fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 24.05.2024 – THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

24.05.2024 – THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,1-12

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.”
(Mc 10,9)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

“…Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau

Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia…”
[1]

Bài thơ “Đôi dép” của tác giả Nguyễn Trung Kiên đã được đức cố giám mục Giuse Vũ Duy Thống phổ nhạc và một thời dậy sóng trên mạng xã hội, bởi ai cũng tâm đắc cái triết lý về sự chung thủy và bình đẳng của đôi dép, một hình ảnh ẩn dụ của sự khắng khít vợ chồng. Quả thật, khi chọn đời sống hôn nhân, ai cũng mơ ước người bạn đời sẽ song hành với mình suốt cuộc đời, chứ chẳng ai chấp nhận cuộc hôn ước trong một khoảng thời gian rồi hủy cam kết để đường ai nấy đi.

Thế nhưng, đau khổ vẫn là điều không thể tránh khỏi trong đời sống gia đình và cám dỗ bất trung cũng từ đấy phát sinh. Chính vì thế, những người Pharisêu đã đến hỏi Chúa Giêsu: “Chồng có được phép rẫy vợ không?” Chúa Giêsu gợi ý để họ trưng dẫn rằng điều đó đã được ông Môsê cho phép. Tuy nhiên, “cho phép” không phải là “truyền dạy”, mà chỉ là một sự nhượng bộ tạm thời và rất đau lòng, nhưng “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (c.9).

Chúa Giêsu đưa họ trở về nguyên lý ban đầu mà Thiên Chúa đã thiết định: “thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ,… và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”[2] Kinh Thánh mô tả ngay từ thời sáng tạo, Thiên Chúa tạo nên người nữ từ chiếc xương sườn của người nam,[3] chứ không phải từ xương đầu hay xương mắt cá chân. Như thế, phẩm giá người nam và người nữ bình đẳng như nhau, mỗi người đều là một nhân vị. Sự khác biệt về giới tính và chức năng là để kết hợp và bổ túc cho nhau, cùng nhau trao-nhận tình yêu và hạnh phúc. Chính sự kiên nhẫn chịu đựng[4] giúp đôi bạn trung thành với Thiên Chúa và với nhau.

Hôn nhân Công Giáo còn cao trọng hơn nữa vì là một Bí tích, diễn tả cách thâm sâu sự kết giao giữa Con Thiên Chúa làm người và nhân loại mà Người cứu chuộc. Đây mới là sự bổ sung và là giao ước trong ân tình và trung tín. Đây cũng là mẫu mực của đời sống hôn nhân.[5] Thiên Chúa luôn ban ơn cho các đôi bạn, để họ trung thành, yêu thương và tôn trọng nhau “mọi ngày suốt đời”. Sự cam kết chung thủy trọn đời trong đời sống gia đình nói lên sự huyền nhiệm của hôn nhân, sự bền vững của gia đình, sự thương yêu và hạnh phúc dành cho con cái và là sự cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Tuy nhiên ngày nay, những giá trị căn bản quí báu này của hôn nhân gia đình đang bị vùi giập bởi trào lưu cá nhân chủ nghĩa, lối sống ích kỷ, hưởng thụ và vô trách nhiệm đưa đến sống thử, đồng tính, phá thai…

Sau khi thưa lời xin vâng với kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Maria đã phải đối diện với sự khủng hoảng trong đời sống gia đình: Làm sao Bạn Giuse có thể hiểu được để cảm thông hoặc đồng cảm với Mẹ, và càng không thể nghĩ được Bạn Giuse có thể cùng đồng hành và giúp Mẹ chu toàn tiếng Xin Vâng ấy. Thế nhưng, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa và sự khiêm tốn của Mẹ: sẵn sàng đón nhận Bạn Giuse, luôn cộng tác với nhau và sống chung hòa hợp với đúng cương vị của mỗi người, theo thánh ý Chúa.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi chu toàn bổn phận và chức năng của mình trong gia đình, cộng đoàn mà tôi liên kết.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ chúc lành cho các gia đình, cách riêng những gia đình đang cạn kiệt tình yêu. Xin Mẹ che chở, nâng đỡ, gìn giữ và chuyển cầu cho họ, để sự trung tín của họ trở thành lời ngợi khen và diễn tả sự tín trung muôn đời của Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. https://poem.tkaraoke.com/12312/doi_dep.html

[2] X. St 2,24

[3] X. St 2,21

[4] X. Bài Đọc I, Gc 5,9-12

[5] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1692, phần chú giải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *