07.09.2024 – THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,1-5
“Con Người làm chủ ngày Sa-bát.” (Lc 6,5)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ngày 15/02/2020, cụ ông Coella 96 tuổi, phải hầu tòa vì vi phạm giao thông. Ông đã đi quá tốc độ quy định trong khu vực trường học và điều này gây nguy hiểm cho người khác. Con trai ông 63 tuổi, bị bệnh ung thư máu. Mỗi tuần ông phải lái xe đưa con đến bệnh viện thay máu 2 lần. Hôm ấy ông phải phóng xe hơi nhanh vì tính mạng của con trai mình. Trước tòa, ông vừa nói vừa khóc: “Tôi đã 96 tuổi, tôi lái xe rất chậm. Tôi chỉ lái xe nhanh khi bắt buộc phải thế thôi. Tôi đưa con trai đi thay máu, con trai tôi là người tàn tật.” Nghe xong, mọi người có mặt đều xúc động. Thẩm phán kết luận ông cụ được trắng án![1] Ai theo dõi vụ án trên đây cũng thấy thỏa lòng vì tòa án đã xử rất tình người với hoàn cảnh của ông cụ.
Thời Chúa Giêsu, những người Pharisêu chỉ chú trọng việc giữ luật ngày Hưu lễ mà không quan tâm đến lý do bất khả kháng của con người. Hôm ấy, các môn đệ của Chúa đói bụng, họ đã bứt vài bông lúa bên đường vò trong tay mà ăn cho đỡ đói. Những người Pharisêu đã suy diễn việc vò xát lúa trong tay là việc “xay lúa”, như thế họ cho rằng các môn đệ vi phạm luật nghỉ việc ngày Sabat.
Theo luật của người Do Thái, ngày Sabat được dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, và cũng là để con người được nghỉ ngơi, lấy lại quân bình. Thiên Chúa không muốn con người làm nô lệ cho nhu cầu ăn uống hay công việc lao dịch. Tuy nhiên, khi đói, Luật vẫn cho phép người ta bứt lúa để ăn. Nhưng những người Pharisêu đã đề cao việc giữ luật khiến luật trở thành gánh nặng cản trở sự sống của con người.
Chúa Giêsu dẫn chứng việc vua Đavít đã ăn bánh tiến trong đền thờ để vượt qua cơn đói, mà không bị kết tội, để chứng minh hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Như thế, Chúa Giêsu đã thể hiện chính Người là chủ ngày Sabát, và Người mặc cho lề luật một tinh thần mới: tinh thần của yêu thương, nghĩa là lề luật được đặt ra là vì con người, phục vụ cho con người, chứ không phải con người phục vụ cho lề luật.
Ngày nay, có những người “đạo đức” làm việc từ thiện thật nhiều nơi để được nổi danh, qua việc chụp hình quay phim bên “núi quà tặng” đưa lên mạng, sau đó là tham quan đây đó, nhưng lại không hề gặp gỡ người nghèo, cũng chẳng quan tâm chia sẻ những nỗi đau, những gánh nặng tinh thần của người ở ngay bên cạnh mình, trong gia đình mình. Biết hy sinh thời giờ, tiền của vật chất cho những người đang túng thiếu là điều tự nó rất tốt; nhưng việc làm ấy lại qui chiếu vào mình, để cho mình được nổi danh là người “đạo đức” thì không phải là đức bác ái Kitô giáo. Yêu mến Thiên Chúa đúng nghĩa, theo Thánh Vinh Sơn Phaolô, nhà thần bí đức ái, là: “Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa. Nhưng phải yêu mến Chúa bằng sức lực của đôi cánh tay và mồ hôi trán”[2] nghĩa là có sự hy sinh sức lực, tiền của và cả danh dự cá nhân nữa, để cho vinh quang Chúa được tỏ rạng và tha nhân được tôn trọng.
Mẹ Maria đã sống trọn vẹn tinh thần yêu thương của lề luật khi Mẹ đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể và đồng ý về cùng một mái nhà với Thánh Giuse, để chăm lo, nuôi dưỡng cho Con Thiên Chúa. Vì yêu mến Chúa, Mẹ tuân giữ luật thanh tẩy và dâng Con vào Đền , cho dù Mẹ và Chúa Giêsu không cần thực thi điều đó. Vì Chúa Giêsu, Mẹ cùng thánh Giuse tất tả đi tỵ nạn ở Ai-cập, giúp đôi bạn trẻ tại Cana… Đối với Mẹ, việc giữ luật không là gánh nặng nhưng là niềm vui để trao ban yêu thương.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi tuân giữ các luật lệ trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết yêu mến Chúa trong mọi người và yêu mến mọi người trong Chúa, nhờ đó, con cũng luôn trân quý sự sống và phẩm giá của chính con và của mọi người. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://www.facebook.com/watch/?v=188360439061003
[2] Thánh Vinh Sơn Phaolô, XI, 40