fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 4

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ ba

ĐÂM RỄ SÂU TRONG CHÚA

Hãy nhìn xem các trạng thái hết sức thánh thiện của người kitô hữu phục tùng thánh ý Chúa trong cuộc đời mình, và các phúc lành đi theo tất cả những gì mình làm: chỉ do Chúa quyết định, và chính Chúa dẫn dắt người ấy trong mọi sự và khắp mọi nơi; đến nỗi người ấy có thể nói cùng với ngôn sứ: “Tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời, và dắt dìu con theo các ý định của Ngài” (Tv 72, 24). Chúa như nắm tay phải của người ấy và, tay trong tay, người ấy phục tùng hoàn toàn sự dẫn dắt của Chúa, rồi anh em sẽ thấy người ấy ngày mai, ngày mốt, suốt tuần, suốt năm, và cuối cùng, suốt đời người ấy, ở trong sự bình an và thanh thản, một cách nồng nhiệt và luôn luôn hướng về Chúa, luôn luôn đổ tràn trong tâm hồn người lân cận các hoạt động êm ái và bổ ích của thần khí đang thúc đẩy mình… Người ta để ý thấy có sự tiến bộ đáng kể nơi con người ấy, một sức mạnh và nghị lực trong mọi lời nói của người ấy; Chúa chúc phúc đặc biệt tất cả các việc làm của người ấy, và ban ân sủng Chúa cho các ý định của người ấy đối với bản thân cũng như các lời khuyên của người ấy cho kẻ khác; và tất cả các hoạt động của người ấy đều là những công trình xây dựng to lớn (XI, 46-47).


“Tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời,
và dắt dìu con theo các ý định của Ngài” (Tv 72, 24).

Bám vào Chúa, gắn chặt vào Chúa như người nghèo trong lúc nguy khốn hay, đúng hơn, như một đứa bé vui vẻ nắm tay Cha nó, đó là mục tiêu của Vinh Sơn muốn chia sẻ kinh nghiệm nền tảng của ngài là: sự trông cậy vào Chúa. Ngài lặp lại lời thánh nữ Têrêxa Avila: “Chỉ một mình Chúa là đủ”. Ngài đã mở Phúc Âm ra và ngài biết theo bản năng rằng ngôi nhà vững chắc được xây trên đá. Đức tin là bàn đạp của ngài và ngài sẽ không ngừng làm việc và hành động vì trung thành với Chúa để phù hợp với “ý muốn của Chúa“, làm “đẹp lòng Chúa“. Đó là một con người từ nay nhận biết quyền năng của Thiên Chúa và Lời của Người. Với Chúa cũng như với Lời Chúa, mọi sự đều có thể. “Chỉ do Chúa quyết định”: “Đây là vực thẳm của sự hoàn thiện, một Hữu thể vĩnh hằng, rất thánh, rất tinh tuyền, rất hoàn hảo và vô cùng vinh quang, một sự thiện vô tận bao gồm tất cả các sự thiện, và tự nó không thể nào hiểu được. Thế nhưng, nhận thức mà chúng ta đang có, là tin rằng Chúa siêu việt vượt lên trên mọi kiến thức và hiểu biết do Chúa tạo dựng, phải đủ cho chúng ta để nhận thức về Chúa là Đấng vô cùng vô tận, để rồi tự hủy diệt mình trước mặt Chúa và chúc tụng sự uy nghi tối cao của Chúa với một cảm thức sâu sắc tôn kính và phục tùng; và tùy theo mức độ chúng ta nhận thức về Chúa mà chúng ta cũng sẽ yêu mến Chúa, và tình yêu này sẽ khiến cho chúng ta hết lòng ước ao nhận biết các ân huệ Chúa ban và lôi kéo nhiều người thờ phượng Chúa cách đích thực” (XI, 48). Giờ đây, thánh vinh Sơn đâm rễ sâu trong Chúa và sẽ không dao động nữa. Sự ngờ vực rời xa ngài. Ngài trở thành đá tảng với Đấng là Đá Tảng của ngài. Nếu ngài sinh ra trong vùng Landes, chắc chắn người ta nói rằng ngài là con người sắt đá!

Làm sao ngài có thể đạt tới một sự thông đồng như thế với Thiên Chúa của ngài?


Lạy Đấng cứu rỗi linh hồn chúng con…
Ôi lạy Chúa… Đức Vua của tâm hồn chúng con… Ôi lạy Chúa Cứu Thế”

Chính ngài cho chúng ta câu trả lời: “Đức tin của tôi là như thế, kinh nghiệm của tôi là như thế” (II, 282). Có thể nói được rằng giữa Thiên Chúa và ngài có một sự tiếp tay thân hữu lẫn nhau: “Lạy Đấng cứu rỗi linh hồn chúng con… Ôi lạy Chúa… Đức Vua của tâm hồn chúng con… Ôi lạy Chúa Cứu Thế”. Ngài muốn, theo gương thầy thiêng liêng Bérulle của ngài, nghĩ đến Chúa trước hết mọi sự: “Phải làm việc theo ý Chúa, phải cố gắng coi trọng điều này (XII, 110) và sống trước mặt Chúa, thường xuyên hướng tư tưởng của mình về Chúa và “chỉ xét đoán các sự việc sau khi hướng tâm trí lên Thiên Chúa” (XIII, 345).

Theo Vinh Sơn, Đấng vô hình luôn ở bên cạnh ngài. Chúa là chủ ngôi nhà nội tâm của ngài, Chúa là chủ nhà ngài và ngài sẵn sàng phục tùng các đòi hỏi theo tinh thần Bérulle là: yêu mến, tôn thờ, noi gương. Ngài yêu mến say đắm Đấng chỉ là Tình yêu: “Chắc chắn khi có tình yêu trong tâm hồn, thì tình yêu sẽ chiếm trọn vẹn các năng lực của tâm hồn ấy; không có sự nghỉ ngơi; đây là một ngọn lửa không ngừng hoạt động; nó luôn luôn khiến cho người nào đã một lần bị đốt cháy thì phải căng thẳng chú ý, hành động không ngừng” (XI, 215-216). Ngài muốn trở thành “Người Tôn thờ Chúa Cha và Tôi tớ phục vụ ý định yêu thương của Chúa” (xem VI, 393), theo chân Đức Kitô mà ngài noi gương về mọi mặt, trong tất cả “các bậc sống của Người” và trong tất cả các nhân đức.

Bởi vì ngài trải nghiệm sự quan hệ ưu đãi này với Thiên Chúa của ngài, nên ngài cũng nhận biết Chúa từ nội tâm, bên trong ngài, và ngài gắn bó với Thiên Chúa quan hệ tính, Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là điểm bỏ neo của ngài: “Một trong các hiệu quả của tình yêu Chúa chúng ta chính là chẳng những Chúa Cha yêu các linh hồn (yêu mến Chúa), và Ba Ngôi Thiên Chúa đến với các linh hồn ấy, mà Ba Ngôi Thiên Chúa còn cư ngụ trong các linh hồn ấy nữa. Vì thế linh hồn của người nào yêu mến Chúa chính là nơi cư ngụ của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và ở đó Chúa Cha đời đời sinh ra Chúa Con, và cũng ở đó Chúa Thánh Thần không ngừng được sinh ra bởi Chúa Cha và Chúa Con” (XI, 44).


Hãy luôn luôn chuộng việc làm nào
 mà ở đó Thiên Chúa được tôn vinh nhiều hơn và mình ít được lợi hơn”

Hôm nay, Vinh Sơn nhắc chúng ta nhớ đến sự cần thiết phải sống trong cộng đoàn một cách hoàn hảo, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này hết sức quan trọng đến nỗi vị sáng lập trẻ chọn Chúa Ba Ngôi làm bổn mạng các bạn mình. Cha Vinh Sơn giải thích với các Nữ tử Bác ái: “Tôi thấy sự đoàn kết là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi chỉ là một Chúa duy nhất và cùng một Chúa, vì từ muôn thuở hợp nhất vì tình yêu. Vì thế, chúng ta phải chỉ là một thân thể trong nhiều người, hợp nhất với nhau vì có cùng một ý định, vì tình yêu Chúa” (IX, 98).

            Cuối cùng, ngài chọn việc làm tốt nhất “trong các việc tốt“: “Hãy luôn luôn chuộng việc làm nào mà ở đó Chúa được tôn vinh nhiều hơn và mình ít được lợi hơn” (VIII, 252). Tu sĩ Truyền giáo cũng như Nữ Tử Bác Ái có sứ mạng giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, vì mầu nhiệm này cốt yếu và ai biết nó thì gắn bó với Thiên Chúa cách hoàn hảo: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn được chạm đến các tâm hồn và đưa họ tới sự cứu rỗi” (Coste X, 336).

(Còn tiếp) ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *