1594-2024
Người Đã Ảnh Hưởng đến việc ra đời của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
Qua Thánh Vinh Sơn Và Thánh Louise de Marillac
Trong dịp Ngày Thế Giới Người Trẻ năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với người trẻ về Đức Maria: “Cô gái trẻ Nadarét không xuất thân từ các trang mạng xã hội thời đó, cô không phải là người “tạo ảnh hưởng”, không đòi mà cũng không đi tìm, nhưng cô lại trở nên người phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử”.[1]
Thật là trùng khớp khi áp dụng câu này cho Marguerite Naseau, một thôn nữ miền quê nước Pháp vào thế kỷ 17; chỉ khác một điều là “cô gái trẻ Nadarét” có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử cứu độ cả thế giới này, còn ảnh hưởng của cô Marguerite Naseau chỉ trong phạm vi lịch sử Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, qua hai Đấng Sáng Lập Vinh Sơn Phaolô và Louise de Marillac. Và đây lại là một Tu Hội đi tiên phong về cách thức tu trì mới trong Giáo Hội: các thành viên không đóng kín đời sống thánh hiến của mình trong một Tu Viện, nhưng phải sẵn sàng đi ra phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo ở bất cứ nơi nào được sai đến[2].
Thật vậy, Marguerite Naseau sinh năm 1594, là con cả trong gia đình có 9 người con, được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội ngày 06.7.1594[3]. Gia đình nghèo, cô không được đến trường và phải đi chăn bò. Được ơn Chúa soi sáng mạnh mẽ, cô có sáng kiến dạy chữ cho các bạn trẻ. Cô mua một cuốn vần, cô đến xin cha sở hoặc cha phó chỉ cho 4 chữ cái đầu tiên. Lần khác, cô lại hỏi thêm 4 chữ kế tiếp và như thế cho đến hết. Vừa chăn bò, cô vừa học bài của mình, rồi lại hỏi thêm người nào đi ngang qua có vẻ biết chữ, nhờ chỉ cách đọc…Cứ như vậy, cô học hết cuốn vần, rồi lại chỉ cho các bạn khác trong làng. Từ đó, cô quyết định đi từ làng này qua làng khác để dạy cho các bạn trẻ, cùng với 2,3 cô gái khác đã được cô huấn luyện. Cô làm công việc này không công và cũng không có của dự trữ nào khác hơn là sự quan phòng của Thiên Chúa, với một ý hướng duy nhất là làm vinh danh Chúa. Cô càng chăm lo cho lớp trẻ thì dân làng càng nhạo báng và vu khống cô, nhưng cô không nản lòng, lại còn hăng say hơn. Cô đã giúp cho một vài thanh niên, không có phương tiện, được học tập, nuôi sống họ và khuyến khích họ phục vụ Chúa. Họ đã trở thành những linh mục tốt[4].
Về phần cha Vinh Sơn Phaolô, từ năm 1617, đức bác ái do cha khơi dậy, lan tràn khắp các họ đạo ở Paris. Các mệnh phụ phu nhân đều ước muốn gia nhập hội các bà Bác Ái. Họ khám phá ra những cảnh nghèo và thương cảm người nghèo. Họ quảng đại dâng tặng tiền bạc cho việc phục vụ người nghèo; nhưng khi phải mang nồi xúp đến những ngôi nhà lụp xụp, họ cảm thấy nghẹt thở bởi nhìn thấy cảnh nghèo và ngửi những mùi hôi thối xông ra từ đó, họ sai người giúp việc đến làm thay cho họ. Những người giúp việc này chỉ làm theo lệnh chứ không có lòng yêu thương và kính trọng người nghèo. Cha Vinh Sơn và bà Louise tự hỏi: “Các hiệp hội bác ái sẽ có thể tồn tại được không”[5]?
Một lần kia trong tuần giảng Đại Phúc, vào năm 1630, cha Vinh Sơn đã gặp một cô gái tên là Marguerite Naseau, quê Suresnes gần đó. Cô đi tìm gặp cha Vinh Sơn và tỏ ước muốn phục vụ người nghèo. Hội bác ái của giáo xứ Saint-Sauveur, Paris, được thiết lập năm 1630 và cô Marguerite Naseau là người đầu tiên được cha Vinh Sơn sai đến phục vụ tại đây. Các cô bạn cũng được thu hút đi theo cô đến xin phục vụ người nghèo. Cha Vinh Sơn rất vui mừng và giao cho bà Louise đồng hành với các cô, trong các hội Bác Ái khác nhau ở Paris. Bà Louise giúp các cô chăm sóc đời sống tâm linh cá nhân, dạy họ yêu thương và kính trọng người nghèo vì đó là hình ảnh của Chúa Kitô. Bà Louise ngạc nhiên về sự nhiệt thành của Marguerite Naseau và các cô gái này. Dần dần một trực giác nảy sinh nơi bà Louise: có nên qui tụ những thiếu nữ này để huấn luyện họ? Phải chăng đây là cộng đoàn nhỏ tận hiến cho việc phục vụ người nghèo mà bà đã thoáng thấy trong thị kiến ngày Chủ Nhật Lễ Hiện Xuống năm 1623[6]?
Vào thế kỷ 17, phụ nữ không có quyền quyết định về một chương trình như thế. Bà trình ý kiến này lên cha Vinh Sơn, nhưng cha không đồng ý. Cha e rằng sự tách biệt các cô gái này ra khỏi các bà mệnh phụ sẽ làm ảnh hưởng đến các hội Bác Ái đang tiến triển tốt. Bà Louise kiên trì suy nghĩ, cầu nguyện tìm kiếm ý Chúa. Với sự cương quyết đầy lòng cẩn trọng, bà nhắc lại với cha Vinh Sơn nhiều lần, nhưng chỉ đón nhận được câu trả lời lạnh nhạt của cha là không được nghĩ đến điều đó nữa, cho đến khi nào “Chúa cho thấy rõ Ngài muốn sự tách biệt này”[7].
Cái chết của Marguerite Naseau, tháng 02.1633, chất vấn bà Louise cũng như cha Vinh Sơn. Sau này, chính cha Vinh Sơn đã nói về Marguerite Naseau: “Lòng bác ái của cô cao cả đến độ cô đã chết vì để cho một thiếu nữ nghèo bị mắc bệnh dịch hạch ngủ cùng giường với cô…cô ra đi đến bệnh viện Saint-Louis, lòng đầy niềm vui và vâng theo ý muốn của Thiên Chúa”[8]. Dù vậy, cha Vinh Sơn vẫn luôn do dự về việc thành lập một cộng đoàn nữ tu gồm các thiếu nữ thôn quê tận hiến cho Thiên Chúa; trong khi các Tu Viện chỉ thu nhận những thiếu nữ quí tộc hoặc trưởng giả. Trái lại, bà Louise là người biết rõ các giá trị sâu sắc của các thôn nữ này. Bà tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại không kêu gọi họ sống tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho người nghèo; vì thế bà lại mạnh dạn đề nghị lần nữa với cha Vinh Sơn. Chúa đã nhận lời bà, vào dịp cuối tuần tĩnh tâm hằng năm của cha Vinh Sơn, cha đã viết thư cho bà Louise, cùng nhau hẹn giờ thuận tiện để bàn thảo về công việc quan trọng này.[9]
Thế là sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29.11.1633, bà Louise đón nhận vài thiếu nữ đến sống trong nhà mình, để tập cho họ sống tương quan với Thiên Chúa, với chị em và đi phục vụ người nghèo. Dân chúng nhìn vào công việc các cô này làm và gọi các cô là các thiếu nữ bác ái hay các nữ tỳ người nghèo. Mãi về sau, các cô được gọi là các nữ tử của Thánh Vinh Sơn Phaolô. Ngày nay, Giáo Hội nhìn nhận ơn gọi riêng của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, khi xếp Tu Hội vào số các Tu Đoàn tông đồ, với danh hiệu Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô, Những Nữ Tỳ Của Người Nghèo[10].
Dù rằng cô Marguerite Naseau đã chết trước đó (tháng 02.1633), nhưng trong những lần huấn đức cho các Nữ Tử Bác Ái, cha Vinh Sơn vẫn xác nhận: “Marguerite Naseau, quê ở Suresnes, là người đầu tiên đã có diễm phúc chỉ đường cho các cô khác, cả trong việc dạy bảo các thiếu nữ cũng như trong việc cứu trợ những người nghèo đau ốm, mặc dầu cô hầu như không có một vị thầy nào khác ngoài Thiên Chúa”[11].
Với cái nhìn đức tin, ngài còn khẳng định: “Thiên Chúa đã muốn điều ấy để cô trở thành người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên, nữ tỳ của những bệnh nhân nghèo tại thành phố Paris. Cô đã lôi cuốn được nhiều thiếu nữ làm công việc đó, cô đã giúp họ lìa bỏ mọi phù vân và bước vào cuộc đời đạo đức sùng mộ”[12].
Chính xác là Marguerite Naseau không phải là người “tạo ảnh hưởng”, không đòi mà cũng không đi tìm, nhưng cô lại trở nên người đã ảnh hưởng đến việc ra đời của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Cả cha Vinh Sơn và mẹ Louise đều nhận thấy nơi cô có những phẩm chất của một người có khả năng biện phân tiếng gọi của Thiên Chúa để dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Ngài, sống thành cộng đoàn và phục vụ Đức Kitô nơi những anh chị em nghèo khổ, với tinh thần tin Mừng là khiêm nhường, đơn sơ, bác ái.[13]
Ngọn lửa được thắp sáng tại Paris năm 1633
đã lan tràn ra khắp nơi trên thế giới từ gần 400 năm nay.
Và thế là ngọn lửa được thắp sáng tại Paris năm 1633 đã lan tràn ra khắp nơi trên thế giới từ gần 400 năm nay. Lửa này đã thúc bách các Nữ Tử Bác Ái đi ra săn sóc các bệnh nhân nghèo khổ ngay tại nhà họ hoặc tại các bệnh viện, dạy dỗ các bé gái nghèo, nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, giúp đỡ các tù nhân khổ sai, binh lính bị thương, những người tị nạn, những người già cả cô thân, những người mất trí và nhiều hình thức nghèo khác nữa…[14] “Chúng ta có thể nói rằng Ánh Sáng này đã được truyền tới tận ngày nay, hầu mang màu sắc của thời đại chúng ta, tại 97 quốc gia có các Nữ Tử Bác Ái hiện diện”[15].
Riêng tại Việt Nam, đáp lời mời của Đức Cha Isidore Dumortier, đại diện tông tòa của Địa phận Tây Đàng Trong lúc đó[16], ba Nữ Tử Bác Ái người Pháp đã đến hiện diện-phục vụ tại bệnh viện Gia Định (nay là Nhân Dân Gia Định) từ tháng 12 năm 1928. Đến nay, Tỉnh Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam từ Bắc chí Nam có 65 cộng đoàn và 1 chi nhánh.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] ĐTC Phanxicô – 16 ngôn ngữ internet… – http://giaophanvinhlong.net/16-ngon-ngu-internet-cac-ung-dung-chien-thuat-cua-duc-phanxico-de-noi-voi-nguoi-tre.html
[2] X. Hiến Pháp của các Nữ Tử Bác Ái, số 12
[3] Sr Anne Neylon, Nữ Tử Bác Ái, Tỉnh Dòng Ireland – https://vinhson.net/marguerite-naseau-nguoi-nu-tu-bac-ai-dau-tien.html
[4] Nguồn: Bài Nói Chuyện của Thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái, tập 2, trang 49
[5] X. Sr Elisabeth Charpy, Nữ Tử Bác Ái-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 31
[6] Nt. Trang 32
[7] Tài liệu 86-87
[8] BNC của Thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái, tập 2, trang 51
[9] X. Sr Elisabeth Charpy, Nữ Tử Bác Ái-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 34
[10] Hiến Pháp và Nội qui của Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô, số 1 a-b.
[11] BNC của Thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái, tập 2, trang 49
[12] Nt.
[13] X. Hiến Pháp và Nội qui của Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô, số 7a
[14] X. Hiến Pháp và Nội qui của Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô, trang 19
[15] Thông điệp của Nữ tu Françoise Petit, Bề Trên Tổng Quyền
[16]https://vi.wikipedia.org/wiki/Isidore-Marie Dumortier