fbpx

CÙNG MẸ ĐÓN NHẬN CHÚA THÁNH THẦN

SỨ THẦN GABRIEL TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MARIA

 

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,

 và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”

Lc 1,35

Câu hỏi thường được đặt ra là tại sao lễ Truyền Tin lại vào ngày 25 tháng 3 hàng năm? Thưa, chỉ vì 25 tháng 3 chính xác là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh 25.12. Tuy nhiên, ngày này luôn rơi vào Mùa Chay và đôi khi vào ngay Tuần Thánh khiến Giáo Hội phải dời qua thứ hai của tuần II Phục sinh, như năm nay, lễ Truyền Tin được mừng vào ngày 08.4.

Như vậy, Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính ngày Đấng Cứu Thế thụ thai trong cung lòng người Mẹ rất thánh của Người, tiếp đến là ngợi ca Đức Maria, Đấng đã mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và thưa “xin vâng” trước lời ngỏ của Thiên Chúa, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Chính Thánh Thần ấy đã dẫn Đức Maria đến việc biến dự định của Thiên Chúa thành của mình.

Trong cảnh Truyền Tin, cuộc trao đổi giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel đã giúp cho dự định của Thiên Chúa được thành hình. Cuộc trao đổi đã có thể diễn ra nhờ thái độ lắng nghe và sự tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa của Đức Maria. Những lời ngỏ của sứ thần làm Đức Maria rất bối rối, Mẹ nghe nhưng không hiểu được. Mẹ mở lòng mình ra để tìm hiểu: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?”. Câu hỏi này là một sự thôi thúc để được nghe bổ sung thông tin. Sứ thần sẵn sàng cung cấp những giải thích cần thiết: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà[1].

Chính phẩm chất lắng nghe của Đức Maria mở ra con đường đến Thiên Chúa để Ngài có thể nói Lời Ngài và chính sự sẵn sàng của tâm hồn Mẹ giúp Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nhập thể. Các cuộc trao đổi của chúng ta trong gia đình, trong cộng đoàn, trong hội đoàn…là những nơi chốn thuận tiện mà Chúa Thánh Thần có thể tiếp tục công trình của ngài trong tâm hồn mỗi người.

Cùng với Đức Maria, chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần bằng cách học biết lắng nghe hơn là nói. Lắng nghe hằng ngày, trước tiên là Lời Chúa, lắng nghe tiếng nói của những người chúng ta có trách nhiệm: trong gia đình, trong các tổ chức nhóm/hội đoàn…lắng nghe với sự chú ý người đang nói và xin lời giải thích để hiểu rõ và đúng. Một cuộc trao đổi như thế chắc chắn sẽ làm chúng ta hiểu nhau rõ hơn và mở ra cho những sự bất ngờ mà chính Thánh thần hướng dẫn và biến đổi chúng ta đi theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên mỗi người.   

LỄ TRUYỀN TIN VÀ

 VIỆC “LÀM MỚI LẠI CÁC LỜI KHẤN” CỦA NỮ TỬ BÁC ÁI

Việc làm mới lại các lời khấn hằng năm giúp các Nữ Tử Bác Ái khẳng định thêm ý muốn đáp lại ơn gọi, đồng thời bảo đảm cho việc phục vụ Đức Kitô trong Tu Hội được bền vững: nó đòi hỏi các Chị phải có một hành động quyết định tự do và luôn luôn được cảm hứng bởi tình yêu[2].

Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn được thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac thành lập năm 1633 với mục đích chính là để “tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, như nguồn mạch và khuôn mẫu của mọi thứ bác ái, bằng cách phục vụ Ngài về thể xác và tinh thần nơi người nghèo khổ[3].

Các lời khấn của Nữ Tử Bác Ái “không thuộc bậc tu dòng”, có nghĩa là chúng khác với những lời khấn được làm trong các Hội dòng. Trong đời sống tu dòng, sự tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng được thực hiện bằng lời khấn công, chính sự tuyên khấn này làm thành con người: các nam nữ tu sĩ[4]. Các Nữ Tử Bác Ái thì khác. Điều tạo thành chị, đó là sự tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ Ngài nơi người nghèo. Chính vì thế, chị là Nữ Tử Bác Ái ngay khi gia nhập Tập Viện. Lời khấn được làm trong khoảng từ 5-7 năm sau đó, được phát biểu để xác nhận sự tận hiến này cho Thiên Chúa và để phục vụ người nghèo tốt hơn.

Để phục vụ người nghèo thì phải di động, không ở trong nội vi được. Chính vì thế, lúc ban đầu, các Đấng Sáng Lập do dự về các lời khấn của Nữ Tử Bác Ái. Các ngài e rằng khi tuyên khấn, người ta xem các chị như là Nữ Tu và buộc các chị phải ở trong nội vi. Như thế, các chị mất đi sự di động cần thiết để đến với người nghèo là những người cần đến các chị.

 Mãi chín năm sau, vào ngày lễ Truyền Tin, 25.3.1642, thánh nữ Louise và bốn chị Nữ Tử Bác Ái tuyên khấn lần đầu. Đến năm 1648, các lời khấn được qui định là hằng năm. Các Đấng Sáng Lập quyết định chọn lời khấn có thời gian nhất định, có thể làm mới lại hằng năm trong đại lễ Truyền Tin.[5]  Chị em xin phép thánh Vinh Sơn để làm mới lại các Lời Khấn.

Truyền thống chị em «làm mới lại các lời khấn hằng năm» vào ngày lễ Truyền Tin, theo ý muốn của thánh nữ Louise de Marillac, để liên kết sự tận hiến của mẹ thánh Louise và các con cái với lời Xin Vâng của Đức Trinh Nữ Maria. Khi nhìn ngắm Đức Maria, các Nữ Tử Bác Ái noi gương Mẹ để trở nên những Nữ Tỳ hoàn toàn sẵn sàng thi hành những điều Thiên Chúa đang chờ đợi nơi các chị, lưu tâm đến con người, khiêm tốn phục vụ người nghèo, là những người mà các chị được sai đến: « Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa…». Mẹ Louise dạy các chị em yêu mến Đức Mẹ để được Mẹ dẫn đến với Chúa Giêsu.

Thành ngữ « làm mới lại các lời khấn hằng năm », có nghĩa là hằng năm chị Nữ Tử Bác Ái có cơ hội thưa lại tiếng « xin vâng » mà không làn gián đoạn sự cam kết trong thời gian. Trái lại, «đó là một tiến trình giúp mỗi chị em đọc lại đời sống, lấy lại sự sinh động, cam kết lại một lần nữa trong sự trung thành. Đó là phương thế để phát triển về nhân bản, thiêng liêng và ơn gọi[6]». Như thế, nguyên tắc này không làm giảm tầm quan trọng cũng như tính triệt để của lời khấn. Nó cho cơ hội chọn lựa sống thực sự. Khi đó lời khấn là những dấu chỉ ngôn sứ.[7]

Cha Thánh Vinh Sơn đã nói: «Các con đã tự hiến chính mình cho Ngài trong Tu Hội với ý định sống ở đó và chết ở đó». Ngài cũng thấy trước sự yếu đuối của phận người nên đã khuyến cáo con cái: «Tuy nhiên, đừng tuyên khấn thì tốt hơn khi khấn mà lại có ý định sẽ xin miễn chuẩn khi nào chị em muốn»[8]. Thánh nữ Louise de Marillac cũng nói: «chúng tôi không nhận những người không có ý định sống và chết trong Tu Hội»[9] 

Thánh ý Chúa đã rõ ràng khi Giáo Hội đã phê chuẩn Hiến Pháp và Nội Qui của Tu Hội và nhìn nhận những lời khấn của Nữ Tử Bác Ái « theo cách thế mà Tu Hội vẫn hiểu, trung thành với các Đấng Sáng Lập»[10].

Xin tạ ơn Chúa!

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(Tv 136,2)

[1] X. Sr Anne Prévost, Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn-TVTH số 1/2011, trang 26

[2] HP số 28e

[3] X. QL chung của NTBA, ch. I,1

[4] GL số 654

[5] X. 12 phiếu học tập về Hiến Pháp 2004, trang 37

[6] Nt.

[7] Nt.

[8] BNC 19.7.1640, Coste IX,25

[9] BTTL trang 511

[10] HP số 28a. X. Gl 731, 2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *