fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 9

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN

Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ tám

NGƯỜI NGHÈO,

 CHÚA VÀ CHỦ CHÚNG TA

Các bà ước ao tôi yêu cầu thầy, như tôi đang làm, hãy hỏi thăm khéo léo, trong mỗi miền mà thầy sẽ đi qua và trong mỗi làng, có bao nhiêu người nghèo sẽ cần được cấp quần áo, cho cả hay một phần mùa đông sắp tới, để người ta có thể dự kiến số tiền chi phí cần thiết, và để thầy có thể chuẩn bị quần áo kịp thời. Người ta dự tính nên mua vải thô hơn vải len dệt. Vì thế, thầy sẽ phải lập danh sách người nghèo đáng thương cần được giúp đỡ nhất, để khi phân phát của bố thí này dành cho họ, chứ không phải cho những người có thể chưa cần. Như vậy, để phân định cho đúng, thầy sẽ phải đến thăm họ tại nhà, để chứng kiến tận mắt những người túng thiếu nhất và những người ít túng thiếu hơn... (VI, 367-368 – Thư gửi cho thầy Jean Barre).

Người nghèo nào không biết đi đâu hay làm gì,

 thì đã đau khổ rồi và họ càng ngày càng đông,

 đó là gánh nặng và nỗi đau đớn của tôi”. (Collet, I, 499)

Thế là Cha Vinh Sơn, cách tự nhiên, đi vào sự cao cả thực thụ của ngài. Ngài là người của người nghèo. Người ta nghe ngài thở dài vì mệt mỏi và vì yêu thương: “Người nghèo nào không biết đi đâu hay làm gì, thì đã đau khổ rồi và họ càng ngày càng đông, đó là gánh nặng và nỗi đau đớn của tôi” (Collet, I, 499). Và ngài trở nên cương quyết hơn trước mặt anh em trong Tu Hội họp lại khi ngài khẳng định với họ: “Chúng ta là linh mục của người nghèo. Chúa đã chọn chúng ta cho họ. Đó là điều chính yếu của chúng ta, mọi thứ khác chỉ là phụ” (Collet, VII, 168).

Người nghèo! Ngày nay, chữ này làm cho hết sức bối rối khi nó bị sử dụng sai và diễn tả một thực tại thảm thương. Làm sao nói cho đúng về những người van xin trước hết sự kín đáo và tế nhị của chúng ta? Chúng ta luôn luôn ngượng ngùng mỗi khi bàn đến đề tài này, vì nói về người nghèo thì khó hơn đồng hành với họ hay chia sẻ điều kiện sống của họ. Nhưng đề tài này là một tầm nhìn Vinh Sơn về người nghèo đáng được suy gẫm và thậm chí chiêm niệm. Cha Vinh Sơn khiến cho chúng ta đi từ xã hội học đến thần bí học.

Trước hết, ngài có cái nhìn đặc biệt rất nổi tiếng. Ngài thấy thực tại và dò xét nó thật kỹ, chăm chú nhìn tất cả những người ngài bắt gặp trên đường đi: người quê mùa ở xứ sở ngài, kẻ lang thang ở thành thị và trên các nẻo đường, người nông dân, kẻ nay đây mai đó, người khéo xoay xở, kẻ ở ngoài lề xã hội, người du cư, kẻ tàn tật. Ngài thương xót người tàn phế, người già và trẻ mồ côi, tù nhân khổ sai được giao cho ngài và đám người bao la đau khổ triền miên, bị cơn đói giày vò. Nhiều người thiếu việc làm, đó là sự bất công xấu xa nhất của thời ngài. Và sau đó là người ăn xin! Ở Paris, năm 1656, nhà cầm quyền thành lập Bệnh viện trung ương để quét sạch đường phố bằng các việc từ thiện! Chúng ta hãy để ý sự ngỡ ngàng hết sức ngạc nhiên của thánh Vinh Sơn: “Người ta sắp loại bỏ cảnh ăn xin ở Paris và gom tất cả người nghèo vào những nơi dành riêng để nuôi họ, dạy và cho họ làm việc… Nhà Vua và Nghị viện đã mạnh mẽ ủng hộ việc làm này và đã huy động, mà không cho tôi biết, các linh mục Tu Hội Truyền giáo và Nữ tử Bác ái phục vụ người nghèo, để làm đẹp lòng đức Tổng Giám mục Paris. Nhưng chúng ta chưa nhất quyết dấn thân vào công việc này, vì chưa biết rõ Chúa có muốn không; và nếu chúng ta bắt tay vào việc này, thì trước hết chỉ là để thử xem sao” (Tháng ba 1657 – VI, 245).   

Đó là vì Vinh Sơn không bằng lòng với một quan niệm chưa đúng về người nghèo. Ngài không hề tẩy xóa các khổ nhọc của tuổi thơ và tuổi trẻ của ngài và ngài quá biết giá trị của lao động để chấp nhận quan niệm cho rằng người nghèo khỏi phải làm việc. Vì thế, ngài phản ứng mạnh mẽ và tìm cách cho họ ăn trong trường hợp khẩn cấp. Cho ăn… Chu cấp cho các nhu cầu cần kíp, đó là phản xạ đầy lòng trắc ẩn của ngài.

Nhưng ngài không giam mình trong việc phô trương này; ngài muốn mỗi người bắt tay vào việc làm, mỗi khi có thể. Trường hợp cứu trợ các tỉnh bị nạn do cuộc nổi dậy La Fronde rồi do chiến tranh là tiêu biểu. Ngài đưa ra các chỉ thị rất rõ ràng cho các thầy Regnard và Parre, là những trợ tá của ngài, để cứu giúp các nạn nhân của bạo lực. Ngài viết cho thầy Jean Parre: “Tôi xin nói với thầy rằng chúng ta nên để dành một vật nhỏ nào đó nhằm giúp vài người nghèo gieo giống trên một miếng đất nhỏ; tôi nói: người nghèo nhất, nếu không được giúp đỡ như vậy, thì sẽ không làm được gì … Thầy có thể khuyên họ, nhân cơ hội này, chuẩn bị một miếng đất nào đó, cày bừa và bón phân, và cầu xin Chúa gởi cho họ vài hạt giống để gieo, và đừng hứa hẹn gì với họ, để họ hy vọng Chúa sẽ cung cấp đầy đủ.   

Người ta cũng muốn làm sao cho tất cả mọi người nghèo nào không có đất cũng kiếm sống được, dù là đàn ông hay đàn bà, bằng cách cho đàn ông vài dụng cụ để làm việc, và cho các cô gái và các bà đồ kéo sợi, và xơ gai dầu… hoặc sợi len để xe, và điều này chỉ dành cho những người nghèo nhất” (VIII, 72 và 73). Sự lo lắng về mỗi người phải chịu trách nhiệm cá nhân là rõ ràng.

Thậm chí ngài còn cậy nhờ hệ thống “Thông tin” của Cha Maignard de Bernières viết và phân phối, như truyền đơn thông tin về hoàn cảnh và dùng để gây xúc động và mở các hầu bao. Ngài bổ nhiệm một tổng quản lý hội bác ái trong số các anh em trong Tu Hội để phối hợp các nhu cầu và việc cứu trợ. Nhưng rõ ràng chúng ta còn thấy nhiều điều hơn nữa nơi vị thánh của đức bác ái này. Người nghèo là người phát hiện cho chúng ta Đấng đau khổ đầu tiên, Đấng gánh vác sức nặng của tất cả các nỗi khốn khổ của thế gian: Đức Giêsu Kitô nghèo và chịu sỉ nhục. Người nghèo là “bí tích của Đức Kitô”. Vinh Sơn diễn tả sự thần bí người nghèo này bằng những lời đã đi vòng quanh thế giới: “Tôi không được xem một nông dân nghèo hay một phụ nữ nghèo theo bề ngoài của họ, hoặc theo trình độ hiểu biết của họ, nhất là thường xuyên hầu như họ không có khuôn mặt hoặc tâm trí của một người có lý trí, vì họ quá thô lổ và trần tục. Nhưng hãy nhìn phía sau, anh em sẽ thấy bằng ánh sáng đức tin rằng Con Thiên Chúa đã muốn trở nên nghèo và Người thể hiện cho chúng ta qua những người nghèo này…” (XI, 32).

 Vị thánh của chúng ta đặc biệt ưu tiên lặp lại lời quyết định cuối cùng của Đức Kitô vinh quang trong cuộc phán xét chung: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Với các Nữ tử Bác ái, ngài nói: “Người nghèo là chủ của chúng ta, đó là vua của chúng ta” (X, 610), các vị “lãnh chúa“, một cách nào đó, lật ngược tình hình hiện hữu, và với một sức mạnh nào đó ngay giữa thế kỷ XVII! Kim tự tháp bị lật ngược và người thứ nhất trở thành người sau cùng. Người giàu và người quyền thế của thế gian này được kêu gọi để phục vụ.   

Ngày nay hơn bao giờ hết, phẩm giá người nghèo đặt vấn đề phẩm giá của chúng ta. Cho dù chúng ta có muốn hay không, cho dù chúng ta có biết điều này hay không, mối quan hệ của chúng ta với họ phán xét đức tin của chúng ta. 

(Còn tiếp)

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *