18.10.2023 – THỨ TƯ TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
THÁNH LUCA TÔNG ĐỒ
Lc 10,1-9
“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’” (Lc 10,5)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sinh ra trong một gia đình giàu có và nề nếp tại Antiokia, Luca được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y. Khi thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu, Luca đã nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận, ngài đã tin theo và chịu phép rửa tội, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Phaolô.[1] Với nhiệt tâm muốn cho mọi người cùng được biết đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa như mình được biết, ngài đã dày công nghiên cứu “những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại”[2] để viết thành sách Tin Mừng thứ III và sách Tông đồ Công Vụ[3] như là một “Nhật ký truyền giáo” của các tông đồ.
Bài Đọc I kể lại thánh Luca đã ở lại bên thánh Phaolô như một môn đệ trung thành, khi thánh Phaolô bị cầm tù. Vốn là một thầy thuốc, ngài đã chăm sóc cho thánh Phaolô cũng như cho những ai cần chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời với đức tin và khả năng viết văn, thánh Luca đã làm cho những độc giả người Hy-lạp nhận ra Đức Giêsu là một Đấng chữa lành hết mọi bệnh tật thân xác và quyền năng tha tội để chữa lành tâm hồn. Thiên Chúa trong Tin Mừng của thánh Luca mang một dung mạo nhân từ, luôn tìm kiếm tội nhân để cứu chữa và tha thứ, Người luôn đồng hành với những ai mệt mỏi và thất vọng để khơi lên cho họ nguồn hy vọng như với hai môn đệ làng Emmaus…
Là dân ngoại được đón nhận Tin Mừng, Luca trở thành một trong số giáo dân nhiệt thành của Giáo Hội sơ khai và ý thức mình phải chia sẻ Tin Mừng cho người khác nữa. Dù không được sống chung với Chúa Giêsu như các Tông Đồ, nhưng nhờ biết lắng nghe giáo huấn cũng như nhìn thấy cuộc sống của các Tông Đồ, nhất là của thánh Phaolô; ngài đã cảm nghiệm về một Thiên Chúa nhân từ và nguồn mạch bình an, như lời Chúa Giêsu khi sai nhóm Bảy Mươi Hai người đi truyền giáo: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’” (c.5).
Nếu các tông đồ là thành phần có danh tính rõ ràng, như các giám mục, thì nhóm bảy mươi hai là các tín hữu, gồm các linh mục, tu sĩ và mỗi người chúng ta. Chúng ta cần học gương truyền giáo của thánh sử Luca: tiếp xúc với chính Chúa Giêsu qua việc học hỏi kinh thánh, sống với Chúa và cảm nghiệm tình Chúa ngay trong môi trường và nghề nghiệp của mình. Thánh Luca đã làm cho thế giới nhận biết gương mặt nhân từ của Thiên Chúa qua tấm lòng “lương y như từ mẫu” của ông. Chúng ta cũng làm cho thế giới nhận ra khuôn mặt nào của Chúa Giêsu trong nghề nghiệp của mình: thợ điện, thợ hồ, buôn bán, kỹ sư, thợ may, công nhân hay tạp vụ…? Mỗi nghề nghiệp đều là một ơn gọi, qua đó, chúng ta loan báo chính Đấng chúng ta tin thờ và ban tài năng cho chúng ta. Ngài là nguồn mạch bình an, chúng ta lan tỏa bình an đó cho những người chúng ta gặp gỡ.
Khi được diễm phúc cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng, Đức Maria đã cảm nhận được Bình An thật sự, giữa biết bao sóng gió của đời sống gia đình: sự hiểu lầm của thánh Giuse, của mọi người trong họ hàng hai bên và lối xóm… Mẹ bình an giữa những khó khăn khi phải đi Belem lúc gần sinh nở, bình an khi ở chuồng bò, khi ôm con chạy trốn qua Ai-cập… và Mẹ chiếu tỏa bình an cho mọi người Mẹ gặp gỡ: Gioan Tẩy Giả, bà Êlisabeth, các mục đồng…
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi sống gắn bó với Chúa Giêsu, nguồn bình an của tôi, để tôi cũng làm cho mọi người xung quanh được bình an.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đưa con đến gần Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn, để con được thêm yêu mến Người. Xin dạy con biết ở lại trong Chúa Giêsu và cảm nhận được sức mạnh, sự bình an và niềm vui nơi Người. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-18-10-thanh-su-lucatac-gia-tin-mung-45189
[2] Lc 1,2
[3] Col 4,14: 2 Tm 4,10-12
()