16.10.2024 – THỨ TƯ TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lc 11,42-46
“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ,
mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Khổng Minh Gia Cát Lượng là một chính trị gia xuất sắc của Thục Hán dưới thời Tam Quốc, thế nhưng ông lại chấp nhận cưới một người vợ nổi tiếng xấu xí là Hoàng Nguyệt Anh.[1] Thực ra, tuy có ngoại hình thua thiệt, nhưng bản thân Nguyệt Anh lại vô cùng giỏi giang, đức hạnh. Bà đã có công rất nhiều trong việc giúp chồng tề gia trị quốc và vì thế, bà không chỉ được chồng quý trọng, mà còn được toàn dân kính nể. Bởi thế, người ta nói: “cái nết đánh chết cái đẹp”[2] là vậy.
Thời Chúa Giêsu, những người Pharisêu và các nhà thông luật thích được mọi người kính nể, nên họ cố gắng làm nhiều việc đạo đức cho người ta thấy để được khen. Họ “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ” (c.42) là những món không bắt buộc phải nộp thuế, nhưng lại “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” là điều cốt lõi của đời sống đức tin. Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách họ nặng lời. Người ví họ như những mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay” (c.44). Lối sống giả hình, thiếu trung thực khiến họ trở nên đáng ghê tởm như xương cốt thối rữa, mà theo Luật Do thái, bất cứ ai chạm vào (dù vô tình hay cố ý) đều bị nhiễm uế. Như vậy là tự mình gây “khốn khổ” cho mình, chứ không phải là Chúa chúc dữ.
Chúa Giêsu lên án thói sống vụ luật, vụ hình thức của họ: quá chú trọng các nghi lễ bên ngoài, nhưng lại cất giấu những lợi nhuận người ta dâng cúng để dùng riêng, làm ra đủ thứ luật để kiếm lợi từ những người thành tâm nghèo khó. Đó cũng là lối sống của một số Kitô hữu vụ luật ở Ga-lát hay ganh tỵ, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta ý thức mình thuộc về Đức Kitô thì hãy sống theo Thần Khí, để các “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”[3] được trổ sinh trong cuộc sống của ta.
Nếu chúng ta được ơn siêng năng tham dự Thánh Lễ mỗi ngày và có điều kiện vật chất, thời giờ để làm nhiều việc đạo đức, bác ái, hãy tạ ơn Chúa và không nên tự hào, tự mãn hay so đo tính toán, lấy mình làm chuẩn và chê người khác là khô khan nguội lạnh. Đàng khác, nếu phải thường xuyên thức khuya dậy sớm mưu sinh cho gia đình, nên không thể tham dự thánh lễ các ngày thường hay tham gia các hội đoàn trong giáo xứ, ta hãy dâng lên Chúa những vất vả xin Chúa thánh hóa chúng cho đẹp lòng Chúa, biết dành chút thời giờ để lần Chuỗi Mân Côi, nhất là luôn ý thức sống chân thật, công bình, bác ái với mọi người. Đó là ta đã sống theo Thần Khí ngay trong điều kiện sống của mình.
Đức Maria không cần trang sức để làm đẹp, nhưng tâm hồn và cuộc sống của Mẹ luôn tuyệt hảo trước mặt Thiên Chúa như Sứ thần Gabriel nói: “Bà đẹp lòng Thiên Chúa”[4]. Mọi lời nói và hành động của Mẹ luôn phản chiếu sự chân thật, khiêm tốn, đơn sơ. Dù được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế và Sứ thần cung kính chào Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”[5], Mẹ chỉ nhìn nhận mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Mẹ khiêm tốn không kể với ai về ơn cao trọng ấy, khiến cho Thánh Giuse nghi ngại. Mẹ sống trong tác động của Thánh Thần, quan tâm đến người khác và âm thầm dấn thân phục vụ, giúp đỡ họ: chị Elizabeth, tiệc cưới tại Cana…[6]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi đón nhận con người thật của tôi, sống chân thành với Chúa, với chính mình và với mọi người.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết sống khiêm tốn và chân thật như Mẹ, để những lời nói, việc làm và cách cư xử với mọi người diễn tả sự chân thành và lòng yêu mến của con đối với Thiên Chúa mọi nơi và mọi lúc. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] https://danviet.vn/vi-sao-gia-cat-luong-lai-lay-nguoi-vo-xau-ma-che-quy-hon-7777781995.htm
[2] Tục nữ Việt Nam
[3] Bài Đọc I, Gl 5,18-25
[4] Lc 1,30
[6] Lc 1,39-56 và Ga 2,1-12