fbpx

KÍNH NHỚ ĐỨC MARIA DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

CÙNG MẸ DÂNG MÌNH CHO THIÊN CHÚA

KÍNH NHỚ ĐỨC MARIA DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Lễ mừng hằng năm: 21.11

Đức Maria tự hiến chính mình cho Thiên Chúa

 như một trang giấy trắng…

Theo truyền thống Giáo Hội, mỗi ngày ba lần, hồi chuông từ các nhà thờ báo tin Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Maria được vang lên. Các Kitô hữu đó đây dừng lại đôi phút trong thinh lặng để “thờ lạy và cảm tạ Chúa vì Người đã xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta”[1], kèm theo lời kinh: “…Này tôi là tôi tá Đức Trời, tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền…[2]

Lời kinh đơn sơ, vắn gọn này nhắc lại một biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử loài người và mang tính quyết định của lịch sử cứu độ. Đó chính là câu trả lời của Đức Maria trước lời mời gọi của Thiên Chúa. “Nó biểu trưng cho tột đỉnh của mọi thái độ đạo hạnh trước Thiên Chúa, bởi vì nó diễn tả ở mức cao nhất, cả sự tự nguyện thụ động vừa sự sẵn sàng chủ động, sự trống vắng sâu thẳm nhất kèm với sự sung mãn nhất[3].

Như thế, chúng ta có thể hình dung Đức Maria tự hiến chính mình cho Thiên Chúa như một trang giấy trắng, trên đó Người có thể viết bất cứ điều gì Người muốn.[4]

Giáo Hội kính nhớ sự dâng mình này của Đức Maria vào ngày 21 tháng 11 hằng năm. (Chúng ta cần phân biệt sự kiện này với việc Đức Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, 40 ngày sau lễ Giáng Sinh: Lc. 2, 22-28 và được cử hành trong phụng vụ ngày 02 tháng 02 hằng năm).

Nguồn gốc lễ Đức Maria dâng mình

Lễ này xuất phát từ Giêrusalem, khoảng giữa thế kỷ thứ 6, sau đó đã được phổ biến rộng rãi bên Phương Đông theo Kitô giáo. Trong đế quốc Rôma bên phương Đông, có những chứng tích về việc Đức Maria dâng mình trong Đền thờ từ thế kỷ VIII. Sau đó, lễ Đức Mẹ dâng mình tràn sang Phương Tây và trở nên rất phổ biến, do lòng sùng mộ dâng cao đối với Đức Maria nơi giáo dân trong suốt thời Trung Cổ, nhất là từ thế kỷ XI, sau khi quyển Tin Mừng tiên khởi đã được dịch từ tiếng Hy lạp sang tiếng La Tinh.

Lễ phụng vụ kính Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ được trình cho Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI (1370-1378, người Pháp), tại Avignon (thời đó các giáo hoàng sống tại Pháp) và được du nhập vào lịch của điện giáo hoàng tại đó, ngày 21 tháng 11 năm 1372. Đến năm 1568, lễ này bị Đức thánh Giáo hoàng Piô V (1566-1572), dòng Đa Minh, gạch khỏi lịch Rôma vì thấy nguồn gốc sự tích Đức Mẹ tiến lên Đền thờ đầy những chi tiết huyền hoặc. Đến năm 1585, lễ này lại được ĐGH Sixtô V (1585-1590) tái nhập vào lịch phụng vụ, sau khi loại bỏ những chi tiết truyền kỳ, và được long trọng nới rộng trên toàn thể Giáo Hội.

Ý nghĩa của lễ Đức Maria dâng mình

Ngày nay, ta phải nghĩ gì về lễ này, mà đã được tha thiết yêu mến trong đời sống của nhiều linh mục, tu sĩ và những người sống đời thánh hiến nói chung? Liệu có nên tiếp tục mừng kính lễ này hay chăng? Xin thưa, chắc chắn là nên, nhưng theo ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của nó. Như đã nói ở trên, việc dâng mình của Đức Maria không chỉ diễn ra ở một thời điểm nhất định nào trong cuộc sống của Mẹ mà toàn bộ đời sống của Mẹ “như một trang giấy trắng” được hoàn toàn hiến dâng cho Chúa, vì TÌNH YÊU, để NGÀI tùy ý viết lên đó những gì NGÀI muốn. Mừng lễ này là vinh danh thái độ sẵn sàng của Đức Thánh Trinh Nữ đối với thánh ý Thiên Chúa. Tâm hồn của Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Và như thế, Đức Maria dạy cho tất cả các môn đệ của con Ngài biến toàn thể đời sống mình thành một của lễ thường hằng dâng lên Vinh Quang Thiên Chúa.

“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,

 xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”

Hội Thánh sẽ vẫn tiếp tục mừng kính lễ này để nói lên sự thánh thiện của Đức Maria ngay từ khi còn tấm bé. Đức Maria là Đấng vô nhiễm nguyên tội, ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa. Chính vì thế, trong cuộc Truyền Tin sau này, ngài đã trả lời sứ thần Gabriel không chút do dự: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”[1].

Mẫu gương của Đức Maria chất vấn mỗi người chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng chu toàn trong đời sống mình Thánh Ý Thiên Chúa được biểu lộ qua những con người và hoàn cảnh, các biến cố xảy ra, trong đời sống cầu nguyện riêng tư hay qua việc đồng hành thiêng liêng. Ước gì gương sáng của Đức Trinh Nữ Maria thu hút chúng ta biết cùng với Mẹ dâng mình cho Chúa trong mọi nơi, mọi lúc (không luôn có nghĩa là phải đi tu). Chính thánh Phao lô đã khẳng định: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.[2]

Như vậy là chúng ta đang bước theo Chúa Giêsu và trở thành chứng nhân của Ngài như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy cho phép Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn một mầu nhiệm riêng có thể phản chiếu Chúa Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay[3].   

[1] Lc 1, 38

[2] Rm 12,1

[3] ĐTC Phanxicô, TH. Hãy vui mừng hoan hỷ, số 23

[1] TVS, Bài nói chuyện ngày 06.10.1658

[2] Kinh Truyền Tin

[3] H. Schurmann, Das Lukasevangelium, Freiburg in Br., 1982, ad loc.

[4] X. Lm. Raneiro Cantalamessa, chuyển ngữ: Lm Phêrô Nguyễn văn Hương, Đức Maria, Nữ tỳ của Chúa, trang 15-16. ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *