08.05.2024 – THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH
Ga 16,12-15
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”
(Ga 16,12)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, Simon Phêrô đã được Chúa Cha linh hứng cho biết sự thật về Chúa Giêsu, nhưng đó chưa phải là sự thật toàn vẹn. Thật vậy, lúc ấy ông chưa hiểu gì về sứ mệnh Kitô của Người, nên khi Chúa Giêsu giải thích rằng sứ mệnh ấy sẽ dẫn Người đến cái chết, Phêrô đã can ngăn Người đừng đi con đường ấy. Rồi trong bữa tiệc ly, ông cũng không chấp nhận được việc Thầy hạ mình rửa chân cho ông. Trong dinh Thượng tế, đối diện với một cô tớ gái nhỏ bé, ông cũng không dám nhìn nhận mình là môn đệ của Thầy khi Thầy đã bị bắt. Ông chưa đón nhận được con đường thập giá, đau khổ và hy sinh của Thầy. Cũng thế, các môn đệ khác chưa có sức chịu nổi sự thật toàn vẹn ấy.
Đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn con người không thể hiểu nổi, nhất là mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chính vì thế, những người ở Athêna dù có lòng sùng kính với các thần minh, kể cả những thần mà họ chưa biết tên, họ vẫn lập đền thờ “kính thần vô danh”, nhưng khi nghe thánh Phaolô giảng về Đức Giêsu sống lại, họ đã cười nhạo ngài và không muốn nghe nữa.[1]
Cũng thế, Chúa Giêsu chấp nhận giới hạn của các môn đệ, nên đã nói thật với các ông: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (cc.12-13). Chúa Giêsu sẵn sàng nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí và là Tình Yêu của Cha và Con. Quả thật, chỉ khi nhận được Thánh Thần, các môn đệ mới nhớ lại và hiểu rõ những điều Chúa Giêsu đã mặc khải về chính Người, nhớ lại những lời Kinh Thánh đã được nên ứng nghiệm trong cái chết và cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ông chẳng những vượt qua được những chống đối và bách hại của thế gian, lại còn “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.”[2]
Qua các phương tiện truyền thông xã hội, hằng ngày đối diện với biết bao điều ta không thể hiểu được: tại sao cứ chiến tranh mãi, sự dữ cứ lộng hành lan tràn… Tại sao con người cứ phải chịu đau khổ mãi? Ta cần khiêm tốn đón nhận giới hạn của ta và của người khác, gia tăng cầu nguyện, suy niệm, học hỏi Lời Chúa và xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn. Nhất là trong thời đại hôm nay, rất nhiều luồng tư tưởng ẩn dưới những hình thức mặc khải tư, lợi dụng các trang mạng để phổ biến, hầu lôi kéo nhiều người theo họ. Chúng ta hãy mở cõi lòng đón tiếp và lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua Giáo Hội để không đi lạc đường.
Khi thưa tiếng “Xin Vâng”, Mẹ Maria cũng chưa hiểu hết kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng trong mọi biến cố lớn nhỏ, Mẹ luôn khiêm tốn lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và kiên trì làm theo sự soi sáng của Người. Nhờ đó, Mẹ làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Nhờ trợ lực của Thánh Thần, Mẹ đủ sức đón nhận mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống với niềm tin tưởng và phó thác, liên đới với mọi người và nhất là can đảm, bình tâm bước đi với Chúa Giêsu trên con đường khổ giá. Mẹ hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu, tham gia cách năng động vào sứ vụ cứu chuộc của Người.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi xin Chúa Thánh Thần soi sáng trước mỗi việc làm, nhất là khi phải quyết định những vấn đề quan trọng, và tin tưởng làm theo sự soi dẫn của Người.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ biết con cần Chúa Thánh Thần biết bao! Xin Mẹ cầu Chúa Thánh Thần nâng đỡ, soi sáng, thôi thúc và hướng dẫn con luôn, để mọi tư tưởng, lời nói và hành động của con đều chỉ nhắm đến làm vinh danh Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, Cv 17,15.22-18.1
[2] Cv 5,41