fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 20.7.2023 – THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

20.7.2023 – THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

Mt 11,28-30

 “…Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Sống dưới ách nô lệ Ai-cập, Dân Do Thái phải làm việc cực nhọc, bị hà hiếp khổ sở. Họ kêu cầu lên Chúa. Chúa đã sai Môsê đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ, dẫn đưa họ vào “miền đất tràn trề sữa và mật”.[1] Ông Môsê là vị lãnh đạo mà Chúa dùng, nhưng chính Chúa mới cho Dân được tự do.

Thời Chúa Giêsu, Dân Do Thái lại ở dưới ách đô hộ của người Rôma. Hơn nữa, giới lãnh đạo tôn giáo còn giải thích luật cách tỉ mỉ, đặt thêm nhiều thực hành chi tiết khiến cho cuộc sống của giới thường dân và người nghèo thêm nặng nề. Chúa Giêsu đã phá đổ ách thống trị của những luật lệ ấy bằng cách giải thích Luật trong cái nhìn của tình yêu, và như thế, Người là Môsê mới, và hơn Môsê nữa, vì chính Người là Đấng giải thoát, không chỉ Dân Do Thái, mà hết mọi người đau khổ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (c.28).

Quả thật, trong thân phận con người, Chúa Giêsu thấu hiểu bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình, với môi trường xã hội và với chính mình luôn là những gánh nặng đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, Người mong muốn bổ sức và cho ta được nghỉ ngơi trong tình thương của Người. Đến với Chúa, ta sẽ có sức mạnh để đón lấy cuộc sống với một tư thế mới, tâm trạng mới và hành trang mới mà chính Chúa trao cho chúng ta: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Chúa không hứa sẽ cất đi gánh nặng, nhưng Người cho phương tiện “cái ách” là giáo huấn của Người, giúp ta có thể mang gánh nặng của mình cách thăng bằng và nhẹ nhàng.

Người Do thái quen gọi giáo lý truyền thụ cho học viên là “gánh nặng”, và việc học viên ngâm nga đọc thuộc lòng các bài giáo lý là “ách”. Chính khi đón nhận giáo huấn của Chúa, sống theo khuôn mẫu của Người, tâm hồn chúng ta được bình an. Nơi Bí tích Thánh Thể, chính Người sống trong ta, bổ sức cho ta, cùng ta chia sẻ những gánh nặng cuộc sống… “Ách” của Chúa dạy ta biết dành thời giờ cầu nguyện, biết sống trách nhiệm trong tình yêu thương, liên đới, cùng chia sẻ vui buồn, chăm sóc người già yếu, đặc biệt là cha mẹ, ông bà nội ngoại…

Học nơi Chúa sự hiền hậu và khiêm nhường, chúng ta khám phá ra những gánh nặng, đau khổ trước đây ta gặp phải chính là vì ta cứng cỏi, kiêu căng. Chúa Giêsu, Người thầy kiên nhẫn và khiêm tốn sẽ giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và ngay cả nơi thập giá đè nặng trên mình nữa.[2] Khi đón nhận mọi người, mọi việc với tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường của Chúa, ta sẽ trở nên khoan dung và rộng lượng hơn, ít chấp nhất nhau hơn, biết quan tâm đến nỗi đau của người khác để cảm thông và an ủi họ và nhờ đó, chính chúng ta cũng được chữa lành.

Ngay khi đón nhận Chúa Giêsu đến cư ngụ trong lòng mình, chính Đức Maria được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ đã trao phó cho Chúa gánh nặng của Lề Luật là mối nguy hiểm rình chờ Mẹ khi cưu mang Con Thiên Chúa cách mầu nhiệm mà thánh Giuse không biết. Mẹ trao cho Chúa mối lo về tương lai trong tương quan với những người thân, và cả gánh nặng cuộc sống khi sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu… Qua tiếng Xin Vâng, Mẹ chọn mang lấy “ách” của Chúa, đón nhận sứ mạng Chúa trao, và Chúa đã cho Mẹ đủ sức để sống trọn vẹn sứ mạng, Mẹ hiệp thông trong đau khổ với Chúa cho đến cùng nơi chân thánh giá. 

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi trao vào tay Chúa những gánh nặng cuộc sống, lo lắng hiện tại, và cả những người làm tôi đau khổ…để Chúa dạy tôi sống và yêu như Chúa.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dắt con vào nghỉ ngơi trong trái tim Chúa, để con biết sống với mọi người bằng chính lòng thương xót Chúa dành cho con. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Bài Đọc I, Xh 3,13-20

[2] Lời Chúa cho mọi người, tr.1610, phần chú giải

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *