fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 06.04.24 – THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

06.04.24 – THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Mc 16,9-15

 “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
(Mc 16,15)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Cái chết đau thương của Chúa Giêsu đã gây xôn xao cho cả thành Giêrusalem, nhưng khi sống lại, Người không hiện ra cho cả thiên hạ, mà chỉ tỏ mình cho một số người, là các Tông đồ và môn đệ của Người. Cả bốn thánh sử đều thuật lại những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh để củng cố đức tin cho họ, vì họ vừa trải qua một cơn lo âu và sợ hãi đến nỗi suy sụp tinh thần. Thực tế đau thương mà họ vừa trải qua quá sức bi đát, nên họ không dễ để tin vào mầu nhiệm Phục Sinh, một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người.

Vì thế, Chúa Giêsu phải hiện ra với họ hết lần này đến lần khác. Đoạn Tin Mừng của thánh Mác-cô hôm nay như một bản tóm lược tất cả các cuộc hiện ra ấy, và ngài nhấn mạnh đến thái độ “cứng tin” của các tông đồ đến ba lần (cc.11.13-34), cũng như Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiển trách vì họ cứng tin. Chúng ta cũng luôn đòi phải kiểm chứng, phải trải nghiệm rồi mới tin. Tuy nhiên, “Người ta chỉ nhìn thấy rõ ràng bằng trái tim, cái cốt yếu thì mắt thường không thấy được.”[1] Mầu nhiệm đức tin chỉ có thể được kiểm chứng bằng chính niềm vui của người tin vào sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (c.15). Vâng lời Chúa Giêsu, các tông đồ đã rao giảng Tin Mừng cho hết mọi người. Nhân danh Chúa Giêsu Phục Sinh, tông đồ Phêrô đã làm cho người què bẩm sinh được chữa lành và rất nhiều người tin gia nhập Giáo Hội.[2] Giới lãnh đạo Do Thái đã bắt Phêrô và Gioan. Họ ngăn cấm các ngài không được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy nữa, thì các ngài tuyên bố rằng: “Phải nghe lời Thiên Chúa hơn là nghe lời người phàm.[3] Cứ thế, mỗi khi bị bắt và bị tra vấn, các tông đồ đã tận dụng cơ hội đó để loan báo Tin Mừng cho cả giới lãnh đạo Do Thái. Rồi khi cuộc bách hại xảy đến, những Kitô hữu đi lánh nạn ra nước ngoài, đi tới đâu, họ lại loan báo Tin Mừng tới đó.

Để loan báo Tin Mừng, trước hết chúng ta cần xác tín vào sự Phục Sinh của Chúa, để cho niềm vui Phục Sinh của Chúa biến đổi đời ta. Có như thế, chúng ta mới trở thành những chứng nhân của Chúa Phục Sinh. Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng khi tâm hồn đầy chán nản tuyệt vọng, ganh tỵ so đo, hay cứ đòi hỏi người khác phải thế này thì tôi mới thế kia được. Tin Mừng Phục Sinh mà Chúa Giêsu muốn chúng ta loan báo, là Tin Mừng của yêu thương, tha thứ, nhường nhịn, chung thủy, công bằng, bác ái với nhau. Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo còn là biết chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên, trồng cây xanh, phân loại rác thải, giữ sạch nguồn nước…

Cuộc đời Mẹ Maria là một hành trình loan báo Tin Mừng cùng với Chúa Giêsu, từ Nazareth tới nhà bà Êlisabeth; từ Belem tới Ai-cập, và suốt 30 năm âm thầm tại Nazareth, Mẹ loan báo Tin Mừng bằng đời sống bác ái yêu thương với mọi người, nêu gương đầm ấm hòa thuận trong gia đình. Đặc biệt, Mẹ âm thầm dõi theo Chúa trong hành trình truyền giáo của Người, và của các tông đồ sau khi Chúa về trời. Mẹ không dạy giáo lý cũng không giảng thuyết hùng hồn, nhưng cả cuộc đời Mẹ là một bài giáo lý sống động nhất, bài giảng hùng hồn nhất về Tin Mừng là chính Chúa Giêsu. Chính nhờ Mẹ, Chúa Giêsu đã đến với nhân loại chúng ta, nhờ Mẹ mà chúng ta được hưởng ơn Chúa cứu độ.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi

  • Sống khiêm tốn, nhường nhịn và bác ái với mọi người.
  • Giữ gìn vệ sinh trong khu xóm, xử lý rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con yêu mến và sống gắn bó với Chúa mỗi ngày mật thiết hơn nữa, để qua mọi hành vi và ngôn ngữ của con, mọi người nhận ra Chúa đang hiện diện trong thế giới này. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Saint-Exupery, Hoàng Tử Bé

[2] X. Cv 3,1-26

[3] X. Bài Đọc I, Cv 4,19-20

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *