fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 14.08.2024 – THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

14.08.2024 – THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Mt 18,15-20

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội,
thì anh h
ãy đi sửa lỗi nó,
một mình anh với nó mà thôi.”
(Mt 18,15)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Một học sinh trong lớp bị mất chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp. Thầy giáo cho cả lớp đứng úp mặt vào tường. Thầy đi soát túi từng em một. Hết một vòng, thầy đưa chiếc đồng hồ được tìm thấy cho học sinh bị mất, nhưng không nêu tên em nào đã lấy cắp. Nhiều năm sau, người học trò cũ tình cờ gặp lại thầy và cám ơn vì “Thầy đã cứu vớt danh dự cho em”, nhưng thầy không nhớ được chuyện gì. Người trò cũ mới kể lại chuyện mình đã lấy cắp chiếc đồng hồ ngày ấy. Thầy nói: “Thầy không thể nào nhớ được, bởi vì khi thầy soát túi các em, thầy cũng… nhắm mắt!”[1]

Người thầy trong câu chuyện trên đã thực hiện đúng lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi…” (c.15). Vì mỗi người là một phần tử trong cộng đoàn, gia đình và xã hội, nên mọi việc tốt/xấu của ta đều có ảnh hưởng đến tha nhân và ngược lại. Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện và học nơi Chúa Giêsu lòng nhân hậu, khoan dung, kiên nhẫn khi góp ý sửa lỗi cho anh chị em mình. Chúa Giêsu không bao giờ kết án tội nhân, nhưng Người luôn đón nhận và mở cho họ một con đường sống. Người biến đổi số phận con người tội lỗi chúng ta nên thanh sạch; từ tội nhân trở thành thánh nhân.

Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần được tha thứ. Trước mỗi thánh lễ, ta được mời gọi đặt mình trước mặt “Thiên Chúa Toàn Năng và anh chị em”, để thấy rõ “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và việc làm” và “xin Chúa thương xót chúng con!” chứ không nói: “Xin Chúa thương xót người người này, người kia…” Chính thánh Phaolô cũng khiêm tốn nhìn nhận: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối?[2] Chúng ta vừa ý thức mình còn nhiều thiếu sót mà luôn phải sám hối, canh tân; đồng thời cũng phải có trách nhiệm góp ý, nhắc nhở nhau vì ích lợi cho linh hồn của họ và không để gây gương xấu làm ảnh hưởng đến cộng đoàn.

Cha mẹ cần sửa dạy con cái, phân tích cho chúng biết điều đúng/sai để chọn lựa hoặc xa tránh. Người có trách nhiệm phải nhắc nhở những người dưới quyền mình vì đó là bổn phận trước mặt Chúa: “nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác đó biết, để nó từ bỏ lối sống xấu xa, thì nó sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.”[3] Tuy nhiên, sửa lỗi cho người đó với tình yêu, và sửa lỗi vì mình bị tổn thương do người có lỗi gây ra, nghĩa là đụng tới “cái tôi”, hoàn toàn khác nhau và trường hợp thứ hai thường phản tác dụng. Ta chỉ nên sửa lỗi sau khi đã cầu nguyện để xin Chúa ban ơn cho cả ta và người có lỗi, Chúa chọn đúng thời đúng lúc, vì ân sủng có thời điểm của nó. Ngược lại, nếu ta được người khác góp ý, hãy khiêm tốn nhận lỗi và chân thành sửa đổi.

Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, Đức Maria đã chứng kiến tất cả những cực hình người ta dành cho Chúa Giêsu và trái tim của Mẹ đã phải tan nát. Mẹ biết các tông đồ đều bỏ trốn, kẻ thì bán Thầy, kẻ thì chối Thầy… nhưng Mẹ vẫn rộng tình đón nhận khi các ông quay trở về, không một lời trách mắng. Sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ trong nhà tiệc ly là lời nhắc nhở và động viên các Tông đồ hãy vững tâm, đứng lên và bước ra khỏi lo âu, sợ hãi, khỏi mặc cảm tội lỗi để can đảm loan báo Tin Mừng. Trong nhiều lần hiện ra, Mẹ luôn yêu thương sửa dạy con cái mình trong sự chân thành và trìu mến. 

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ Maria, tôi cảm thông với những yếu đuối của tha nhân và nói sự thật trong đức ái khi cần thiết.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con biết khiêm tốn, chân thành góp ý và đón nhận lời góp ý của người khác để cùng nhau sống tốt hơn. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. https://giadungnhaviet.com/cau-chuyen-ve-nguoi-thay-va-chiec-dong-ho/

[2] 2Cr 11,29

[3] Ed 3,18

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *