✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2,23-28)
“Ngày Sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày Sabát.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Thời nào cũng vậy, bất cứ một tổ chức, hội đoàn nào trong xã hội hay Giáo hội đều cần có những nội quy, những định chế nhằm mục đích phục vụ cộng đồng và thăng tiến các thành viên trở nên những con người đích thực. Với người Do Thái, việc tuân giữ Lề Luật, đặc biệt luật nghỉ việc ngày Sabát[1] cũng là nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thăng tiến con người trong yêu thương. Thế nhưng, một khi việc tuân giữ Lề Luật được xem như biểu hiện của một người đạo đức, thì người ta dễ quan tâm đến giữ luật theo hình thức mà bỏ quên mất mục đích cốt lõi của Luật.
Chính vì vậy, người ta dễ dàng chỉ trích, lên án nhau khi có ai đó không giữ Luật, mà không quan tâm tường tận đến lý do của người ấy. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng cho điều này.
Khi Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi ngang qua một đồng lúa. Vì mệt và đói, các môn đệ đã bứt lúa rồi vò xát trong tay mà ăn cho đỡ đói, vì đó là điều được phép làm theo sách Đệ Nhị Luật: “Khi ngươi vào đồng lúa của kẻ lân cận, thì được phép lấy tay rứt gié lúa, nhưng chớ đặt lưỡi hái vào đồng lúa của kẻ lân cận.”[2] Tuy nhiên, hôm đó lại là ngày Sa-bát. Những người Pharisêu đã suy diễn hành động bứt lúa là “gặt lúa”, vò xát lúa trong tay là “đập lúa”, và họ cho là các môn đệ của Chúa đã vi phạm luật cấm làm việc ngày Sa-bát[3].
Với một lòng bác ái sâu xa, Chúa Giêsu đã trưng dẫn câu chuyện của vua Đavít cùng các thuộc hạ của vua năm xưa đã làm điều mà theo luật là “không được phép làm”[4], nhưng vì một lý do bác ái: cứu người; để minh chứng rằng: mọi lề luật phải quy về việc phục vụ và thăng tiến con người. Do đó, Chúa đã khẳng định: “Ngày Sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày Sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” Với kinh nghiệm phục vụ người nghèo, thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã dạy các con cái của Ngài rằng: Bác Ái là một bà hoàng, bà có quyền ra lệnh và ta phải tuân theo.
Bạn thân mến! Những người Pharisêu xưa kia giữ luật theo hình thức, thậm chí họ còn suy diễn thêm rất nhiều luật để cho thấy người nào tuân giữ được nhiều thì càng đạo đức nhiều. Trong khi đó, Đức Giêsu, Đấng kiện toàn lề luật, Ngài nhắm đến tinh thần của việc thực thi khoản luật ấy. Bởi luật là nhằm phục vụ con người. Luật là để giúp ta thêm lòng mến Chúa và yêu người.
Như vậy, giữ luật mà không có lòng yêu mến thì vô ích. Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một cách nhìn mới về việc tuân giữ Lề Luật. Bạn và Tôi, chúng ta nghỉ việc và tham dự thánh Lễ Ngày Chúa Nhật với tinh thần nào?
Đức Maria, người Mẹ hiền yêu dấu của mỗi chúng ta là người giữ luật hơn ai hết. Mẹ đã cùng gia đình lên đền thờ để chịu thanh tẩy theo luật Môsê[5], cho dù Mẹ không hề bị nhơ uế khi sinh Con Thiên Chúa. Chính Mẹ cũng đã cùng với gia đình trẩy hội đền thờ Giêrusalem[6] hằng năm như Luật định, vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Ngoài ra, Mẹ quan tâm dạy dỗ con cái tuân giữ qui luật, cụ thể là khi hiện ra với chị Catherine Labouré ở140 phố Bắc, Paris, nước Pháp; Mẹ đã nói: “Mẹ ưu phiền vì có nhiều vi phạm, lạm dụng quy luật trong hai Tu Hội (Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái), con hãy nói với cha giải tội của con (ngài sẽ có trách nhiệm về tu Hội) phải làm thế nào để cho qui luật được tôn trọng.”[7]
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi:
– Tuân giữ những luật định với lòng yêu mến để giúp thăng tiến cộng đoàn và chính mình.
– Cảm thông khi người khác vi phạm luật, vì ý thức chính mình cũng có nhiều yếu đuối, để có những cư xử đúng mực giúp chính mình và người khác được lớn lên.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết yêu mến và tuân giữ lề luật với tinh thần bác ái của Chúa, để mỗi ngày chúng con thêm mến Chúa và yêu người hơn.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/553630142166838)
[1] X. Xh 20,8-11
[2] Đnl 23,25
[3] X. Xh 34,21
[4] X. 1Sm 21,1-7
[5] Lc 2, 22- 35
[6] Lc 2, 41- 52
[7] Đức Mẹ và thánh nữ Catherine Labouré, trang 25