fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 8

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ bảy

VỚI ĐỨC KITÔ,
TÔI TỚ NGƯỜI NGHÈO

Để trở thành Nữ tử Bác ái đích thực, các con phải làm những gì Con Thiên Chúa đã làm trên trần gian. Và chủ yếu Người đã làm gì? Sau khi bắt ý chí của mình phục tùng bằng cách vâng phục Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, Người đã làm việc liên lỉ cho tha nhân, thăm viếng và chữa lành các bệnh nhân, dạy bảo người dốt nát để họ được cứu rỗi. Các con thật hạnh phúc, khi được kêu gọi vào một bậc sống đẹp lòng Thiên Chúa dường ấy! Nhưng các con cũng phải coi chừng đừng lạm dụng điều này và hãy ra sức tự hoàn thiện trong bậc sống thánh thiện này. Các con hạnh phúc vì là những người đầu tiên được kêu gọi thực hiện sự tập luyện thánh này, trong khi các con là những thôn nữ nghèo hèn và con gái thợ thủ công (IX, 15)… Các con hãy quyết định trở thành Nữ tử Bác ái thật tốt; vì mang tên Nữ tử Bác ái thì chưa đủ, mà còn phải là Nữ tử Bác ái thật sự (IX, 49).


“Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”
 (Lc 22, 27)

            Đây là khuôn mặt thứ hai của Đức Kitô, theo Cha Vinh Sơn: Người Tôi Tớ. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi đi theo Người trên con đường phục vụ. Sự hiến thân trong tình trạng tinh khiết, triệt để, hoạt động hằng ngày, được thể hiện bằng cùng một sự chuyển động của trái tim: phục vụ người nghèo, đó là phục vụ Chúa! Vì thế, chỉ cần nhìn chính Đức Giêsu Kitô. Người là Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa, con người giữa loài người, chuyên cần cầu nguyện, sống trong tình trạng hiệp thông thường xuyên với Chúa Cha: “Chúa Cha và tôi là một” (Ga10,30). Nhưng Người cũng là Đấng phục vụ loài người hằng ngày với một sự tận tụy không giới hạn: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Chúa Giêsu ở trong tư thế phục vụ như Người đòi hỏi các môn đệ trong Phúc Âm thánh Luca, 12, 35: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn” và gọi chúng ta là “tôi tớ”, chữ này trở đi trở lại 76 lần trong bốn sách Phúc Âm. Nhưng gương của Người đạt tới tột đỉnh với việc rửa chân các tông đồ: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27). Người tự chứng thực là kẻ hạ mình xuống thấp nhất trước người thân của mình và lột bỏ mọi sự ưu việt hơn người phàm, mọi yêu sách thần tính để đặt mình trong tư thế phục vụ và rửa chân các tông đồ, vốn là cử chỉ thông thường chỉ dành cho nô lệ: “Trong những gì đã được kể lại, điều làm cho tôi xúc động nhiều nhất… đó là sự tường thuật về Chúa chúng ta, Người là chủ tự nhiên của tất cả mọi người, thế mà Người đã tự làm cho mình trở thành kẻ rốt hết, sự sỉ nhục và đê hèn của loài người, luôn luôn chiếm hàng cuối ở bất cứ nơi nào Người hiện diện. Anh em thân mến, anh em có thể tin rằng người chiếm chỗ cuối là người thật khiêm nhường và đã hạ mình xuống thật thấp. Sao! Có ai chịu hạ mình xuống để thay thế chỗ Chúa chúng ta không? Vâng, anh em thân mến, chỗ của Chúa chúng ta chính là chỗ cuối. Ai muốn chỉ huy thì không thể có tinh thần của Chúa chúng ta; Chúa Cứu Thế đã đến thế gian không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ người khác; Chúa đã thực hành điều này cách tuyệt vời, không những trong thời gian Người ở bên cạnh cha mẹ và các nơi Người làm việc để kiếm sống, mà còn ngay cả, như nhiều Giáo Phụ đã đánh giá, trong thời gian Người ở với các tông đồ, phục vụ các ông bằng chính tay Người, rửa chân các ông, giúp các ông nghỉ mệt” (XI, 137-138). Việc rửa chân này, chúng ta đừng bao giờ quên, diễn ra hôm trước cuộc khổ nạn, là cơ hội hiến dâng tuyệt vời! Vinh Sơn đã thấy rõ sự viên mãn của việc Đức Kitô hiến dâng trong “giới răn yêu thương và bác ái” (XII, 13): “Nếu chúng ta nhìn ngắm bức tranh đẹp đang ở trước mặt chúng ta đây, thì bức tranh bản gốc tuyệt đẹp này của đức khiêm nhường, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, sẽ không cho phép chúng ta nuôi một ý tưởng tốt nào về bản thân mình, vì Chúa thấy chúng ta còn quá xa các hành vi hạ mình kỳ diệu của Người… Chúng ta hãy cầu xin Chúa… đừng để chúng ta mù quáng như thế; chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho chúng ta luôn luôn hướng nhìn xuống dưới” (XI, 394). Chúa Giêsu đang quỳ xuống là Thiên Chúa hoàn toàn… Đấng Tối Cao trở nên chính mình khi Người là Đấng Rất Thấp.


Chị Nữ tử đầu tiên là Marguerite Naseau,
một cô gái chăn bò ở Suresnes.

Nữ tử Bác ái, tự đặt tên và ký tên “nữ tỳ bất xứng của người nghèo”, sẽ sinh ra từ sự hạ mình xuống và chắc chắn điều này được dạy bảo trong luận lý của tinh thần vinh sơn. Các Chị đã hiện hữu, ngay từ năm 1618, khi Vinh Sơn bắt đầu các cuộc truyền giáo một cách có phương pháp, thành lập các Hiệp hội Bác ái, hội các Bà từ thiện. Dần dần, các bà thuộc giới tư sản hoặc giới quý tộc thấy rất khó đích thân làm các việc thấp kém và hèn hạ. Theo phản xạ tự nhiên, họ nhờ các tớ gái của họ làm các việc ấy, nhưng các tớ gái này từ chối. Vì thế Louise de Marillac nghĩ đến việc tuyển dụng các phụ nữ tình nguyện và quảng đại. Thế là Chúa Quan phòng ban cho chúng ta Chị Nữ tử đầu tiên, đó là cô gái chăn bò ở Suresnes, Marguerite Naseau. Mù chữ, chị tự học đọc và ứng biến tự làm cô giáo cho mình. Chị chấp nhận hoàn toàn chịu liên lụy và vui vẻ ở bên cạnh các bệnh nhân: “Đức bác ái của chị hết sức cao cả đến nỗi chị chết vì đã để cho một cô gái nghèo mắc bệnh dịch tả ngủ chung với chị” (IX, 79). Chính vào năm 1633 mà Louise cuối cùng làm xiêu lòng thánh Vinh Sơn và tập họp được, ngày 29 tháng 11, tập viện đầu tiên của Nữ tử Bác ái trong ngôi nhà của mình, gần Saint-Nicolas-du-Chardonnet.   

Trở thành tôi tớ theo chân Đức Kitô vì thế là một bậc sống. “Phục vụ” bao hàm một sự dấn thân hoàn toàn và trong mọi lúc. Chúng ta không bao giờ được “lơ là” nhưng phải luôn luôn cảnh giác. Thánh Vinh Sơn và thánh nữ Louise, một cách tự nhiên, chọn lấy cách sống này cho chính mình và cho con cái của các ngài. “Đức khiêm nhường, ước gì đó là mật khẩu của chúng ta!” (XII, 206).   

Vì thế, trong tư tưởng của Vinh Sơn, Nữ tử Bác ái “không làm” việc phục vụ người nghèo; nhưng Chị “là” nữ tỳ Đức Kitô trong người nghèo: “Chị khấn hiến thân phục vụ tha nhân, vì tình yêu Chúa” (IX, 459). Đối với Chị, đây là một bậc sống thường xuyên mà Cha Vinh Sơn gọi là “bậc sống bác ái“. Trong mọi nơi và trong mọi lúc. Ngay cả khi bệnh hoạn hoặc suy yếu do tuổi tác, Chị phục vụ “cách yếu ớt“, nhưng Chị vẫn phục vụ!   

Chị chỉ cần giữ, suốt cuộc đời Chị, tinh thần tùy thuộc, nghèo khó, đơn sơ và, theo hình ảnh Đức Maria, nữ tỳ trong các nữ tỳ, luôn luôn “sẵn sàng để cho Con Ngài tùy ý sử dụng“. “Chính vì đức khiêm nhường của Mẹ mà Thiên Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi Mẹ” (X, 395), Vinh Sơn lặp lại điều này với Đức Mẹ. Và ngài khuyên nhủ thật đúng:”Nếu các Chị cảm thấy Chúa kêu gọi các Chị hy vọng nơi ơn này, thì các Chị đừng cứng lòng, hãy chạy đến với Đức Trinh Nữ, xin Mẹ chuyển cầu Con Mẹ ban cho các Chị ơn được thông phần vào đức khiêm nhường của Mẹ, khiến Mẹ nói Mẹ là nữ tỳ của Chúa khi Mẹ được chọn làm Mẹ của Người” (X, 536-537).   

Chúa Giêsu và Đức Mẹ quy hướng chúng ta về trách nhiệm phục vụ. Tôi tớ của các tôi tớ, thậm chí vô ích! “Là” tất cả đều nằm trong chữ ấy… Nó tinh luyện cái “làm” của chúng ta bằng bất cứ giá nào, để dẫn chúng ta đi từ số lượng đến chất lượng, từ tính hoạt động đến sự lắng nghe. Người môn đệ Vinh Sơn vâng phục chủ mình: “Chúa chúng ta đã muốn tự điều chỉnh cho đúng với người nghèo để làm gương cho chúng ta cũng làm như vậy” (I, 336).

(Còn tiếp) ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *