fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BẢY TUẦN THỨ NHẤT MÙA THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2,13-17)

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong xã hội Do thái, người thu thuế bị coi là tội lỗi vì cộng tác với ngoại bang, và vì họ thường thu nhiều hơn mức ấn định để kiếm lợi. Do đó, họ bị xem như đồng hàng với “bọn đĩ điếm”, là thứ cặn bã của xã hội.

Thế nhưng, Thiên Chúa là Người Cha giầu lòng thương xót, nên cho dù tội lỗi đến đâu đi nữa, họ vẫn được Chúa yêu thương. Cho dù con người tội lỗi đã rời xa Ngài, thì vì yêu thương, Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cùng sống với, cảm thông và chia sẻ thân phận của con người. Chúa đến và đồng hành với người tội lỗi, đồng bàn với họ. Ngài là vị Lương y thấu hiểu từng nỗi đau và Ngài đến để băng bó, để chữa lành những thương tích trong tâm hồn họ. Vì Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Cũng thế, khi kêu gọi một người thu thuế như Lêvi vào nhóm môn đệ của Ngài, Đức Giêsu đã tuyên bố: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (c.17)

Đúng là Thiên Chúa không muốn người tội lỗi phải chết. Ngài muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Nhưng Ngài luôn tôn trọng tự do của con người: Ngài mời gọi, và để họ có quyền chọn lựa theo Ngài hay từ chối. Lê vi đã được Chúa kêu gọi và may mắn thay! ông đã bỏ lại mọi sự, đoạn tuyệt với tội lỗi và gia nhập đoàn môn đệ của Chúa. Ông đã cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành cho ông. Ngài thấu hiểu nỗi lòng của ông khi bị mọi người xa lánh, với sự khao khát chân thành muốn được thay đổi… Chúa đã đến cư ngụ trong nhà và lấp đầy mọi thiếu thốn trong lòng ông mà trước đây tiền bạc không lấp được.

Ánh mắt cảm thông của Chúa đã chinh phục Lêvi và biến đổi ông thành Tông đồ, thành người viết sách Tin Mừng để lại cho muôn thế hệ. Những Lêvi ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều: những người sống trong tình trạng tội lỗi công khai như rối vợ, rối chồng, cho vay nặng lãi, nghiện ngập, bài bạc… Họ cũng đang mong đợi những ánh mắt cảm thông, khích lệ và mời gọi họ đứng lên, ra khỏi tình trạng tội lỗi để được sống trong gia đình của Chúa. Lời Chúa hôm nay chất vấn tôi về ánh mắt của chính mình: Tôi đã nhìn những anh chị em ấy với ánh mắt khinh thường của đám đông, hay ánh mắt cảm thông của Chúa? 

Chúa Giêsu đã đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của thân phận con người. Ngài mời gọi và mong đợi chúng ta trở về để Ngài tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Hôm nay, Chúa vẫn nhìn chúng ta như Người đã nhìn Lêvi. Chỉ cần chúng ta đừng né tránh cái nhìn của Chúa, cái nhìn của Sự Thật trong chính lương tâm của chúng ta để trở về với Ngài. Chỉ khi nào chính tôi nhìn nhận mình đầy yếu đuối, bất toàn, nhưng được Chúa tha thứ và yêu thương, tôi mới dễ dàng nhìn người anh chị em với ánh mắt cảm thông và trở thành cầu nối đưa tha nhân trở về với Chúa.

Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa tình thương của Chúa dành cho Mẹ: Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…”[1] nên Mẹ cũng luôn cảm thông với những ai đau khổ buồn phiền. Mẹ được Chúa gìn giữ khỏi tội tổ tông, và chính Mẹ cũng luôn sống đẹp lòng Chúa đến nỗi không hề mắc tội cho dù là tội nhẹ, nhưng Mẹ luôn yêu thương các tội nhân cách đặc biệt và chuyển cầu cho họ. Chúng ta vẫn kêu cầu Mẹ với tước hiệuĐức Bà bầu chữa kẻ có tội. Đức Bà yên ủi kẻ âu lo…[2] vì Mẹ luôn từ bi thương xót, Mẹ hằng chuyển cầu cách đắc lực cho chúng ta và đưa chúng ta đến cùng Chúa.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tôi

  • Nhìn nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình và chân thành quay về với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải.
  • Khiêm tốn và cảm thông với những ai yếu đuối.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nghiệm được ánh mắt yêu thương của Chúa, để con cũng nhìn tha nhân với ánh mắt cảm thông, bao dung và tha thứ, vì chính con đã được Chúa thứ tha.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/551535835709602)
[1] Lc 1,47-48
[2] Kinh Cầu Đức Bà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *