Như chúng ta đã biết phần nào về Sơ Catherine Labourê: vốn là một thiếu nữ miền quê xinh đẹp, nết na, đảm đang và nhất là có lòng đạo đức. Cô muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn nhưng bị người cha phản đối. Sau nhiều gian nan thử thách, cha của cô đã nhượng bộ cho phép cô vào Tu Hội ở tuổi 22.
Chính Đức Mẹ đã thiết kế Ảnh này
và bảo Sơ Catherine Labourê cho đúc ra…
Trong giai đoạn Tập Viện, Sơ Catherine Labourê được Đức Mẹ hiện ra 3 lần và trao sứ mệnh. Chỉ có cha giải tội của Sơ biết rõ sự việc, nhưng ngài lại không tin. Sơ rất đau lòng nhưng khiêm tốn chấp nhận, phó thác cho sự an bài của Thiên Chúa và Người đã làm những điều thật bất ngờ: Mẫu Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn được giáo quyền cho phép đúc ra và phổ biến khắp nơi. Ai đeo Ảnh với lòng tin tưởng và đọc lời kinh: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ” đã nhận được nhiều ơn lạ, nên được gọi là Ảnh Phép Lạ. Tuy nhiên danh tính của “thị nhân” thì vẫn được giữ kín cho đến khi Sơ Catherine Labourê nhắm mắt lìa đời[1].
Trở lại với thời gian đào tạo: mãn Tập Viện, Sơ bình tâm đón nhận “bài sai” của bề trên đến phục vụ các cụ già tại viện dưỡng lão Enghein, vùng ngoại ô Paris. Sơ phục vụ các cụ không mệt mỏi trong thời gian dài, với điều dốc lòng: “Noi gương Mẹ trong mọi hành động”[2]. Vì thế, Sơ chăm sóc các cụ cách tận tụy, với lòng thương cảm và khoan dung của người nữ tỳ.
Nhiều chị em đến xin lần chuỗi chung
với Sơ Catherine Labourê
Sau hơn 43 năm phục vụ, sức khỏe cạn kiệt, Sơ được chuyển đổi công tác ra gác nhà khách của viện dưỡng lão. Ngoài việc tiếp khách, Sơ dành trọn thời gian còn lại cho việc lần chuỗi Mân Côi, thi thoảng giúp may vá áo quần cũ của chị em. Như xưa, các tông đồ đã được ấn tượng khi nhìn ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện và đến xin Ngài dạy cầu nguyện, từ đó chúng ta có được kinh lạy cha tuyệt vời[3]. Các chị em cũng được đánh động khi nhìn thấy Sơ Catherine Labourê lần chuỗi với một phong cách đơn sơ nhưng chìm đắm trong việc chiêm ngắm các biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, từ năm sự vui của mầu nhiệm nhập thể, của mầu nhiệm cứu chuộc rồi đến năm sự mừng của sự phục sinh vinh hiển[4], trong đó luôn có sự liên kết của Đức Maria trên mọi chặng đường của Chúa Giêsu.
Các chị em không hiểu rõ có một cái gì đó biến chuyển nơi Sơ Catherine Labourê, nhưng nhận xét: “Quả thật, một tràng chuỗi Sơ Catherine Labourê đọc không như tràng chuỗi của những người khác”[5]. Vì thế, “nhiều chị em thích đến lần chuỗi với chị nữ tu gác cửa già nua thân thương”[6].
Như chiếc đèn cạn dầu, ngày 30.12.1876, chị kiệt sức và nằm liệt nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo. Nữ tu chăm sóc Sơ Catherine Labourê nói:
- Chị đi mà không nói một lời gì về Đức Mẹ cho chúng em sao?
- Phải lần hạt sốt sắng hơn. Phải tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm và xin Người ơn sống khiết tịnh[7].
Sơ Catherine Labourê đã hiểu các mầu nhiệm Mân Côi (kể cả 5 Sự Sáng, nếu Sơ được biết đến) như là bản tóm tắt căn bản Phúc Âm, trong đó Đức Mẹ luôn hiệp thông vào công trình cứu chuộc loài người của Chúa Kitô từ mầu nhiệm Nhập thể-Rao giảng Tin Mừng, tới mầu nhiệm Cứu chuộc-Phục sinh. Có thể nói đây là di chúc của Sơ Catherine Labourê, một di chúc rất dễ thực hiện và mang lại bình an hạnh phúc cho chúng ta đời này và đời sau. Nó gồm:
Chúa Giêsu dạy các tông đồ cầu nguyện: KINH LẠY CHA
- “Kinh Lạy Cha là lời kinh trọng nhất, do chính Chúa Giêsu đã dạy cho các Tông đồ và cả chúng ta nữa. Đó chính là lời cầu nguyện chính yếu, cấu tạo nên chuỗi mân côi: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời…’. Chúng ta hãy hình dung Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta và Người cùng với chúng ta thân thưa với Cha.
- Tiếp theo là Kinh Kính Mừng: Kính Mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà… qua miệng sứ thần, “Thiên Chúa chào một người nữ”[8] để bắt đầu lời kinh; bà Elisabeth đã tạo nên một phần, khi bà được cô em họ Maria tới thăm: “bà có phúc lạ hơn mọi phụ nữ và Giê su con lòng bà gồm phúc lạ”; Giáo Hội đã thêm phần còn lại: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…”. Như vậy, có thể nói là lời kinh này đã được Chúa Thánh Thần khởi hứng.”[9]
Lần chuỗi Mân Côi là tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi
- Kinh Sáng Danh cũng được Giáo Hội, qua Thánh Giáo Hoàng Piô V, thêm vào năm 1569, nói lên việc lần chuỗi Mân Côi là một việc đạo đức, cũng nhắm tới đích điểm của việc chiêm ngắm Kitô giáo là tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Sau kinh sáng danh, thường là kinh Fatima: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Amen”[10] hoặc “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các linh hồn…”, tùy theo nhu cầu và truyền thống địa phương.
Thưa Mẹ, tháng 10 Mân Côi lại về! Hưởng ứng lời kêu gọi của Mẹ tại Fatima và tiếp nối truyền thống tốt đẹp, thánh thiện này của Giáo Hội, chúng con xin cùng với Sơ Catherine Labourê và toàn thể anh chị em dâng lên Mẹ tràng hoa mân côi tỏ lòng biết ơn Mẹ và cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Xin Mẹ giúp chúng con cầu nguyện sốt sắng, bầu cử cùng Chúa thương ban ơn bình an cho chúng con và cách riêng cho các nước đang có chiến tranh. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác tín: “Qua Kinh Mân Côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế”[11], chúng con tin chắc được Mẹ đoái thương nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://gdanhducmebanon.org/cuoc-doi-thanh-nu-catherine-laboure/
[2] Agnès Richomme-thánh nữ Catherine Labourê, trang 68
[3] X. Lc 11,1-4
[4] Thời đó, chưa có các mầu nhiệm Sự Sáng
[5] Nt.
[6] Agnès Richomme-thánh nữ Catherine Labourê, trang 82
[7] NTBAVSVN-Đức Mẹ và thánh nữ Catherine Labourê, trang 55
[8] Một suy tư mới của ĐGH Phanxicô, Kinh Kính Mừng, trang 16
[9] TVS, Coste X, 620-621
[10] https://nhathothaiha.net/5-loi-kinh-duoc-mac-khai-o-fatima-ma-nguoi-cong-giao-nen-biet/
[11] Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 1