20.6.2023 – THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mt 5,43-48
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44b).
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
“Nếu Chúa Giêsu đã có thể tha thứ cho tôi, thì tất nhiên tôi có thể tha thứ cho người lái xe. Nếu Chúa chết trên thập giá vì tôi, thì dĩ nhiên tôi có thể cầu nguyện cho người lái xe đó…” Bà Leila đã nói như thế về người tài xế 30 tuổi đã gây tai nạn làm chết cả ba đứa con của bà, do anh ta bị tác hại của rượu, ma tuý và các chất gây nghiện khác. Bà giải thích: “Tha thứ là điều bạn thực hành, là thứ bạn thực hành cả đời. Và bạn tha thứ không phải vì những người khác xứng đáng được tha thứ. Đó là bởi vì bạn xứng đáng được bình an.”[1]
Vâng, chính vì để lòng chúng ta được bình an, Chúa Giêsu mới dạy ta phải tha thứ và đối xử tốt không chỉ với nhau, mà với cả những người gây đau khổ cho chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Đó là cách duy nhất để ta trở nên con cái Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và làm điều tốt lành cho tất cả mọi người.
Khi phạm tội, chúng ta trở thành thù nghịch với Thiên Chúa và đáng bị trừng phạt. Tuy nhiên Thiên Chúa đã không phạt mà lại cứu chúng ta: “Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người…”[2] Thiên Chúa đã dùng tình yêu của Người để tha thứ và cứu độ ta. Hơn thế nữa, Người còn mời gọi chúng ta hành động giống như Người để trở nên con cái của Người. Bằng cách sống yêu thương, tha thứ và cầu nguyện, chúc lành cho những ai làm ta đau khổ, chúng ta là người đầu tiên được hưởng bình an và là con cái đích thực của Thiên Chúa.
Tha thứ thật sự không phải chỉ là “không nhắc đến” nỗi đau mà người khác gây ra cho ta, nhưng còn là quan tâm thật sự để thấu hiểu, cảm thông và yêu thương thật sự chính người đã gây cho ta nỗi đau ấy, vì có thể “họ không biết việc họ làm”. Khi đó, chúng ta mới tha thiết cầu nguyện cho họ như cho chính những người thân yêu nhất của mình. Các bậc cha mẹ là những người từng kinh nghiệm về điều này: họ thường tha thiết cầu nguyện cho những đứa con yếu đuối bệnh tật, khó dạy, đi hoang… hơn là cho những đứa con khác. Kết quả là nhờ tình thương, sự thánh thiện và lòng khoan dung của cha mẹ, nhiều đứa con khó bảo và cứng đầu nhất đã được ơn hoán cải.
Cũng thế, khi nhận biết mình được Thiên Chúa tha thứ và thương yêu, chúng ta cũng sẽ sống yêu thương tha thứ với mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dạy chúng ta: thay vì lo xóa những nếp nhăn trên khuôn mặt, ta hãy sống cởi mở và tha thứ, để xóa đi những vết thương trong tâm hồn.[3]
Tháng Sáu được Giáo Hội dành riêng để chúng ta chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Cả hai Trái Tim đều bị mang thương tích vì yêu thương. Cả hai Trái Tim đều dạy chúng ta bài học của tình yêu là phải chịu tan nát để tha thứ và chữa lành cho chính kẻ bách hại mình. Hơn ai hết, Mẹ Maria đã chịu đau khổ với Chúa Giêsu dưới chân thánh giá và chuyển cầu ơn tha thứ cho tất cả chúng ta. Là con cái của Mẹ, chúng ta thật có lý để hy vọng rằng, chính tình yêu nơi trái tim Mẹ và nơi Thánh Tâm Chúa sẽ biến đổi trái tim hạn hẹp của chúng ta, giúp ta yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho chính những ai đã làm chúng ta phải đau khổ, thiệt thòi.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tôi dâng hy sinh và cầu nguyện cách đặc biệt cho người đã làm tôi đau khổ, những người tôi ít quan tâm đến họ…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa, để Thánh Tâm Người chữa lành những đau đớn trong tâm hồn con. Nhờ đó, con có thể sống khiêm tốn và hiền lành như Chúa, sẵn sàng yêu thương và cầu nguyện cho những người đã làm con đau khổ mỗi khi nghĩ đến họ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-07/danny-leila-abdallah-tha-thu-cho-nguoi-tong-chet-3-con.html
[2] Rm 5,10
[3] X. https://www.tonggiaophanhanoi.org/su-diep-cho-ngay-the-gioi-ong-ba-va-nguoi-cao-tuoi-lan-ii-24-07-2022/
()