14.12.2022 – THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG
Lc 7,19-23
“Thầy có thật là Đấng phải đến đến không?” (Lc 7,20)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Kể từ lúc mất người vợ và đứa cháu vì Covid-19, ông Năm tự thu mình trong căn chòi chật hẹp, không tiếp xúc với bất kỳ ai, cũng không đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Ông bất mãn với Thiên Chúa và đặt vấn đề về niềm tin của mình: tại sao từ khi tin theo Chúa, ông chỉ gặp toàn là bất hạnh? Đấng ông quyết định tin theo 3 năm nay có thật là Đấng thương xót và giàu tình thương???
Bạn thân mến,
Không chỉ người mới theo đạo như ông Năm, nhưng nhiều người “đạo gốc” cũng rất dễ hoang mang và nghi ngờ Thiên Chúa khi gặp phải những đau khổ, những bất trắc. Chính Gioan Tẩy Giả cũng trải qua tình trạng như thế. Ông đã từng giới thiệu cho các môn đệ của ông về Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”[1], là Đấng cứu độ trần gian. Ông đã vất vả dọn đường cho Người, nhưng khi chính ông bị ngồi tù cách oan ức, Chúa vẫn không ra tay can thiệp; tính mạng của ông bị đe dọa, không thấy Chúa lưu tâm. Người không giải cứu ông khỏi tay kẻ ác, vậy Người có phải là Đấng cứu độ muôn dân hay không? Cách thế hành động của Người như thế nào?
Giữa bao thắc mắc nghi ngờ, Gioan Tẩy Giả đã chọn cách đối diện để giải quyết những vấn nạn đức tin. Ông sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Đức Giêsu mời họ nhìn xem những hành động của Người là dấu chỉ của Đấng Mêsia mà nhiều ngôn sứ đã loan báo. Người làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…” (cc.21-22). Nhờ đó, Gioan Tẩy Giả nhận ra “Đấng sẽ đến” không phải như một lãnh chúa nóng lòng xét xử, luận phạt con người[2] như ông rao giảng, nhưng là Đấng giàu lòng xót thương. Người đến để giải phóng, “chữa lành một thế giới tội lỗi, đầy bạo tàn và oán hận”[3], bằng những biểu hiện chữa lành, tha tội, cứu sống và dạy dỗ…
Cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta dễ nghĩ tưởng rằng Chúa im lặng, không đáp lời cầu xin và làm ngơ khi ta gặp hết khó khăn này đến sự cố khác, đến nỗi khủng hoảng đức tin: “Có Thiên Chúa không?” Có thật Người là Đấng giàu lòng thương xót, như các cha vẫn thường giảng không??? Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thiên Chúa luôn lớn hơn những gì chúng ta tưởng tượng: các công trình của Người thật đáng ngạc nhiên ngoài sự tính toán của chúng ta; hành động của Người vượt quá những nhu cầu và sự chờ đợi của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng bao giờ ngưng tìm kiếm Người và thay đổi để nhìn ra khuôn mặt thật của Người.”[4] Cũng có lần ngài đã nói rằng: “…nghi ngờ là “vitamin của đức tin”: chúng giúp củng cố đức tin và làm cho đức tin trở nên có ý thức, tự do và trưởng thành hơn. Đức tin chính là một cuộc hành trình cá nhân hàng ngày với Chúa Giêsu.[5]
Kể từ lúc thưa tiếng “xin vâng” với kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Maria đã xác tín cách mạnh mẽ “Đấng phải đến” chính là mầm sống đang cư ngụ trong lòng Mẹ. Người là Con Thiên Chúa, thế nhưng Người không hề can thiệp mỗi khi Mẹ gặp hết khó khăn này đến thách đố khác. Thiên Chúa hoàn toàn im lặng!!! Nhưng càng ngày, Mẹ càng ý thức đức tin phải được thanh luyện để lớn lên qua từng cơn gian nan thử thách, và cuối cùng, cuộc hành trình đức tin của Mẹ đã tới đích cách mỹ mãn!
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi tập chiêm ngắm những hành động của Thiên Chúa trong đời để nhận ra sự quan phòng yêu thương của Người và tin tưởng vào Người hơn.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chiêm ngắm những biến cố hằng ngày, để nhận biết và xác tín vào hành động cứu độ đầy quyền năng của Chúa. và giúp con biết dùng chính cuộc sống mình để giới thiệu Chúa cho anh chị em con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/XrTGq3)
[1] Ga 1,36
[2] Lc 3,9.16-17
[3] Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải, trang 1746
[5] Chuyến tông du Hy Lạp 2021 https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-12/dtc-phanxico-gioi-tre-hy-lap.html
()