19.6.2023 – THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mt 5,38-42
“Đừng chống cự người ác” (Mt 5,39)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine kéo dài cả năm rưỡi nay nhưng vẫn chưa đến hồi kết, dù đã sử dụng các loại vũ khí tối tân nhất và đã gây ra biết bao cái chết đau thương, bao nhiêu cảnh màn trời chiếu đất… Người ta đã suy nghĩ và đề nghị nhiều phương cách, nhưng ai sẽ là người thực hiện để có được nền hoà bình? Câu trả lời không chỉ thuộc về các bên đang tham chiến trên thế giới, nhưng là ở mỗi người chúng ta.
Thật vậy, mỗi người chúng ta hiện diện trong thế giới nên có ảnh hưởng hỗ tương với thế giới này. Thế giới không thể có hoà bình nếu lòng mỗi người chúng ta không bình an. Chính vì thế, Chúa Giêsu – Hoàng tử Hoà Bình – đã dạy chúng ta phương cách để có được bình an từ trong tâm hồn mình, đó là: “Đừng chống cự người ác” (c.39).
Hẳn chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên, vì theo lẽ thường, phải trừng trị kẻ ác để chặn đứng hoặc ngăn ngừa tội ác. Ngay từ thời ông Môsê, việc báo thù cân xứng không chỉ được phép, mà còn được ghi chép thành luật: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, với mục đích cho phép nạn nhân được bồi hoàn một cách thích đáng, nhưng cũng để ngăn chặn sự trả thù quá mức của người giàu có và quyền thế đối với người thấp cổ bé miệng.
Với Đức Giêsu, việc đáp trả những hành động tiêu cực của người khác phải đi đến tận cùng của sự bao dung, bằng cách phân biệt “sự ác” với “người làm sự ác”. Chúa Giêsu không dạy chúng ta cứ nhu nhược chịu đựng để cho cái ác thắng thế, nhưng Người dạy ta chủ động khước từ bạo lực, vì khi chống cự người ác là ta cũng bước vào cái vòng bạo lực như họ. “Khước từ bạo lực và tư lợi sẽ buộc Thiên Chúa ra tay bênh vực chúng ta”[1]. Người muốn đưa chúng ta đến chỗ “nhìn thấy Thiên Chúa” đang hoạt động trong đời mình. Noi gương Chúa Giêsu, các tông đồ đã kiên trì chịu đựng những gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả… và đáp lại bằng cách sống trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, thánh thiện, chân thành, lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ.[2]
Suốt tháng Sáu, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu với Trái tim rực cháy lửa yêu thương để dạy ta: “Đối ngoại hữu kỳ tâm. Đối nội vô tâm giả.” Khi dùng trái tim yêu thương để “đối ngoại” như Chúa, chúng ta không còn dành trái tim ấy để “đối nội”, không yêu chính mình và đòi quyền lợi cho mình nữa. Khi đó, ta sẽ dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi để cắt đứt vòng xoáy của hận thù và bạo lực. Có thế, ta mới thật sự bước theo Chúa Giêsu và nên giống Người.
Thánh tông đồ Phaolô cũng dạy chúng ta: “đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.”[3]
Đức Maria đã hiệp thông với Chúa cách trọn vẹn nhất trong sự tha thứ cho tất cả những ai gây đau khổ cho Mẹ và Con của Mẹ. Khi Hê-rô-đê tìm cách giết Hài nhi Giêsu, Mẹ đã cùng Thánh Giuse đưa Hài nhi qua Ai Cập. Dưới chân thập giá, Mẹ cam lòng nhận lưỡi gươm vô hình đâm thấu trái tim. Mẹ đứng đó lặng thầm, không phản kháng, hiệp thông với lời cầu nguyện sau cùng của Chúa Giêsu: “xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”[4] Giáo Hội vẫn kêu cầu Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình, Nữ Vương ban sự bình an, Đức Bà bào chữa kẻ có tội…
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Chúa Giêsu và Mẹ, tôi sẵn sàng tha thứ cho những ai gây đau khổ cho mình.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, để con cũng biết tha thứ cho người khác, như Chúa đã tha thứ cho con. Xin uốn nắn trái tim con nên giống trái tim của Chúa và Mẹ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Lời Chúa cho mọi người trang 47, phần chú giải.
[2] Bài Đọc I, 2Cr 6,1-10
[3] X. Rm 12,19-21
[4] Lc 23,34
()