22.02.2023 – THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6,16-18
“…Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Mỗi lần đến viếng “Nhà Chờ Phục Sinh” của giáo xứ, tôi thường ngắm nhìn và suy nghĩ về “chỗ ngồi” của mọi người ở đó: một ông đại gia tầm cỡ trong xứ, giờ đây được xếp bên cạnh bà cụ neo đơn bán vé số; một cô bé bệnh đao đang nhoẻn cười bên cạnh một quý bà danh giá sang trọng… Tất cả đều bình đẳng với nhau, vì mỗi người chỉ còn là một nhúm tro trong một chiếc hộp cùng kích cỡ… Thế tại sao khi còn sống, họ khác biệt và xa cách nhau đến vậy?
Quả thật, chính sự khác biệt mới đưa đến xa cách. Vậy để xích lại gần nhau, cần thiết phải tìm được mẫu số chung với nhau: cùng từ tro bụi và sẽ trở về tro bụi. Đó là điều Giáo Hội nhắc nhở chúng ta khi tham dự nghi thức xức Tro trên đầu, để ý thức về thân phận yếu đuối và cái chết do tội lỗi của mình.
Trong Cựu Ước, khi muốn bày tỏ lòng khiêm nhường và sám hối trước mặt Thiên Chúa, người ta thường rắc tro trên đầu, xé áo tả tơi và khóc lóc than van, ăn chay cầu nguyện. Ngôn sứ Giô-en mời gọi Dân khi ăn chay “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng…”[1].
Thời Chúa Giêsu, những người đạo đức thích hay phô trương công đức để được người ta khen ngợi, kính nể, ngưỡng mộ… Nhưng nhiều khi đó chỉ là những cái giả dối bên ngoài mà thiếu tâm tình khiêm nhường, thiếu sự chân thật trước mặt Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thật với những gì ta có và nghĩ trong chính nội tâm của mình. Bởi tâm hồn mỗi người là cung thánh, là Đền thờ Thiên Chúa ngự, và Người thấu suốt mọi ý nghĩ, lời nói và hành vi của chúng ta.
Vì thế, cùng với việc ăn chay, Chúa Giêsu còn dạy ta làm việc bác ái và cầu nguyện, nhưng đừng phô trương công đức cho người ta thấy, mà chỉ cần một mình Thiên Chúa biết là đủ rồi, vì “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (cc.4.6.18).
Bác ái mà không phô trương đã khó, nhưng làm điều lành mà không tự hào còn khó hơn nhiều, nhưng đó lại là bí quyết đưa ta đi vào các bí mật của Thiên Chúa. Cầu nguyện là từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa, để tìm đến gần Chúa và làm mới lại mối tương quan của tôi với Chúa. Trai tịnh là một phương thức luyện tập chế ngự bản thân và huy động nội lực, giúp tâm hồn-thân xác trở nên nhẹ nhàng để có thể nếm cảm được sự cần thiết của lương thực thiêng liêng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thật lòng hoán cải và sám hối tội lỗi của mình.
Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi “chúng ta phải để Chúa Giêsu dẫn mình đi lối riêng, đưa lên cao và tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm…chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung…”. Tuy nhiên, ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là điều kỳ diệu và ngỡ ngàng, như ba môn đệ đã được nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên. Đó là lộ trình “Hiệp hành” mà chúng ta đang cùng bước đi với Giáo Hội với niềm xác tín sẽ được biến hình cả về phương diện cá nhân lẫn Giáo Hội.[2]
Mẹ Maria đã sống tinh thần chay tịnh trong sự vui tươi niềm nở với mọi người, nghe nhiều, nói ít, kiên nhẫn đón nhận nghịch cảnh… Nhờ quen hy sinh hãm mình và từ bỏ ý riêng, nên Mẹ mau mắn xin vâng ý Chúa, sống dưới cái nhìn của Chúa, chọn làm đẹp lòng Chúa hơn làm đẹp lòng người đời, kể cả gia đình, người thân của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ cũng luôn tận dụng mọi cơ hội để thực thi bác ái với tha nhân: giúp chị Elizabeth, đám cưới ở Cana…
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi âm thầm sống tinh thần chay tịnh, cầu nguyện và bác ái dưới cái nhìn của Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đồng hành với con suốt mùa Chay thánh này, để mọi tư tưởng, lời nói việc làm của con được thực hiện trong Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự nơi con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/jfLaY1)
[1] Ge 2,13
[2] X. https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-02/su-diep-mua-chay-nam-2023.html
()