fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 17.08.2024 – THỨ BẢY TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

17.08.2024 – THỨ BẢY TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Mt 19,13-15

“Cứ để trẻ em đến với Thầy,
vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”
(Mt 19,14)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Ngày 10.6.2020, các giám mục Pháp tuyên bố đồng ý việc mở án phong thánh cho chân phước Anne-Gabrielle Caron, 8 tuổi, qua đời năm 2010 vì căn bệnh ung thư rất hiếm.[1] Điều đó cho thấy Giáo Hội luôn đề cao tấm gương đức tin anh hùng của mọi tín hữu, cho dù là trẻ em hay  người trưởng thành. Theo sát mẫu gương của Thầy Chí Thánh Giêsu, Giáo Hội nhìn nhận và tôn trọng các trẻ nhỏ, không phải vì chúng khờ dại hay yếu ớt/ không có giá trị trong xã hội, nhưng vì chúng ngoan ngoãn, lệ thuộc và tín nhiệm người lớn. Vì thế, các em cũng được xem như những “người nghèo”, hèn kém trong xã hội, nhưng lại là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương, quan tâm chăm sóc và nâng đỡ.

Tin Mừng hôm nay kể lại việc người ta đem các trẻ nhỏ đến xin Chúa Giêsu đặt tay chúc lành cho chúng, nhưng các môn đệ la rầy và ngăn cản không cho chúng đến làm phiền Chúa. Chúa đã bênh vực chúng: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Thánh sử Mát-thêu đã đưa câu chuyện này vào giữa hai đoạn viết về “người lớn” đang sống đời hôn nhân rồi ly dị, gây ra nhiều rắc rối mà ông Môsê phải nhượng bộ; và chuyện người thanh niên giàu có đã sống tốt giới luật của Chúa, nhưng không dám bán của cải cho người nghèo khó, để có kho tàng Nước Trời.

Như vậy, “trở nên như trẻ nhỏ” là “tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” như ngôn sứ Êdêkiel đã loan báo,[2] khiêm tốn, tin tưởng cậy trông vào Chúa, trở nên “dễ dạy” đối với thánh ý Chúa, đừng cứng lòng như những người muốn thay chồng đổi vợ[3] như “đồ chơi”,  cũng đừng tự hào vì mình có nhiều của cải, giàu nhân đức như người thanh niên giàu có.[4] Trẻ nhỏ sống vui tươi, hiền hòa, cởi mở và liên đới với tha nhân mà không so đo tính toán thiệt hơn, dễ làm hòa, mau nhận lỗi, sửa lỗi, cám ơn, xin phép, biết vâng lời… Tiếc thay, những đức tính đáng yêu ấy thường bị chìm đi khi chúng lớn lên, không còn trìu mến, tin tưởng cha mẹ như trước, vì cứ tưởng mình khôn ngoan hơn và có thể tự mình quyết định về cuộc đời mình.

Xét về mặt nhân loại, con lớn thì cha mẹ già đi: “trẻ cậy cha, già cậy con[5] vì sức khỏe giảm sút. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, Người là Cha và là Đấng thường hằng bất biến, Người tạo dựng nên ta và có kế hoạch riêng để đưa ta về với Người. Nếu ta tưởng mình đã “đủ lớn”, không cần cậy dựa vào Thiên Chúa nữa, thì thật là đáng tiếc cho ta; vì tự sức mình, chúng ta không thể tự cứu độ, không về tới Quê Trời được. Vì thế, các bậc cha mẹ cần đưa con cái đến với Chúa và dạy chúng bằng chính đời sống đạo của mình.

Chúa Giêsu đã học nơi Đức Mẹ và Thánh Giuse những điều căn bản về đức tin và nếp sống đạo đức, tính đơn sơ, khiêm nhường và vâng phục đối với thánh ý Chúa Cha. Mẹ Maria luôn thán phục và biết ơn Chúa về “muôn việc kỳ diệu[6] Chúa đã làm cho Mẹ. Mẹ cũng luôn quan tâm, gần gũi những người đơn sơ, bé mọn: chị Êlizabeth già nua bị mọi người coi thường vì hiếm muộn, các mục đồng đơn sơ chất phác, những gia nhân phục vụ trong tiệc cưới Cana… Trong những lần hiện ra, Mẹ cũng chọn những người mà xã hội ít quan tâm đến, như chị Catherine Labouré với khả năng đọc và viết “đủ một mình chị hiểu”, nhưng lại hữu dụng cho Mẹ: “để người ta không thể ngờ vực Đức Mẹ.”[7] 

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Dưới sự trợ giúp của Mẹ, tôi khiêm tốn nhìn nhận những ơn Chúa đã ban cho tôi, để cám ơn Chúa và đem ra phục vụ mọi người.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con luôn biết sống khiêm nhường, đơn sơ và kính trọng mọi người. Xin cho các trẻ em được chăm sóc và giáo dục tốt cả về thể xác, tinh thần và tâm linh. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. http://phanxico.vn/2020/06/28/tre-em-bien-doi-y-tuong-cua-chung-ta-ve-su-thanh-thien/

[2] Bài Đọc I, Ed 18,31

[3] X. Mt 19,3-12

[4] X. Mt 19,16-22

[5] Tục ngữ Việt Nam.

[6] Kinh Magnificat.

[7] CLM2 101

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *