04.12.2022 – CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM A
Mt 3,1-12
“Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt 3,8)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Khi chọn Israel làm dân riêng, Đức Chúa đã dùng ông Môsê và các Thẩm Phán để lãnh đạo dân theo đường lối của Chúa. Thế rồi dân bắt chước các dân tộc lân cận, muốn được có vua. Chúa cũng cho họ có vua cai trị. Vị vua đầu tiên là Sa-un, nhưng vua này sớm lìa bỏ đường lối của Chúa. Chúa lại chọn một vị khác, đó là Đa-vít, một cậu bé con út của ông Gie-sê. Vua Đa-vít sống đẹp lòng Chúa, nên Chúa chúc phúc cho dòng dõi của vua được trường tồn.
Lời hứa ấy đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, người được sinh ra “thuộc dòng dõi Đa-vít”, tức là con cháu của Gie-sê. Ngôn sứ Isaia đã nói về “chồi non từ gốc tổ Gie-sê” là Đấng được đầy Thần Khí của Đức Chúa để xét xử và cai trị dân chúng. Người sẽ đem lại hòa bình không chỉ giữa các quốc gia hay giữa người với người, mà còn là trạng thái hòa bình giữa con người với toàn thể vũ trụ và thiên nhiên, vạn vật.[1] Không những thế, Gioan Tẩy Giả còn loan báo Đấng sẽ đến sau ông là Đấng đầy Thánh Thần, “Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa” (c.11). Người đã đón nhận tất cả chúng ta để chúng ta cũng đón nhận nhau trong hòa bình, như thánh Phaolô đã nói: Đức Kitô đến cứu độ người Do Thái vì lòng trung thành của Thiên Chúa, và cứu độ các dân ngoại vì lòng thương xót của Người.[2]
Tuy nhiên, cho dù ơn cứu độ là QUÀ TẶNG của Thiên Chúa, nhưng cần phải có một thái độ xứng hợp mới có thể đón nhận được. Khi ông Gioan Tẩy Giả rao giảng và kêu gọi người ta sám hối, rất nhiều người đã tuôn đến với ông: những kẻ tội lỗi và cả những người vẫn tuân giữ Lề Luật. Thế nhưng, ông Gioan lại không chấp nhận thái độ của những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc, vì họ chỉ muốn nhận phép rửa mà không có lòng sám hối, không muốn hoán cải đời sống. Vì thế, ông bảo họ: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối…”
Sám hối đích thực là nhìn nhận mình có tội. Chỉ khi nào ý thức mình là tội nhân, ta mới thực sự hoán cải và cần đến lòng thương xót tha thứ của Chúa. Có những tật xấu ta cố gắng sửa nhiều năm, nhiều tháng vẫn không chừa được. Chúng ta vẫn tự đấm ngực trước mỗi thánh lễ, nhưng thường chỉ làm như một thói quen. Có mấy lần ta ý thức cụ thể điều mình phải sám hối trong ngày hôm nay? Bởi thế, cuộc sống của chúng ta cứ trôi qua từng ngày mà chẳng có gì thay đổi.
Sám hối thành thật sẽ trổ sinh hoa trái trong đời sống chúng ta, đó là sự biến đổi trong cách nhìn, cách suy nghĩ, nói năng, hành động…để cảm thông hơn với tha nhân, thay đổi thói quen bất công, gian dối bằng sự chân thành, chân thật, công bằng và tôn trọng những người cộng tác với mình; sửa tính tham lam bằng cách tập chia sẻ bác ái cách quảng đại…
Nhờ luôn “đẹp lòng Thiên Chúa”, Mẹ Maria lúc nào cũng sẵn sàng và xứng đáng đón nhận Quà Tặng vô giá của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Mẹ đã lãnh nhận và gìn giữ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội cách trung thành và còn làm trổ sinh biết bao nhân đức: khiêm nhường, đơn sơ, bác ái, vị tha, chân thật, tinh tế… Vì thế, khi đến giờ Thiên Chúa thực thi kế hoạch cứu độ và tuôn đổ Thánh Thần xuống cho nhân loại, Mẹ là người đầu tiên được Thánh Thần bao phủ ngập tràn. Mẹ cũng là người đầu tiên được hưởng trước ơn cứu độ của Chúa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Nhờ sự giúp đỡ của Mẹ, tôi tìm lại sự thánh thiện trong tâm hồn bằng cách sám hối thật lòng, năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và chọn tập một nhân đức ngược lại với thói xấu mà tôi đang muốn chừa bỏ.[3]
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con ý thức những điều cần sửa đổi nơi tâm hồn và cuộc sống của con, để sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối, nhờ đó con đáng được nhận Quà tặng ơn cứu độ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/1dvpy)
🙟❖🙝
[1] Bài đọc I, Is 11,1-10
[2] Bài đọc 2, Rm 15,4-9
[3] X. Kinh Cải tội bảy mối https://www.conggiao.org/cai-toi-bay-moi/
()