19.09.2024 – THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 7,36-50
“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha,
bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ý thức mình “là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa”,[1] thánh Phaolô Tông đồ cảm nghiệm được tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho chính mình. Vì thế, ngài đã cùng với các Tông đồ mạnh dạn loan báo Tin Mừng và làm chứng về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu- “đúng như lời Kinh Thánh”, với một niềm xác tín mãnh liệt và sống động từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Ngài đã làm cho rất nhiều người tin vào Tin Mừng thương xót của Chúa.
Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Phaolô và các Tông đồ rao giảng, chính là hiện thân của Lòng Thương Xót. Người là Đấng tuyệt vời thánh thiện, đã đến trần gian để tìm kiếm và cứu chữa những con người tội lỗi. Thật vậy, Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được mời dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu. Điều này khá đặc biệt, vì thông thường người Pha-ri-sêu hay chỉ trích, bắt lỗi Chúa Giêsu về cách cư xử của Người. Đang lúc Người ở nhà ông ấy, “một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” (c.37) đã rất can đảm tìm đến với Chúa Giêsu tỏ lòng sám hối của mình: “Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (c.38).
Trước ánh mắt kỳ thị và khinh miệt của những người biệt phái đang có mặt ở đó, Chúa Giêsu đã có một thái độ rất tuyệt vời: Người đón nhận con người thật của chị ấy, để cho chị tự do bày tỏ cảm xúc sám hối chân thành. Người còn thẳng thắn bênh vực chị ấy khi kể chuyện hai con nợ: một người nợ ít, một người nợ rất nhiều, nhưng cả hai đều được chủ tha hết. Sau đó, Người xin ông Simon chủ nhà đoán xem con nợ nào sẽ mến chủ hơn. Ông ấy đáp là người được tha nhiều sẽ yêu mến nhiều, và Chúa khen: “Ông xét đúng lắm.” Từ đó, Chúa nói về người phụ nữ: Tội của chị ấy rất nhiều, nhưng chị thật tình sám hối và được tha hết, nên chị mới yêu mến nhiều và biết ơn nhiều (x.c.47).
Thiên Chúa thấu suốt lòng mỗi người. Vì thế, thay vì đánh giá người khác qua những biểu hiện bên ngoài, rồi phán xét, khinh khi và coi thường họ, chúng ta hãy tập giải thích tốt và suy nghĩ tích cực nhất trước mọi người, mọi việc với cái nhìn thương xót của Chúa. Mỗi khi xưng tội, ta xét mình kỹ lưỡng theo các giới răn của Chúa và của Hội Thánh là đúng, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là ta ý thức được tội lỗi của mình, sám hối chân thành và đón nhận tình thương tha thứ của Chúa qua Bí tích Giải Tội. Ta sẽ cảm nhận sự bình an tình thương Chúa dành cho ta quá lòng mong ước. Kinh nghiệm đó sẽ giúp ta biết cảm thông và liên đới với mọi người, cùng giúp nhau sống đức tin qua việc cảm tạ và yêu mến Chúa vì ơn cứu độ Chúa ban.
Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria luôn ý thức “phận nữ tỳ hèn mọn” được Thiên Chúa cứu độ và đoái thương, nên Mẹ đã đáp lại tình thương của Thiên Chúa với sự trung tín đến cùng dưới chân thập giá. Mẹ cũng cảm thông và liên đới với mọi người, nhất là những người thấp kém trong xã hội. Trong những lần hiện ra, Mẹ vẫn tha thiết mời gọi nhân loại hãy thành tâm ăn năn sám hối, canh tân đời sống. Đặc biệt, những ai lắng nghe và thực hành lời Mẹ nhắn nhủ, năng chạy đến với Mẹ, sẽ được Mẹ dạy cho cách yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi sống tâm tình sám hối và biết ơn Chúa bằng cách yêu thương mọi người, không kỳ thị ai.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết khiêm nhường và sám hối thật lòng, biết đáp lại tình yêu và ơn tha thứ của Chúa bằng việc hoán cải đời sống, biết cảm thông và liên đới với mọi người trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, 1Cr 15,9