24.04.25 – THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lc 24,35-48
“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình,
rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sự kiện Chúa sống lại quả thật ngoài sức tưởng tượng và sự hiểu biết của con người. Các môn đệ dù được thấy Thầy mà vẫn không tin vào cặp mắt và trí khôn của mình. Chúa Giêsu Phục Sinh đã đối xử với các môn đệ “như người nựng trẻ thơ”[1]: Người chúc bình an và cho các ông xem tận mắt tay chân Người còn nguyên những vết đinh; cho sờ chạm vào Người để trấn an, dỗ dành… Người dùng tình thương và sự hiện diện để an ủi, băng bó và chữa lành những vết thương trong tâm hồn các ông đang hoảng loạn vì sợ hãi; Người ăn uống cho các ông thấy Người thật sự đang sống.
Người còn “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (c.45), biết được kế hoạch của Thiên Chúa là “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” để cứu độ nhân loại, và sứ mạng của các ông là phải loan báo và làm chứng nhân về cái chết và sự Phục Sinh cứu độ của Chúa Giêsu cho khắp mọi nơi. Khi đã xác tín việc Chúa Giêsu sống lại, Phêrô và các tông đồ đã mạnh dạn nhân danh Người để làm các phép lạ cứu chữa mọi người như Chúa Giêsu đã làm. Trong Bài Đọc I, ông Phêrô đã “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét”, làm cho kẻ què bẩm sinh đi lại được. Như thế, Đức Giêsu Nazareth mà họ đã đóng đinh, đã chết nhưng nay vẫn sống, và giờ đây, Danh của Người không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng là chính Người đang hiện diện. Nhân danh Chúa là kêu cầu chính Chúa, Đấng có sức mạnh cứu độ, chữa lành, canh tân, và hồi sinh.
“Ơn phục sinh cho ta sự sống mới, mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là Tân Phúc Âm hóa. Đó là một sự sống mới có thực chất phúc âm, đồng thời cũng thích hợp với thời điểm mới”[2]. Thời nay, làm chứng cho Chúa phục sinh là cùng hiệp hành với Giáo Hội, chứ không riêng rẽ một mình, đồng thời cùng với nhau sống yêu thương, chia sẻ, phục vụ những người đang cần đến sự hỗ trợ tinh thần hay thể xác. Đón nhận những khó khăn trong công việc cùng với Chúa Giêsu, ta sẽ gặt hái thành quả trong sự Phục Sinh của Người.
Trong suốt 30 năm ở Nazareth, Mẹ Maria đã chiêm ngắm cuộc sống của Chúa Giêsu và lắng nghe Người nói về kế hoạch cứu độ… Mẹ càng xác tín vào quyền năng và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, dù hết sức đau buồn trước cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn trung thành cùng chịu đau khổ, sỉ nhục và chết lặng trong tim với Người, chờ đợi Thiên Chúa thực hiện điều Kinh Thánh đã báo trước về việc Chúa Phục Sinh.
Khi không còn hiện diện bên các môn đệ, Chúa Giêsu vẫn yên tâm vì đã có Mẹ Người luôn đồng hành với các ông. Chính nhờ được ở với Mẹ, các môn đệ dần dần được biến đổi, tin tưởng và mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Ngày nay, Mẹ cũng luôn hiện diện bên chúng ta để nâng đỡ, an ủi và nhắc bảo, giúp ta vững tin vượt qua những hoài nghi và hoang mang trong cuộc sống. Có Mẹ, chúng ta sẽ mạnh dạn sống chứng tá của Niềm vui Tin Mừng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nếu chúng ta đã nhận được nơi Tình Yêu làm hồi phục ý nghĩa cho đời mình thì làm sao chúng ta lại có thể không chia sẻ một Tình Yêu như thế cho những người khác được?”[3]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi đón nhận những bất ổn của cuộc sống hiện tại trong niềm tín thác, cậy trông vào Chúa và sẵn sàng bác ái với tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con cảm nghiệm được tình thương và kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời con, để con cũng vui mừng chia sẻ tình yêu thương của Chúa cho mọi người. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Hs 11,4b
[2] Đức Giám mục GB. Bùi Tuần