1660-15.3-2024
MỘT THOÁNG NHÌN MẸ LOUISE DE MARILLAC
Bé Louise được sinh ra ngày 12.8.1591 tại Paris, nước Pháp, trong một dòng họ quí tộc. Nhưng đáng thương thay! Được “lọt lòng mẹ”, nhưng suốt đời không biết mẹ mình là ai, không bao giờ được mẹ bồng ẵm yêu thương, được mẹ bú mớm, chăm sóc, vỗ về!
Hoàn toàn không tình mẹ, lên 3 tuổi, tình cha lại phai lạt hơn, khi ông tái hôn với một quả phụ đã có ba người con riêng. Đau nối đau! Bơ vơ giữa chợ đời, mọi người xung quanh đều vô cảm! Cô tìm đến trú ẩn nơi lòng thương xót của Trái Tim Chúa. Ngài mở rộng vòng tay ôm cô vào lòng. Cảm nhận tình thương vô biên của Thiên Chúa, cô muốn hoàn toàn thuộc về Ngài trong đời sống tu trì, nhưng mộng không thành vì thiếu sức khỏe và không có tiền hồi môn (theo truyền thống thời đó). Chỉ còn lại con đường hôn nhân thôi!
Cô lập gia đình với ông Antoine Legras, thư ký của hoàng hậu nước Pháp thời đó, lúc cô 22 tuổi. Năm sau, sinh được một người con trai. Hạnh phúc gia đình vắn vỏi, chẳng bao lâu cô khám phá ra người con trai yêu quí của cô chậm phát triển, tiếp đến là chồng cô ngã bệnh lâu dài, làm cạn kiệt tài chánh gia đình, tính tình ông biến đổi ra khó chịu, bẳn gắt, đòi hỏi…
Trước tình hình bi đát này, cô Louise lo lắng, bối rối, bị bao vây bởi tư tưởng “Chúa phạt”, vì đã không trung thành với lời hứa đi tu. Đêm tối xâm chiếm tâm hồn, làm cô lâm vào tình trạng trầm cảm, mặc dù có sự nâng đỡ và khuyến khích của cha linh hướng. Cô muốn bỏ chồng, trốn con. Cô bị khủng hoảng đức tin: nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự bất tử của linh hồn. Cô gia tăng việc ăn chay, thức khuya và cầu nguyện. Cô quay cuồng trong đêm tối dày đặc, từ ngày lễ Chúa Thăng Thiên năm 1623…
ÁNH SÁNG NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG
Trong những hoàn cảnh bế tắc, chúng ta thường hay trách Chúa sao đến chậm thế. Thật ra, Chúa không hề chậm trễ, nhưng Ngài đến đúng lúc! Quả vậy, chính trong bối cảnh này mà biến cố ngày lễ Hiện Xuống năm 1623 đến như là ơn soi sáng thiêng liêng:
Vào ngày lễ Chúa Hiện Xuống trong khi dự lễ hay nguyện gẫm ở nhà thờ, bỗng chốc tâm trí tôi được giải tỏa hết mọi nghi ngờ.
- Tôi được chỉ dạy là phải ở lại với chồng, thế nào rồi cũng có ngày tôi được khấn giữ khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và sẽ có ngày tôi được sống trong một cộng đoàn bé nhỏ, nơi đó cũng có một số chị em cùng làm như tôi. Tôi nghe chừng như lúc đó mình ở một nơi nào đó để phục vụ người khác, nhưng tôi lại không thể hiểu điều ấy bởi vì dường như những người sống ở cộng đoàn đó phải có thể đi đi lại lại.
- Tôi còn được bảo đảm rằng cứ an tâm về vị linh hướng của mình, sớm muộn gì Thiên Chúa cũng sẽ ban cho tôi một vị khác, hình như ngài sẽ cho tôi được gặp vị đó sau này, một vị mà tôi cảm thấy khó chấp nhận nhưng cuối cùng tôi sẽ ưng thuận, và hình như tôi chưa được phép thay đổi vị linh hướng ấy lúc này.
- Nỗi khổ sở thứ ba của tôi đã được cất đi khi tôi cảm thấy được bảo đảm rằng chính Chúa đã dạy tôi những điều trên, và nếu đã có Chúa rồi thì tôi không được nghi ngờ gì khác nữa.[1]
TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CÔ LOUISE
Louise, với tình yêu và sự trìu mến, đồng hành với chồng cho tới khi chồng mất ngày 21 tháng mười hai 1625. Tình hình tài chánh của ngài thay đổi, vì chính chồng ngài đã bảo đảm cho đời sống gia đình. Ngài buộc phải rời bỏ ngôi nhà của ngài ở gần nhà thờ Saint-Nicolas-des-Champs và thuê một căn hộ ở đường Saint-Victor, không xa trường trung học Collège des Bons Enfants mà bấy giờ Cha Vinh Sơn Phaolô đang ở, đây là vị linh hướng mới của ngài.
Cha Vinh Sơn, phát hiện tất cả sự phong phú của cá tính của ngài, làm cho ngài trở thành cộng tác viên của cha cho các h ội b ác ái. Khi vào năm 1630, có những thiếu nữ thôn quê đến Paris giúp các Bà Bác ái trong những việc tầm thường và khiêm tốn mà tình trạng các bệnh nhân cần đến, Vinh Sơn Phaolô yêu cầu Louise de Marillac đón nhận, đào tạo và theo dõi ho ï.
Dần dần ngài thấy cần phải tập họp các thiếu nữ thôn quê này có lòng ước ao đào sâu thêm ý nghĩa sự dấn thân của mình. Ngày 29 tháng mười một 1633, Tu Hội Nữ tử Bác ái ra đời. Việc phục vụ của Nữ tử Bác ái lan rộng: thăm viếng và chăm sóc bệnh nhân tại nhà của họ hay trong bệnh viện, tiếp nhận và giáo dục các trẻ em bị bỏ rơi, dạy học cho các bé gái nghèo ở thôn quê, săn sóc các bệnh nhân tù khổ sai, v.v..
Để tránh cho cộng đoàn mới này sống giữa thế gian một ngày kia khỏi bị đưa vào nội cấm, Louise de Marillac đã thuyết phục Cha Vinh Sơn Phaolô chấp nhận trách nhiệm Tu Hội này, để tách nó ra khỏi quyền tài phán của các Giám mục, vì nếu không, thì họ sẽ không còn được tiếp tục đi đến nhà bệnh nhân và người nghèo nữa.
Thánh tích của Louise de Marillac
Louise de Marillac qua đời ngày 15 tháng ba 1660, vài tháng trước khi Cha Vinh Sơn Phaolô mất. Con trai, con dâu và cháu nội 9 tuổi của ngài, vài Bà Bác ái và nhiều Nữ Tử bác Ái đã có mặt trong cơn hấp hối của ngài và cầu nguyện với ngài. Xác ngài được chôn cất trong nghĩa trang xung quanh giáo xứ Saint-Laurent ở Paris. Hài cốt của ngài sau này sẽ được di chuyển về Nhà Mẹ các Nữ tử Bác ái.
Louise de Marillac được phong chân phước ngày 09.5.1920, được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong hiển thánh ngày 11 tháng ba 1934. Tháng hai 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII tuyên bố ngài là bổn mạng tất cả những người chăm lo làm việc xã hội Kitô giáo.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho thánh nữ Louise de Marillac trực giác trong biến cố Ánh Sáng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để khai sinh trong Giáo Hội một hình thức tu trì mới, một cách thức mới cho mọi giáo dân thực hiện Đức Ái Kitơ Giáo là hãy để cho Chúa Thánh Thần thổi chúng con ra đi đến với những anh chị em nghèo khổ đang cần sự hỗ trợ thể xác hay tinh thần. Như thế, chúng con luơn đi trên lộ trình của Thần Khí, tâm hồn tràn ngập bình an và niềm vui, cùng bước đi theo mẹ Louise, “nhà thần bí của Chúa Thánh Thần”. Amen.
KỶ NIỆM 400 NĂM BIẾN CỐ ÁNH SÁNG
Video Kỷ Niệm 400 Năm Biến Cố Ánh Sáng: https://www.youtube.com/watch?v=zeth9FwQeBg&t=3s
Video Thánh nữ Louise de Marillac, nhà thần bí của Chúa Thánh Thần: https://www.youtube.com/watch?v=422ATDXnHRk
[1] Bút tích thiêng liêng, A.2, tr. 3 – Ánh sáng.
()