fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 09.10.2023 – THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

09.10.2023 – THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 10,25-37

 “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,37)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Vì là một dân tộc bé nhỏ, Dân Do Thái từng bị những quốc gia hùng mạnh xung quanh lấn chiếm, cướp bóc, trong đó có Assyria mà thủ đô của Assyria là Ninivê. Vì thế, nói đến Ninivê là nói đến một trong những kẻ thù lớn của người Do Thái. Ông Giôna là một người yêu nước, nên khi Đức Chúa sai ông đến Ninivê khuyên bảo họ ăn năn sám hối để khỏi bị Chúa trừng phạt, ông đã bỏ trốn để khỏi làm theo ý Chúa. Ông không muốn cứu kẻ thù. Thế nhưng Đức Chúa vẫn muốn tha thứ cho họ, nên Chúa đã dùng cơn bão biển và cả con cá lớn, đưa ông Giôna đến Ninivê để rao giảng Lời Chúa cho họ.[1]

Thời Chúa Giêsu, Samaria cũng là nhóm dân bị người Do Thái kỳ thị: họ là người ngoại giáo, dân “lai căng”, không phải người Do Thái thuần chủng và đương nhiên không phải “là anh em” của người Do Thái. Chúa Giêsu muốn “phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét”[2] ở giữa hai dân tộc ấy, nên Người kể câu chuyện một người Do Thái bị cướp dọc đường, nằm nửa sống nửa chết được một người Samari chạnh lòng thương: đến gần, cứu chữa tận tình như người thân thuộc. Trong khi trước đó, một tư tế và một thầy Lêvi đã thấy người bị nạn nhưng đều làm ngơ đi qua. Chúng ta có thể đoán rằng người bị nạn là người Do Thái, vì ông ta “từ Giêrusalem xuống Giêrikhô”, nhưng lại bị chính những người Do Thái đạo đức bỏ mặc.

Đáp lại câu hỏi “Ai là anh em của tôi?” (c.29) của người thông luật, Chúa Giêsu muốn cho vị này suy nghĩ và phân định để chính ông ở thế chủ động: “ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (c.36). Câu trả lời của ông rất chuẩn: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy” (c.37). Rồi Chúa Giêsu mời gọi: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c.37).

 Qua các phương tiện truyền thông xã hội, hoặc do mắt thấy tai nghe, chúng ta cần biết nhìn nhận và trân trọng những “trái tim vàng” của những người không cùng tôn giáo với ta khi họ thực thi bác ái cách chân thành và quảng đại, đồng thời ta cũng “hãy đi và làm” những gì được Đức Ái thúc đẩy, ở mọi nơi, mọi lúc. Thay vì qui về mình: “ai là anh em của tôi?” chúng ta hãy nhìn xung quanh để thấy và chủ động “trở nên người anh em” của những người nghèo đói, bệnh tật, những tâm hồn đầy thương tích ngay bên cạnh ta mỗi ngày. Đôi khi ta ngoảnh mặt làm ngơ, sợ mất giờ, sợ liên lụy, sợ lời ra tiếng vào…hãy tiến lại gần, lắng nghe họ, an ủi và xoa dịu nỗi đau tâm hồn và thể xác họ với tất cả sự tận tâm, hết sức, hết khả năng của mình như người Samari đã làm.

Chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện phong cách sống này khi từ trời “xuống thế làm người, và ở cùng chúng con[3]. Ngài không ngần ngại “liên lụy” khi trở nên anh em với con người, để cứu chuộc và giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và cái chết đời đời. “Hãy đi và làm” như Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta.

Với lời thưa “Xin Vâng”, Đức Maria đã chấp nhận liên lụy khi trở nên người mẹ của toàn thể nhân loại. Trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã không hiện diện như vị khách được mời, nhưng với sự quán xuyến của một Người Mẹ hết sức quan tâm đến từng nhu cầu nhỏ nhặt của con cái. Mẹ thấy trước tiệc đang vui mà rượu đã cạn và âm thầm cứu họ ngay lúc điêu đứng khốn cùng, để rượu ngon được tràn trề hơn trước.

Qua Mẫu Ảnh Phép Lạ, Mẹ muốn ở bên từng người chúng ta để che chở, trợ giúp và dạy bảo ta cách sống “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Tin tưởng vào tình mẫu tử của Mẹ và noi gương Mẹ, tôi

  • Đeo Ảnh Mẹ để luôn được Mẹ trợ giúp tôi.
  • Quan tâm giúp đỡ người khác cách tận tình.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết trở nên người thân cận với bất cứ ai cần đến con, vì tất cả chúng con đều là con của Mẹ. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. Bài Đọc I, Gn 1,1-2,11

[2] X. Ep 2,14

[3] Kinh Truyền Tin

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *