17.8.2023 – THỨ NĂM TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
Mt 18,21-9,1
“…ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
“Dung nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu”[1]. Chính vì thế, Đức Giêsu Nazareth đã mặc khải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Ngài[2]. Tiếp nối Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu dạy các môn đệ nguyên tắc giúp nhau sửa lỗi trong Đức Ái. Để thực hiện điều đó, cả người có lỗi lẫn người khuyên giải đều cần sự khiêm nhường và chân thành lắng nghe, nhận biết mình được Thiên Chúa thương xót, và đến lượt mình thực thi bổn phận thương xót với người anh em.
Trong Cựu Ước, Luật Môsê cho phép “báo thù tương xứng” khi bị hại, hoặc nếu có tha thứ thì không quá bảy lần, với điều kiện là người có lỗi phải biết sám hối.[3] Thế nên, tông đồ Phêrô tưởng rằng khi ông tha thứ đến 7 lần (không kể đến việc xin lỗi) thì đã là nhiều lắm, nhưng Chúa Giêsu dạy phải tha đến “bảy mươi lần bảy”, tức là tha mãi không ngừng.
Để minh họa việc tha không giới hạn đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ vua “mười ngàn yến vàng”, một món nợ kếch xù không thể trả nổi, nhưng vua đã “chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ”. Cũng thế, lòng quảng đại của Thiên Chúa đã tha bổng cho con người tất cả những gì ta đã “mắc nợ” với Ngài: ta đã nhận từ Chúa biết bao ơn lành: sự sống thân xác và linh hồn, những điều kiện vật chất, tinh thần, thiêng liêng…để ta có thể sống như con cái tốt lành của Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã phung phí các ơn Chúa ban, đã sống bất xứng và phản nghịch lại Thiên Chúa, không tuân giữ giới răn Chúa, bất công với tha nhân…
Thiên Chúa không chấp nhất lầm lỗi của chúng ta, Người sẵn sàng tha thứ và cho ta trở về để bắt đầu lại. Thế nhưng, như người đầy tớ vô ơn trong dụ ngôn, chúng ta không nhận ra lòng tốt của Chúa, không cảm nếm niềm vui được tha bổng vô điều kiện. Chúng ta chấp nhất và “ghim gút” những lỗi lầm nhỏ nhặt của anh chị em, vẫn hiềm thù và “đòi nợ” chỉ vì chút quyền lợi nhỏ nhoi mau hư nát.
Hôm nay, Chúa cũng nói với từng người chúng ta:“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi… đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Mỗi lần lãnh nhận Bí tích hòa Giải, chúng ta cần xét mình kỹ càng, ý thức thật sự tình trạng tội lỗi của mình, ăn năn dốc lòng chừa và chân thành xưng thú tội lỗi. Có thế, ta mới cảm nhận thật sự niềm vui được Chúa tha thứ và để cho lòng mình tràn ngập tâm tình biết ơn. Khi đó, ta cũng dễ dàng tha thứ cho anh em những điều họ xúc phạm đến ta. Hơn nữa, khi đọc Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, ta ý thức rằng: điều kiện để ta được Chúa tha thứ, là chính ta hãy tha thứ cho anh chị em mình.
Vì nhận biết “Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu”, Mẹ Maria đã luôn sống trong tâm tình cảm tạ Chúa và bác ái với tha nhân. Mẹ không buồn phiền chấp nhất những người đã gây đau khổ cho Mẹ và Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Dưới chân thánh giá, cùng với Chúa Giêsu, Mẹ cũng xin Chúa Cha tha thứ cho nhân loại. Với các môn đệ đã chạy trốn và chối Thầy, Mẹ đã tha thứ và an ủi, cùng họ họp mặt cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần trong tình yêu thương hiệp nhất.[4] Mẹ cũng cầu nguyện để chúng ta biết tha thứ cho nhau và được hưởng ơn tha thứ của Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi năng xét mình để nhận ra lòng tốt của Chúa, cảm nếm niềm vui được tha bổng vô điều kiện, để luôn sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho người đã xúc phạm đến tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết tha thứ cho người khác, để chính con cũng xứng đáng được Chúa thứ tha. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 1
[2] X. Công đồng Vaticanô II, Dei Verbum, 4
[3] X. Lc 17,3
[4] X. Cv 1,14
()