28.09.2024 – THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
Lc 9,43b-45
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, Phụng Vụ Lời Chúa trong Bài Đọc I được trích từ sách Giảng Viên, ông Cô-he-lét cho chúng ta một cái nhìn về thực tại trong vũ trụ này, đó là “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời”.[1] Chính vì thế, người khôn ngoan là người biết sống cho hợp thời, đúng lúc, biết vui hưởng tuổi xuân cũng như biết chuẩn bị cho tuổi già và cả cái chết trong sự quan phòng của Thiên Chúa.[2]
Muốn cho các môn đệ trở nên khôn ngoan thật, Chúa Giêsu tận dụng mọi cơ hội giúp các ông đón nhận cuộc khổ nạn sắp xảy đến với Người. Biến cố kinh hoàng ấy sẽ ảnh hưởng hết sức nặng nề đến đức tin và tương lai của các ông, cũng như cho Giáo Hội mà Người vừa thiết lập. Chắc chắn các ông sẽ bị bất ngờ và khủng hoảng nếu không được chuẩn bị trước.
Vì thế, ngay khi ông Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Đức Giêsu đã tiên báo cuộc thương khó để các ông hiểu con đường cứu độ của Người.[3] Nhưng các môn đệ vẫn không hiểu. Người lại hiển dung cho ba môn đệ thân tín thấy vinh quang thật của Người, để các ông được vững đức tin.[4] Sau đó, Chúa Giêsu trừ quỷ ô uế và chữa lành bệnh động kinh cho một cậu bé, khiến các môn đệ và mọi người đều kinh ngạc, thán phục, trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.[5] Đang lúc ấy, Chúa Giêsu gọi riêng các ông lại và căn dặn hết sức cương quyết: “Phần anh em hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c.44). Như những quả bóng bị xì hơi, các ông hoang mang, hụt hẫng: Sao lại có thể như thế được?…
Các ông không dám đối diện với sự thật quá đỗi khủng khiếp sẽ đến với Thầy: Thầy sẽ bị bắt, bị nộp, bị tra tấn và sỉ nhục, bị kết án và hành hình. Sao Thầy không dùng quyền năng để cứu độ trong vinh quang, mà lại chọn con đường khủng khiếp như thế? Nhưng “Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy” (c.45). Quả thật, đau khổ là một mầu nhiệm không thể tránh khỏi và cũng không dễ đón nhận. Nhưng Chúa Giêsu đã đón nhận và sống tận cùng mầu nhiệm đau khổ ấy bằng con đường thập giá, để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Chỉ sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ mới hiểu được kế hoạch khôn ngoan và đầy yêu thương ấy của Thiên Chúa. Các ngài đã can đảm đón nhận mọi khó khăn thiếu thốn và bách hại một cách vui vẻ, vì được nên giống Thầy.
Ai trong chúng ta cũng sợ đau khổ, nhưng đó là điều không ai có thể tránh được. Người khôn ngoan luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận ý Chúa qua mọi sự xảy đến trong cuộc sống. Điều cần thiết là tập luyện sống đức tin vững chắc vào tình thương quyền năng của Thiên Chúa, để có thể đương đầu với mọi nghịch cảnh.
Những lời của Sứ thần quả là khó hiểu và khó đón nhận với Đức Maria: Làm sao Mẹ có thể cưu mang Con Thiên Chúa? Giuse sẽ phản ứng thế nào? Luật sẽ xử ra sao?… Mẹ vẫn can đảm hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào…?” và khi hiểu được đôi chút, Mẹ đã tin và không ngần ngại dấn thân. Mẹ đã phải đau khổ rất nhiều vì và với Chúa Giêsu cho đến lúc ôm xác Con trong vòng tay, Mẹ mới hiểu trọn vẹn mầu nhiệm thập giá. Mẹ vẫn luôn đồng hành với mỗi người chúng ta trong hành trình đức tin hôm nay.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi đón nhận những khó khăn trong cuộc sống như cơ hội để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa và làm cho tình yêu Chúa trong tôi mỗi ngày được lớn lên.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết đón nhận và kết hợp những thập giá trong đời con với thánh giá cứu độ của Chúa Giêsu như Mẹ. Chớ gì tình yêu thúc đẩy con khao khát chịu đau khổ với Chúa và vì Chúa, để con được nên giống Chúa và theo Chúa sát hơn. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Gv 3,1
[2] X. Bài Đọc I, Gv 11,9-12,8
[3] X. Lc 9,22
[4] X. Lc 9,28-36
[5] Lc 9,42b