06.09.2024 – THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 5,33-39
“Rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5,38)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong cuộc sống, có rất nhiều sự việc “thấy vậy mà không phải vậy”: chính Đức Giêsu –Chúa chúng ta, đã bị những nhà lãnh đạo Do thái kết án và giết chết nhục nhã trên thập giá, nhưng Người đã Phục Sinh và trở thành nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Người. Theo bước Chúa Giêsu, thánh Phaolô và tất cả các Tông đồ cũng bị bách hại khi làm chứng cho Tin Mừng. Không phải lúc nào lời rao giảng của các ngài cũng được đón nhận, nhưng ở nhiều nơi, các ngài đã bị công kích, nói xấu, chê bai, chế giễu và ghét bỏ. Tuy nhiên, thánh Phaolô đã “xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến”, vì chỉ có Chúa mới là Đấng “đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.”[1]
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư thường thích đánh giá người khác, họ không thấy các môn đệ của Chúa Giêsu đứng cầu nguyện ở những nơi công cộng như họ[2], cũng chẳng thấy các ông ăn chay rầu rĩ, trái lại còn hay la cà ăn uống với những người thu thuế tội lỗi. Họ thắc mắc với Chúa Giêsu: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” (c.33)
Để trả lời, Chúa Giêsu cho họ biết Người chính là “Chàng Rể” đã đến hội ngộ với “Tân Nương” là Dân Israel.[3] Sự xuất hiện của Chàng Rể cho biết là tiệc cưới đã bắt đầu, tiệc cứu độ, tiệc thần linh:
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên…[4]
Là những khách dự tiệc, các môn đệ và những người tin theo Chúa sống trong niềm vui, vì đang được sống với Đấng Cứu Thế, họ chỉ ăn chay khi “chàng rể bị đem đi”, ám chỉ cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Khi đó, việc ăn chay là cần thiết để hiệp thông vào sự đau khổ của Chúa Giêsu và để tỏ lòng sám hối, khổ chế. Đó là những thái độ phù hợp nhất trong thời đại mới, như “rượu mới thì phải đổ vào bầu mới” để giữ được cả hai. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng không bác bỏ những “cái cũ” của truyền thống, khi Người nói “rượu cũ ngon hơn” (c.38).
Xã hội Việt Nam thường rất tôn trọng những gì là truyền thống, nhưng với tốc độ phát triển của thời đại 4.0/ 5.0 hiện nay, việc xây dựng Giáo Hội địa phương rất cần những đóng góp của người trẻ, nhưng cũng cần lắm sự hỗ trợ bằng kinh nghiệm khôn ngoan và sự kiên nhẫn của những người lớn tuổi đi trước. Cũng thế, việc đọc Kinh Tối Gia Đình là một truyền thống rất tốt đẹp và cần được duy trì trong mỗi gia đình. Nhưng đa số lớp trẻ phải đi học thêm, người lớn cũng tham gia các hội đoàn hoặc có những việc riêng khác vào buổi tối. Thế nên, mỗi gia đình cần trao đổi để chọn giờ thích hợp và cùng đọc kinh tối với nhau, lần một chục kinh Mân Côi rồi lắng nghe Lời Chúa, thưa chuyện với Chúa…Đó chính là cách chay tịnh của chúng ta hôm nay.
Như mọi người Do thái, Đức Maria cũng từng khát mong ơn cứu độ. Sự chay tịnh của Mẹ không mang hình thức buồn sầu thảm não, nhưng là sống vui tươi, bác ái với tất cả mọi người và nhất là Mẹ dẹp bỏ ý riêng và sẵn sàng thi hành ý Chúa. Mẹ hòa nhập vào Niềm Vui của Dân Thánh: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”.[5] Mẹ sống trong niềm vui Ơn Cứu Độ cho dù có biết bao thách đố trong cuộc sống.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi thực hành chay tịnh bằng cách từ bỏ ý riêng, sống vui tươi, bác ái với mọi người, dùng thời giờ để làm những việc có ích, khiêm tốn lắng nghe và chân thành đóng góp vào công việc chung.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con sống tinh thần chay tịnh như Mẹ, biết rèn luyện và làm chủ bản thân thay vì thỏa mãn các giác quan, để nhờ đó, tinh thần và tâm trí con được tự do làm theo ý Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, 1Cr 4,1-5
[2] X. Mt 6,5
[3] X. Is 62,4
[4] Tv 85,11
[5] Kinh Magnificat.