fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 05.8.2023 – THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

05.8.2023 – THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 14,1-12  

 “Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an.” (Mt 14,10)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Trong Kinh Thánh, các ngôn sứ thường nhấn mạnh trách nhiệm của người cầm quyền trị nước: là người lãnh đạo, họ phải sống chính trực để dân noi theo. Vì tuyên sấm như lời Đức Chúa phán, ngôn sứ Giêrêmia đã bị các tư tế và ngôn sứ giả hiệu lên án chết. Nhưng các vị thủ lãnh và toàn dân đều nhận biết ngôn sứ Giêrêmia đã nói nhân danh Thiên Chúa, nên họ bênh vực ông và ông khỏi bị giết hại.[1] Nhưng Gioan Tẩy Giả – vị đại ngôn sứ thời Chúa Giêsu – đã không gặp may như Giêrêmia: ông Gioan không thể rao giảng sự công chính mà không lên án vua Hêrôđê về tội bất chính và loạn luân của vua.[2] Hậu quả là ông bị tống ngục.

Hêrôđê đầy quyền bính, nhưng lại là “nhà quản lý những nỗi sợ”: sợ dư luận, sợ mất uy tín-quyền lực, sợ sự thật, sợ đối diện với chính lương tâm của mình. Sau lưng nhà vua, còn có hai nhân vật can dự vào cái chết của vị ngôn sứ: bà Hêrôđia, chị dâu của Hêrôđê, một người phụ nữ lăng loàn và độc ác, dạy con làm điều sai trái, hãm hại người khác để không còn ai dám ngăn cản tội lỗi của bà. Salomê, con gái của Hêrôđia, trẻ trung, nhưng đã không biết sử dụng tài sắc của mình vào việc có ích, mà chỉ dùng để mua vui cho quyền lực, để tìm yên ổn hay lợi lộc cho bản thân, bất chấp điều ấy có hại đến bao nhiêu người khác.

Nhân một bữa tiệc vui, vì lỡ lời thề với con gái của Hêrôđia, và vì muốn giữ thể diện trước khách mời, Hêrôđê đã đánh đổi số phận của một vị ngôn sứ chỉ để làm vui lòng một vũ nữ. Khi giết Gioan Tẩy Giả, có vẻ vua là người thắng cuộc, nhưng thực ra, ông đã rơi xuống hố thẳm tội lỗi. Chính tòa án lương tâm làm cho vua bất an, đến nỗi khi nghe danh Chúa Giêsu, vua run sợ nghĩ rằng Gioan Tẩy Giả sống lại để hỏi tội mình.

Ngày nay, cũng có nhiều cái chết oan uổng, cách riêng là rất nhiều thai nhi vô tội bị chính cha mẹ chúng giết; cũng chỉ vì nỗi sợ mất thể diện, mất quyền lợi, sợ trách nhiệm, sợ hy sinh… và để trấn áp nỗi sợ, người ta nại ra nhiều lý do, lý lẽ để biện minh cho tội lỗi của mình. Cái chết của Gioan Tẩy Giả cho thấy tiếng nói Chân Lý luôn bị vùi dập bởi những đam mê tội lỗi, bởi sự thờ ơ, bàng quan của con người. Đam mê tội lỗi làm cho lòng người ra mù tối, từ đó họ trượt ngã từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về ơn gọi ngôn sứ của chính mình. Đức thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Hãy can đảm thay thế những nỗi sợ của bạn bằng giấc mơ: đừng là những nhà quản lý nỗi sợ, nhưng hãy là những doanh nhân của giấc mơ”[3] và hãy biến những giấc mơ ấy thành hiện thực. Đừng sống theo dục vọng và thỏa mãn mọi thú vui đời này như Hêrôđê, Hêrôđia và Salômê, nhưng hãy thực hành Lời Chúa, sống công bình chính trực và dám dùng cả mạng sống để bảo vệ Chân lý.

Đức Maria -“Nữ Vương các thánh tử đạo”, đã im lặng dưới chân thánh giá Chúa. Mẹ đứng vững chứ không ngã gục trước sự ác, vì Mẹ không cậy dựa vào quyền bính loài người, nhưng luôn xác tín: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”[4]

Khi trao sứ mạng cho thánh nữ Catherine Labouré để chị trình bày với cha giải tội, Đức Mẹ cũng dạy chị đừng sợ, cứ kiên trì và khiêm tốn, cho dù cha có la rầy và đuổi chị ra khỏi tòa giải tội đi nữa. Cuối cùng, Cha cũng đã nhận ra và làm điều Đức Mẹ muốn, là thành lập Hội Con Đức Mẹ và cho đúc Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn mà chúng ta có ngày nay.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ Maria, tôi luôn sống trong sự thật và bảo vệ sự thật trong mọi việc lớn nhỏ hằng ngày.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết sống tiết độ và nhất là biết can đảm làm chứng cho sự thật. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Gr 26,11-16.24

[2] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1677, phần chú giải.

[3] X. Tweet ngày 03.8.2023

[4] Kinh Magnificat.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *