ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊ SU TRONG ĐỀN THÁNH
Lễ kính hằng năm: 02.02
Ý NGHĨA
Đây là lễ kính nhớ việc Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ Giêrusalem, theo trình thuật của Tin Mừng thánh Luca chương 2, 22-38: “Khi đã đến ngày lễ Thanh Tẩy của các ngài, theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa…”
Theo trình thuật này, chúng ta thấy Con Thiên Chúa nhập thể làm người đã chọn phong cách hiệp hành với con người: Chúa vâng phục Lề Luật và cha mẹ của Ngài cũng làm theo Luật dạy. Hơn nữa, Ngài đích thân đến gặp dân mình ngay tại nhà của Cha Ngài, tức là tại đền thờ Giêrusalem. Cụ già Simêon, một người công chính đã được linh hứng sẽ không chết trước ngày được gặp Đấng Cứu Thế và nữ ngôn sứ Anna, cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã tới đền thánh và đều được gặp Ngài.
Đa phần người Do thái thời đó tin rằng một ngày kia họ sẽ làm bá chủ thế giới và thống trị hết các dân tộc. Chính vì thế, họ mơ ước sẽ xuất hiện một vị vua khác trong dòng tộc Đavit và tất cả vinh quang xưa kia sẽ được phục hưng. Nhưng, tương phản với tất cả những tham vọng và ước mơ trần thế đó, có một số ít người, không có tham vọng dùng bạo lực hay sức mạnh quân đội. Họ tin vào lời hứa của Chúa, sống cầu nguyện liên lỉ và thanh thản chú tâm kiên nhẫn trông chờ Chúa đến. Cụ ông Simêon và cụ bà Anna là những con người như thế: trong cầu nguyện, thờ phượng và trung kiên chờ đợi ngày Thiên Chúa đến an ủi dân Người, và các cụ đã được toại nguyện.
Lễ này còn được gọi là lễ Ánh Sáng hay Lễ Nến và làm phép nến để tưởng nhớ lời tiên tri của cụ Simêon gọi Đức Kitô là “Ánh Sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32). Cũng có nơi tổ chức kiệu nến trong nhà thờ, tượng trưng cho việc Đức Giêsu tiến vào đền thờ Giêrusalem.
NGÀY CẦU CHO NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN
Từ năm 1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II quyết định lấy ngày lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh hằng năm làm ngày thế giới của Đời Sống Thánh Hiến. Chúa Giêsu được dâng hiến cho Chúa Cha nên trọn vẹn thuộc về Cha. Suốt đời, Ngài sống cho Cha, thi hành thánh ý Cha, vâng lời Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết thập giá. “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha“, đây là tình yêu hiến dâng trọn vẹn nhất. Những người sống đời thánh hiến muốn noi gương Chúa Giêsu, dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa theo tiêu chuẩn các lời khuyên của Phúc âm là sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời.
Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II viết cho các Tu sĩ, được đúc kết lại trong ba chữ S: Say mê Đức Kitô, Sống hiệp thông và Sẵn sàng lên đường cho sứ vụ.[1]
Khi trung thành với ba lời khuyên Phúc âm, các Tu sĩ trở nên ánh sáng của Thiên Chúa giữa trần gian: Ánh sáng siêu thoát trên của cải vật chất. Ánh sáng trao ban quảng đại. Ánh sáng tự chế ngự bản thân. Ánh sáng quên mình vì hạnh phúc của người khác. Ánh sáng lý tưởng, nâng tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Ánh sáng của một tình yêu dâng hiến.
Lý tưởng là thế, nhưng thân phận con người dâng hiến thì mong manh và rất dễ bị tổn thương như thánh Phaolô đã nhận định: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành...”[2]. Chúng ta hiệp thông cầu nguyện đặc biệt cho các Tu Sĩ Nam Nữ để quyền năng phi thường củaThiên Chúa làm cho các ngài luôn say mê Đức Kitô trong đời sống tâm linh, sống hiệp thông trong tình huynh đệ và luôn sẵn sàng lên đường thực thi sứ vụ để trở nên ánh sáng giữa cuộc đời hôm nay.
“Ngày này thúc đẩy chúng ta, những người sống đời thánh hiến, hãy tự vấn những câu hỏi sau: Chúng ta có nài van Chúa Thánh Thần một cách khẩn thiết và thường xuyên để xin Ngài thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa truyền giáo, lòng nhiệt thành tông đồ, niềm đam mê Chúa Kitô và nhân loại không? Chúng ta có được thúc đẩy để “nói về những gì mình đã thấy và đã nghe không”? Chúng ta có cảm thấy khao khát Đức Kitô không? Chúng ta có chịu đau khổ và mạo hiểm để hòa hợp với trái tim mục tử của Người không? Chúng ta có sẵn sàng “nới rộng lều của mình” để cùng nhau bước đi không? Và trên hết, chúng ta hãy tự hỏi: Liệu chính Con người Đức Giêsu, những tâm tình, lòng trắc ẩn của Người, có làm tâm hồn chúng ta rung động chăng?
Luôn luôn, cũng như trong những năm gần đây, các anh chị em tận hiến đã mặc lấy cùng một tâm tình của Đức Giêsu, vốn thúc đẩy họ hy sinh mạng sống vì anh chị em mình. Vào ngày này, chúng ta tưởng niệm sự đổ máu của các anh chị em này trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, một điều hùng hồn hơn bất kỳ diễn từ nào về sứ mạng. Bên cạnh đó, còn có máu đổ của những nạn nhân chiến tranh, bạo lực, đói khát và bất công.”[3]
KẾT:
Dù bậc sống có khác nhau: sống đời hôn nhân, tu trì hoặc độc thân; nhưng tất cả chúng ta đều là Kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô và thuộc về Ngài. Chúng ta noi gương Đức Maria, người Kitô hữu gương mẫu của việc tôn thờ, làm cho đời sống của con người thành một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Khi Mẹ trả lời sứ thần đến truyền tin: “Này tôi là nữ tỳ Chúa. Xin hãy thực hiện nơi tôi những điều ngài nói”[4] là Mẹ đã làm cho “ý Cha thể hiện” như lời Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha. Tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria, đối với tất cả mọi tín hữu, là một bài học và tấm gương tuân phục đối với ý muốn của Cha, là đường lối và là phương tiện cho việc thánh hóa của con người.[5]
[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/tuan-hanh-y-chua-le-dang-chua-giesu-trong-den-tho-chua-nhat-iv-thuong-nien-a/
[2] 2 Cor 4, 7
[3] Thư của Bộ Tu Sĩ nhân dịp cử hành ngày đời sống thánh hiến lần thứ XXVII (02.02.2023)
[4] Lc 1,38
[5] X. Tông huấn Marialis Cultus số 21
()