fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 364 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 7

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN 

Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ sáu

THEO CHÂN ĐỨC KITÔ, ĐẤNG RAO GIẢNG TIN MỪNG

CHO NGƯỜI NGHÈO

 Hãy nhìn xem công việc chính yếu của Chúa chúng ta

 là làm việc cho người nghèo…

Chăm lo phần rỗi cho người dân nghèo ở miền quê, đó là điều chính yếu của ơn gọi chúng ta và mọi thứ khác chỉ là phụ, vì chúng ta sẽ không bao giờ làm tròn nhiệm vụ huấn luyện hướng đến các chức thánh, trong các chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ, nếu chúng ta chưa bao giờ xét thấy điều này là cần thiết để giữ gìn dân chúng và bảo tồn thành quả của các công cuộc truyền giáo khi có những giáo sĩ tốt, noi theo các nhà chinh phục lớn trong việc này, họ để lại những toán quân đồn trú ở các nơi họ chiếm đóng, vì sợ mất đi những gì họ đã chiếm được với biết bao khó nhọc. Chúng ta không hạnh phúc lắm sao, anh em thân mến, khi diễn đạt cho người ngây thơ ơn gọi của Đức Giêsu Kitô? Vì có ai diễn đạt cách sống của Đức Giêsu Kitô ở trần thế, tốt hơn các tu sĩ Truyền giáo?… Ôi! phúc cho ai, trong giờ chết, nói được các lời tốt đẹp này của Chúa chúng ta: Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó! Anh em thân mến, hãy nhìn xem công việc chính yếu của Chúa chúng ta là làm việc cho người nghèo… (XI, 133-135).

Điều đập vào mắt khi đọc đoạn văn này, đó là vai trò truyền giáo trội nhất của Đức Kitô.

Chúng ta đang ở trong môi trường ưu đãi của thánh Vinh Sơn, đó là: Trường phái linh đạo Pháp; trường phái này tập trung vào Đức Kitô. Vinh Sơn sống “mắt đăm đăm nhìn Đức Giêsu Kitô” như các thính giả ở hội đường Nazara. Mối bận tâm của ngài là Chúa Cứu Thế và ngài có những hình ảnh ấn tượng thích hợp để nuôi dưỡng việc suy gẫm của chúng ta: Chúa Giêsu là “sức mạnh của chúng ta“, “sự sống của chúng ta“, “lương thực của chúng ta” (VIII, 15); Người là nơi sống động tập trung tất cả các nhân đức: “đức khiêm nhường, hiền từ, sự nâng đỡ, lòng kiên nhẫn, sự cảnh giác, thận trọng và đức bác ái” (VIII,231); Người là “quy luật của Tu Hội Truyền giáo” (XII, 130), “sự ngọt ngào vĩnh cửu của loài người và thiên thần” (IV, 54), “cha chúng ta, mẹ chúng ta và tất cả của chúng ta” (V, 534), “sự sống của đời sống chúng ta và tham vọng duy nhất của tâm hồn chúng ta” (VI, 562), “bức tranh lớn vô hình mà ở trên đó chúng ta phải hình thành mọi hành động của chúng ta” (XI, 212). Và ngài kết luận với câu sau đây do người viết tiểu sử đầu tiên của ngài ghi lại: “Tôi chỉ vui lòng với điều gì có trong Đức Giêsu Kitô” (Abelly, L.I, 78). Không nghi ngờ gì nữa, gương Đức Giêsu Kitô là điều ngài gắn bó trong mọi lúc, là “quyển sách và gương soi của ngài”, theo cách diễn tả đẹp đẽ của Đức Giám mục Rodez (Abelly, L.III, 87).

Thánh Vinh Sơn viết cho một người anh em trong Tu Hội ghen tỵ về các thành quả mục vụ của một người anh em khác: “Phải chăng một linh mục phải chết vì xấu hổ vì nuôi tham vọng được nổi tiếng trong việc phục vụ Thiên Chúa và vì được chết trên giường, khi thấy Đức Giêsu Kitô thưởng các việc làm của mình bằng sự sỉ nhục và cây thập giá? Xin Cha hãy nhớ lại rằng, thưa Cha, chúng ta sống trong Đức Giêsu Kitô bằng cái chết của Đức Giêsu Kitô, và chúng ta phải chết trong Đức Giêsu Kitô bằng sự sống của Đức Giêsu Kitô, và sự sống của chúng ta phải được che giấu trong Đức Giêsu Kitô và đầy Đức Giêsu Kitô, và, để chết như Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải sống như Đức Giêsu Kitô” (I,294-295). Người ta thấy ở đây có một sự thông đồng thật sự với Pascal, người đương thời với ngài, bằng cách sử dụng chung từ ngữ rất chính xác về đối tượng ước ao duy nhất và áp dụng chung của hai người. Pascal lập luận như sau: “Không những chúng ta chỉ biết Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, mà chúng ta còn chỉ tự biết mình qua Đức Giêsu Kitô; chúng ta chỉ biết sự sống, sự chết, qua Đức Giêsu Kitô. Ở ngoài Đức Giêsu Kitô, chúng ta không biết sự sống của chúng ta là gì, sự chết của chúng ta là gì, hay Thiên Chúa hay chính chúng ta là gì” (Lafuma, 417). Người này triết lý hơn, người kia tâm linh hơn nhưng cả hai đều suy niệm và đắm chìm trong sự chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh.

Đức Kitô ở trung tâm linh đạo Vinh Sơn và cũng ở trung tâm chiến thuật truyền giáo của ngài.

Trước hết, chúng ta chỉ là những người tiếp nối Đức Kitô, còn Người là tác nhân chính và nhà Truyền giáo của Chúa Cha. Người là Đấng Thiên Sai. Trong số các đoạn trích Phúc Âm ít ỏi mà chúng ta còn giữ lại của ngài, Vinh Sơn dùng tám lần đoạn trích này từ thánh Luca, chương IV, câu 8: “Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”. Ngài được đánh động bởi Chúa Giêsu Cứu Thế. Ngài cảm thấy cũng được giao sứ mạng này. Ngài cũng muốn làm người giải phóng: “Chúng ta ở trong ơn gọi này rất đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng, dường như vậy, đã làm phần việc chính của Người, khi đến thế gian, là cứu giúp và săn sóc người nghèo: “Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”. Và nếu người ta hỏi Chúa chúng ta: “Chúa đã xuống trần gian để làm gì?- Để cứu giúp người nghèo.- Còn gì khác nữa không?- Để cứu giúp người nghèo“, v.v.” (XI, 108). Vì thế, chúng ta dứt khoát là người truyền giáo theo chân Đấng Truyền giáo duy nhất và hoàn hảo. Phúc Âm là lời cốt yếu phải loan báo cho người nghèo: “Đó là công việc chính của chúng ta” (X, 203). Vì thế, không được làm cẩu thả công việc này.

Trước hết, tư tưởng phải rõ ràng và được tinh luyện trong sự chiêm ngắm các mầu nhiệm phúc âm. Một khi làm xong việc sáng tỏ này, phần còn lại chỉ là vấn đề trình bày. Nhất là không dùng những lời to tát, thánh Vinh Sơn tránh sử dụng những câu hoa mỹ và những từ bóng bảy rất được mến chuộng vào thời ấy! Ngài khuyên dùng “phương pháp nhỏ“, bởi vì “đó là phương pháp mà Con Chúa đã sử dụng để loan báo cho loài người Tin Mừng của Người” (XI, 265). Vượt lên trên phương pháp máy móc: bản chất, động cơ, phương tiện, mà ngày nay làm cho người ta mỉm cười, Vinh Sơn chủ trương một diễn từ đơn giản, cụ thể, quen thuộc, tầm thường. Người loan báo phải coi chừng đừng “ngụy trang và bóp méo Lời Chúa” (XI, 285). Ai không nhận thấy tính thời sự của một sự khuyên bảo thiết thực như thế?

“Chị cho tôi xin chút nước uống! (Ga 4,7)

Bởi vì Tu Hội Truyền giáo hướng về người nghèo, nên phương pháp này chỉ dành cho kẻ bé nhỏ, người đơn sơ, kẻ khao khát Chúa, chứ không phải cho những nhà duy mỹ cạn nguồn hứng văn chương. Và đây, Cha Vinh Sơn nhấn mạnh đến gương mẫu của các gương mẫu: “Chúa chúng ta đến ngồi trên hòn đá gần giếng nước… bắt đầu dạy người phụ nữ bằng cách xin chị nước. “Xin chị cho tôi nước”, Người nói với chị ấy. Vì thế, anh em hãy hỏi thăm người này, rồi người kia: “Nè! Các con ngựa của ông khoẻ không? Cái này tốt không? Cái kia tốt không? Ông khoẻ không?” (XI, 383).

Cuộc sống là mối quan tâm đầu tiên của nhà truyền giáo chân chính. Ngài nói về đời sống hằng ngày, các biến cố, hoàn cảnh của từng người, các nhu cầu của mỗi người, các mối bận tâm của mỗi người, những ước ao cụ thể của mỗi người. Từ từ, như Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samari, chúng ta đi từ cái cụ thể đến cái bí nhiệm, từ cái được thấy đến cái được ước ao, từ dáng vẻ bề ngoài đến cái hữu thể.

(Còn tiếp)

  ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *