19ẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM
Ngày thứ mười
NGUYỆN GẪM,
LINH HỒN CỦA HÀNH ĐỘNG
Lạy Chúa, là Cha ánh sáng,
xin dạy con biết phải làm gì trong cuộc gặp gỡ này!
Một điều quan trọng, mà Cha phải chăm chú làm một cách kỹ lưỡng, đó là thông hiệp mật thiết với Chúa chúng ta trong việc nguyện gẫm; nguyện gẫm chính là bình chứa mà ở đó Cha sẽ tìm thấy các lời chỉ dạy cần thiết để chu toàn công việc mà Cha sắp lãnh nhận. Khi Cha có điều gì nghi ngờ, hãy chạy đến thưa với Chúa: “Lạy Chúa, là Cha ánh sáng, xin dạy con biết phải làm gì trong cuộc gặp gỡ này“… Cha còn phải nhờ nguyện gẫm để xin Chúa chúng ta cho biết các nhu cầu của những người mà Cha sẽ hướng dẫn. Hãy tin chắc rằng Cha sẽ gặt hái được nhiều thành quả bằng cách này hơn bất cứ cách nào khác… Đức Giêsu Kitô, phải là gương mẫu của tất cả mọi sự hướng dẫn của Cha, vì Chúa không chỉ bằng lòng với việc dùng các bài giảng, các việc làm, các việc ăn chay, máu thánh và ngay cả cái chết của Người; nhưng ngoài ra, Người còn dùng thêm việc nguyện gẫm. Người không cần điều này cho chính mình; vì việc nguyện gẫm là dành cho chúng ta nên đã biết bao nhiêu lần Người cầu nguyện, và để dạy chúng ta cũng biết cầu nguyện như vậy, cho những ai liên quan đến chúng ta, cũng như cho những ai liên quan đến những người mà chúng ta, cùng với Chúa, phải cứu họ (XI, 344-346, Thư gửi Cha Antoine Durand).
Thiên Chúa, Nước Trời, người nghèo. Làm sao đi tới tận cùng con đường hết sức cao cả như thế? Vinh Sơn chỉ có một bí quyết: đó là nguyện gẫm. Đối với ngài, nguyện gẫm là đam mê của đời ngài, “trung tâm của lòng sùng kính“. Khi ngài nói đến đề tài này, mà rõ ràng ngài hết sức quan tâm đến, ngài như có một phản xạ điều kiện hóa và ngài dùng những hình ảnh diễn tả các yếu tố cần cho sự sống như thể muốn truyền đạt tầm quan trọng, thậm chí sự cần thiết tuyệt đối của nguyện gẫm; nguyện gẫm là “linh hồn“, “không khí“, “lương thực“, “sương“, “bình chứa”, “suối nước cải lão hoàn đồng”, “mặt trời”, “bánh mì hằng ngày”, “vườn ươm”. Chúng ta biết câu nói nổi tiếng của ngài có tính áp đặt ngay lập tức vì nó quá mạnh: “Hãy cho tôi một người nguyện gẫm và người ấy sẽ làm được tất cả mọi sự” (XI, 83). Vừa rồi, ngài đưa ra những chỉ thị thiêng liêng cho một người anh em trẻ, Cha Antoine Durand, được bổ nhiệm làm bề trên ở Agde khi mới 27 tuổi và phải lãnh đạo một giáo xứ, một đại chủng viện và một nhóm Cha Truyền giáo. Cha có thể hoặc tự phụ, hoặc bị đè bẹp bởi gánh nặng. Vị thầy và bạn của Cha khuyến khích Cha bằng phương pháp cầu nguyện cao cả này và bằng nguyên tắc nảy sinh từ đó, “gương Chúa Giêsu Kitô“. Vì không thể có cái này mà không có cái kia.
Nguyện gẫm. Mỗi ngày. Trong một giờ. Chỉ thị nằm ở đó, hầu như ám ảnh chúng ta và siêu việt hóa thời gian để đến với chúng ta và phi tư sản hóa chúng ta về mặt thiêng liêng. Vì rõ ràng có nguy cơ “dửng dưng” hoặc chán ngấy trong lúc nguyện gẫm. Một ngày nọ vào năm 1648, ngài nói với các Nữ Tử Bác Ái: “Đừng ra khỏi nơi đó, vì nguyện gẫm tuyệt hảo đến nỗi không bao giờ có thể cho là nguyện gẫm quá mức” (IX, 414).
Trước hết, chúng ta chiêm ngưỡng ngài trong trạng thái cầu nguyện. Ngài cầu nguyện tự phát: “Ôi lạy Thiên Chúa là Chúa của con, xin Chúa vui lòng làm sợi dây nối kết tâm hồn chúng con” (III, 239); “Ôi lạy Thiên Chúa của con, chúng con tận hiến cho Chúa” (IX, 26); “Ôi lạy Thiên Chúa của con, chúng con tận hiến cho Chúa để thực hiện ý định của Chúa trên chúng con” (IX,127). “Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô, người yêu lớn nhất của tất cả mọi người…” (IX, 298). Văn phong cảm thán, ngôn ngữ của trái tim! Và mệnh lệnh của nó dứt khoát:
“Ơn kêu gọi gắn chặt vào nguyện gẫm; và ơn nguyện gẫm gắn liền với ơn lúc thức dậy. Vì thế, nếu chúng ta trung thành với hành động đầu tiên này, nếu chúng ta cùng nhau đặt mình trước mặt Chúa và cùng nhau trình diện với Chúa, như các kitô hữu đầu tiên đã làm, thì Người sẽ hiến mình lại cho chúng ta, Người sẽ làm cho chúng ta rạng rỡ bằng ánh sáng của Người và đích thân Người sẽ thực hiện nơi chúng ta và qua chúng ta các lợi ích mà chúng ta có nghĩa vụ thực hiện trong Hội Thánh Người; cuối cùng, Người sẽ ban ơn cho chúng ta đạt tới mức độ trọn lành mà Người ước ao nơi chúng ta, để một ngày kia chúng ta có thể sở hữu được nó một cách viên mãn mãi mãi đến muôn đời” (III, 539).
Nơi đây, trong giờ nguyện gẫm hằng ngày này, với Tình Yêu cư ngụ trong chúng ta, chúng ta học biết thực hiện các ý muốn của Chúa. “Chính ở đây mà Chúa chiếm hữu hoàn toàn các trái tim và các linh hồn” (IX, 421).
Nguyện gẫm phải nhắm tới thực hành:
“Phải đi xuống tới cái riêng biệt, cụ thể“
Nhất là chúng ta phải bước sang hành động, điều mà thế kỷ XVII gọi là: “quyết tâm”. Đây là phần chính yếu của việc nguyện gẫm: phải thay đổi đời sống, đổi thái độ, cách sống và hành động của mình, phải hoán cải. Nguyện gẫm phải nhắm tới thực hành: “Phải đi xuống tới cái riêng biệt, cụ thể“ (XI, 301 và II, 190), như thánh Phanxicô Salêsiô gợi ý, cam kết loại bỏ một khuyết điểm cụ thể, rõ ràng, hoặc đạt được một nhân đức, từng chi tiết, từng yếu tố. Một bước nhỏ mỗi ngày, kiểm tra và bổ sung tùy theo tình trạng của bệnh nhân.
Như thế, cần phải liên kết đời sống. Nguyện gẫm là động cơ của hành động, nơi tốt nhất để kiểm tra việc điều hành đời sống hằng ngày của mình. Và Vinh Sơn cho thấy điều này một cách rõ ràng xuyên qua điều mà truyền thống Vinh Sơn gọi là “phương pháp của ông chủ tịch“(nghĩa là trước mặt Chúa, trong khi nguyện gẫm, nghĩ đến những việc mình sẽ làm, những người mình sẽ gặp…): “Tôi phải nói với anh em trong vấn đề này rằng một hôm, tôi đã hưởng lợi rất nhiều từ tấm gương ông chủ tịch, khi ông tĩnh tâm, cách đây khoảng một năm, tại nhà chúng ta. Khi bàn với tôi về sự xét mình nhỏ của ông về quy luật sống của mình, ông nói với tôi rằng, nhờ ơn Chúa, ông nghĩ đã không bỏ nguyện gẫm hai lần. “Nhưng, Cha có biết tôi cầu nguyện như thế nào không? Tôi dự kiến phải làm gì trong ngày và từ đó tôi đưa ra những điều tôi quyết tâm sẽ thực hiện. Tôi sẽ đi hoàng cung; tôi có một vụ kiện để biện hộ; có lẽ tôi sẽ thấy một người có thế giá nào đó, với sự giới thiệu của người này nghĩ rằng sẽ có thể mua chuộc tôi; nhờ ơn Chúa, tôi sẽ rất đề phòng. Có lẽ người ta sẽ tặng cho tôi một món quà có thể làm cho tôi rất vui; ôi! tôi sẽ không lấy đâu. Nếu tôi muốn cự tuyệt điều gì, thì tôi sẽ nói cho người ấy biết một cách dịu dàng và thân ái.”
Nào! các con thân mến, các con thấy cách nguyện gẫm này như thế nào?… Các con có thể nguyện gẫm bằng cách này, là cách tốt nhất; vì nguyện gẫm không phải để có những tư tưởng cao siêu, hoặc những lần xuất thần và ngây ngất, có hại hơn có lợi, mà là chỉ để làm cho các con trở thành Nữ tử Bác ái thật tốt và hoàn hảo. Các điều quyết tâm của các con phải là: “Tôi sẽ đi phục vụ người nghèo; tôi sẽ cố gắng đi tới đó một cách khiêm tốn vui vẻ để an ủi và nêu gương; tôi sẽ nói chuyện với họ như với các vị chúa của tôi”…” (IX, 29-30).
Có ai nói hay hơn không? Các tư tưởng cao siêu thì đáng nghi ngờ. Còn các lời hứa nói ra và giữ được là những gương mẫu. Chúng được đặt để trong Chúa, Ánh sáng của tâm hồn chúng ta: “Lạy Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô, con van xin Chúa ban phát cho chúng con dồi dào ơn nguyện gẫm, để nhờ biết Chúa, chúng con có thể đạt được tình yêu Chúa” (IX, 428).
(Còn tiếp)
()