác vì tôn trọng hình ảnh của Chúa nơi họ. Tuy nhiên, càng ngày, người ta càng xem nhẹ việc phá thai và đặt cho nó nhiều tên gọi khác, để trấn an và ru ngủ lương tâm con người. Việc nói xấu, phanh phui chuyện riêng tư của một nhân vật nào đó, tạo dư luận xã hội cũng là cách giết chết danh dự và tương lai không chỉ một người, mà cả những người thân của họ. Hơn nữa, có những người tự huỷ hoại chính mình, vì thói quen ăn chơi phóng túng, hay vì phẫn uất với ai đó mà làm tổn hại đến tâm hồn, trí não và tương lai của mình… Ước gì mọi người nhận biết rằng: sự sống con người thuộc quyền Thiên Chúa, và chúng ta có bổn phận chăm sóc, bảo tồn sự sống, chứ không được phá huỷ.

Chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Mẹ Maria đau khổ nhưng không phẫn uất, cũng chẳng oán hận nguyền rủa. Mẹ biết Con của Mẹ vô tội, là Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa Tối Cao.[2] Mẹ thinh lặng đồng cảm và liên kết sâu xa với Chúa Giêsu trong sự nhẫn nhịn và thương xót, tha thứ và bao dung. Mẹ không muốn Con của Mẹ phải chết, nhưng Mẹ cùng chịu hiến tế với Chúa Giêsu vì ơn cứu độ con người. Với các tông đồ đã nhát đảm bỏ trốn hay chối bỏ Con của Mẹ, Mẹ không trách cứ nhưng vẫn yêu thương đón nhận và an ủi các ông.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ Maria, tôi nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho mọi người, và chủ động đi bước trước trong việc hoà giải.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, từ kho tàng ơn phúc trong tay Mẹ, xin Mẹ ban cho con ơn khiêm nhường và quảng đại, để con dám đi bước trước đến với người anh chị em đang có khoảng cách với con. Xin dạy con sống yêu thương hòa thuận với mọi người, để được cùng nhau bên Mẹ hưởng tôn nhan Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

 

[1] Bài Đọc I, 2Cr 3,15-4,1.3-6

[2] X. Lc 1,32.35

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *