fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 10.05.2024 – THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

10.05.2024 – THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 16,20-23a

 “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng;
và niềm vui của anh em không ai lấy mất được.”

(Ga 16,22)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Hôm ấy, anh chị mời tôi đi tham dự lễ tốt nghiệp của cháu. Tôi không thể ngờ cháu được tốt nghiệp loại giỏi, luận án tốt nghiệp của cháu lại còn được Ban giám khảo khen và được đăng trên diễn đàn khoa học nữa. Thế mà mấy tháng trước, tôi thấy cháu cứ ngồi trầm ngâm trước máy tính cả ngày lẫn đêm, mệt mỏi thì đứng lên đi lại đôi chút rồi lại trở vào bàn học…Nhìn nụ cười rạng rỡ của cháu khi được nhận bằng tốt nghiệp và những lời khen ngợi của thầy cô, tôi chợt nhớ đến câu Lời Chúa: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn…nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui…” (c.21). Vâng, đứa con tinh thần của cháu đã được sinh ra!

Chúa Giêsu đã dùng ví dụ người phụ nữ trước và sau khi sinh con để so sánh với nỗi lo âu khắc khoải và sợ hãi của các môn đệ khi đối diện với cái chết kinh hoàng của Người, rồi sau đó là niềm vui vỡ òa khi các ông được gặp lại Chúa Phục Sinh. Đúng như lời Chúa đã hứa: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (c.22). Trong lúc lo sợ, các ông đã “đóng kín cửa” lại. Nhưng khi được gặp và chạm đến những vết thương của Đấng Phục Sinh, và nhất là khi “Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”,[1] lòng các ông tràn ngập niềm vui, và “và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (c.22).

Chính vì thế, trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng sau này, những khó khăn thử thách, những bách hại lao tù và cả cái chết cũng không làm các ông chùn bước, và hầu hết các tông đồ đều chịu tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng. Các ngài chấp nhận cái chết đau thương trong niềm vui và sự bình an, vì biết chắc chắn mình sẽ được gặp Chúa trong niềm vui bất tận, vì cảm nhận và xác tín: “Chúa là nguồn vui của lòng con.”[2] Tiếp nối các Tông đồ, trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội tại Việt Nam, biết bao vị tử đạo đã sẵn sàng chấp nhận những hình thức tra tấn, bách hại dã man cho đến chết, nhưng dứt khoát không chối Chúa, không bước qua Thánh Giá, cũng không oán trách hay thù hận những người gây ra cái chết cho mình.

Ngày nay, ngoài một số nước đang sống trong cảnh kỳ thị tôn giáo, phần đông hiếm có những cuộc bách hại như thời các tông đồ và các vị tử đạo. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn đầy những khó khăn, cám dỗ, những thói quen xấu và tội lỗi mà ta phải dứt khoát từ bỏ để trung thành với giáo huấn của Chúa. Chỉ cần ta noi gương Chúa, nhịn đi một lời nói gay gắt khi gặp điều trái ý, hay im lặng không biện minh khi bị hàm oan,… cũng là tử đạo cách âm thầm. Những hy sinh nhỏ bé này rất đẹp lòng Chúa, nó làm mới lại những mối tương quan giữa người với người, đồng thời đem lại cho ta sự bình an và đời ta mãi có niềm vui!

Trong những đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu, Mẹ Maria đã cảm nhận nỗi đau đớn hơn ai hết. Chúng ta đã từng suy gẫm 7 nỗi đau của Mẹ cùng với Chúa Giêsu trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, và ta biết chắc chắn trong ngày Chúa Phục Sinh, Mẹ là người vui mừng hơn cả. Chính vì thế, trong suốt Mùa Phục Sinh, cả Giáo Hội và cả triều thần thiên quốc đồng hân hoan chúc mừng Mẹ:

Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.
Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.
Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi vì mang danh là Kitô hữu, trong niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng[3] cách sốt sắng.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Ga. 20,22

[2] X. Tv 43,4

[3] https://www.conggiao.org/kinh-nu-vuong-thien-dang/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *