fbpx

THÁNH MAC-TA – Lễ nhớ hằng năm: 29.7

 “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá !
Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
(Lc 10, 41-42)

Tại Nhật Bản, dưới chân núi Phú Sĩ có một khu rừng rộng 35 km2 tên là Aokigahara, quanh năm lá phủ rậm rạp với rất nhiều hang động, còn được biết đến với một tên khác là “Khu rừng tự sát”. Đây là nơi tìm đến của hàng trăm người mỗi năm để giải thoát bản thân bằng cái chết. Nghiêm trọng hơn, theo thống kê của Japantimes, khoảng 20.000 – 30.000 vụ tự tử diễn ra tại Nhật Bản mỗi năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, tỉ lệ người Việt mắc bệnh tâm thần chiếm khoảng 15 -20% dân số.

Tình trạng trên phản ánh phần nào sự tiêu cực của lối sống công nghiệp, mang nặng tính năng suất, hiệu quả, thành tích. Những mục tiêu, áp lực công việc, định kiến về thành công (nhưng thật sự lại không thành công chút nào)… đang đẩy một bộ phận không nhỏ các thành phần trong xã hội vào chỗ bế tắc, tuyệt vọng, và cuối cùng nhiều người trong số họ tìm đến cái chết như là một sự giải thoát.

Câu chuyện đón tiếp Chúa Giêsu của hai chị em Mac-ta và Maria, theo thánh sử Luca thuật lại trong chương 10 giúp chúng ta có cái nhìn khác và một lối thoát khác cho tình trạng này, một lối thoát “có hậu” !

Trên con đường đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường hay dừng chân tại nhà 3 chị em Mac-ta ở Bêtania. Được Chúa viếng thăm quả là một diễm phúc đối với bất kỳ ai, và chắc chắn không ai trong chúng ta là không bận bịu, tất bật để chuẩn bị đón Ngài với tất cả tấm lòng chân thành. Chị Mác- ta trong câu chuyện này phản ứng một cách rất đúng lẽ thường: chu đáo, khẩn trương đến độ than phiền với Chúa về việc người em Maria để mình phục vụ một mình và muốn kéo cả Maria vào việc với mình. Vậy thì ai là người tiếp chuyện vị khách quí này? Lời đáp của Chúa hẳn đã làm Mác-ta rất thất vọng: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi”.

Chúa Giêsu đã không nói việc chuẩn bị bữa ăn kia là xấu, là không tốt; nhưng nó  chưa phải là “phần tốt nhất”.

Giữa trăm công ngàn việc của cuộc sống đời thường, không thể làm hết được một lúc. Vậy thì “lúc này, tại đây”, chúng ta phải biết biện phân đâu là “phần tốt nhất” để chọn lựa và hành động.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, thời gian trước năm 1975, đang là Giám Mục giáo phận Nha Trang, rồi ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Saigon; nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở mới đã bị bắt và biệt giam… Ngồi trong tù, nghe tiếng chuông nhà thờ gần đó vang lên, ngài đau lòng và xót xa cho đoàn chiên của ngài bỗng dưng bị bỏ rơi, không người chăn. Trong khi đó, chủ chăn thì “ngồi không” trong tù… Ngài đau khổ vô cùng: “sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” làm tan nát quả tim tôi [1]. Không hiểu được ý Chúa muốn gì, ngài âm thầm cầu nguyện, lắng nghe và Chúa đã chất vấn ngài là lúc này, tại đây, ngài chọn Chúa hay công việc của Chúa?

Ngài đã hiểu, với niềm tin-yêu của một người con chỉ muốn làm vui lòng Cha của mình, ngài đã sống trọn vẹn giây phút hiện tại và chọn Chúa, “phần tốt nhất”, hơn công việc của Chúa, trong suốt 13 năm và đúng là đã “không bị lấy đi”. Ngài đã trở thành chứng nhân hy vọng của thời đại, cho mọi người, cho những anh chị em trong tù và cả những anh chị em “coi tù” và nay ngài đang trên con đường được Giáo Hội tuyên phong Chân Phước.

Hàng ngày, tất cả chúng ta, không nhiều thì ít, đều  đang bận bịu tìm kiếm những giá trị cho cuộc sống của mình: nào là công ăn việc làm, nào là đồng lương, nào là điểm số thi cử, là sự kính trọng, nở mày nở mặt…Tất cả những điều đó đều tốt, đều cần thiết cho cuộc sống con người; nhưng nó chưa phải là “phần tốt nhất”.

Vậy “phần tốt nhất” là gì?

Nhìn vào một tấm gương khác nữa là thánh Phanxicô Xaviê. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền quý ở Tây ban Nha, có kẻ hầu người hạ, và có nhiều ước vọng bay cao. Chàng thanh niên đầy tham vọng này tìm thăng tiến qua nẻo đường trí thức và đã trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần, qua người bạn là thánh I-nha-xi-ô, Phanxicô Xaviê gặp được câu Lời Chúa: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì[2]”. Cậu đặt tất cả lên cán cân giá trị: lời lãi trần thế rất nhiều mà đời sống linh hồn trống rỗng không có gì thì thật là lỗ vốn và cái cân mất thăng bằng. Vì thế, Phanxicô Xaviê đã dừng lại để suy nghĩ, lựa chọn và định hướng đời mình. Cậu đã chọn “phần tốt nhất” để có lợi cho đời sống với Thiên Chúa và lập lại thế quân bình cho mình.

 Không cho phép mình dừng lại ở cuộc sống quyền cao chức trọng, hưởng thụ, muốn gì được nấy nữa, nhưng Phanxicô Xaviê vẫn nuôi ước vọng vươn cao, như cá tính riêng của cậu. Tuy nhiên, thay vì đỉnh cao trần gian thì ngài vươn lên cao cùng với Thiên Chúa và như Thiên Chúa muốn. Ngày ngày, cậu đã dành thời giờ sống với Chúa, nói chuyện và lắng nghe Chúa, học hỏi giáo lý…Sau đó, trở thành linh mục của Chúa và qua sự hướng dẫn của thánh I-nha-xi-ô, ngài bôn ba khắp nơi loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi, miễn sao “cho vinh danh Chúa hơn”, theo tôn chỉ của Dòng Tên. 

Nhìn vào cuộc sống của chính mình: quá bận bịu với cơm-áo-gạo-tiền, làm chúng ta nhiều lúc quên đi bổn phận trên hết là thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta không dành thời giờ lắng nghe Ngài, quên đi những lời Ngài dạy. Chìm đắm trong công việc, học tập, giải trí… giúp chúng ta thăng tiến và phát triển con người bên ngoài, nhưng không thể khỏa lấp đi sự thiếu thốn lương thực thần linh nơi thâm sâu tâm hồn, vì những thứ đó không phải là “phần tốt nhất”. Vì thế, như một cơ thể bị kiệt sức bởi thiếu nguồn dinh dưỡng, tâm hồn chúng ta cũng mệt nhoài vì thiếu Chúa và đi vào bế tắc.

Lạy Chúa, qua lời Chúa dạy trong câu chuyện đón tiếp Chúa của hai chị em cô Mac-ta và Maria, chúng con đã hiểu chọn “phần tốt nhất” là trước tiên phải biết dành thời giờ riêng cho Chúa, để lắng nghe Chúa và nói chuyện với Chúa và làm việc bổn phận hằng ngày của mình nhưng làm một cách thánh thiện, nghĩa là tìm kiếm Chúa trong những công việc ấy, chứ không phải tìm thỏa mãn chính mình, cũng không phải để thấy công việc đó được làm và tự mãn với nó, vì nó. Xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm và làm như thế nào cho đẹp lòng Chúa ngay giây phút hiện tại này, và đó là lối thoát có hậu nhất cho chúng con và sẽ “không bị lấy đi”. Amen.


[1] ĐHY Phanxicô Nguyễn văn Thuận, năm chiếc bánh và hai con cá, trang 7
[2] Lc 9, 25

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *