✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 9,30-37)
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!
Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất. Chúng ta sống và hoạt động được là nhờ Thần Khí Thiên Chúa. Thế nhưng, mang trong mình dòng máu của nguyên tổ, chúng ta luôn muốn mình trở nên người làm “lớn”. Cơn cám dỗ quyền lực đến với tất cả mọi người, ngay cả với các môn đệ là những người được chính Chúa Giêsu tuyển chọn.
Quả vậy, trong chuyến hành trình của Chúa và các môn đệ từ miền Galilê đến thành Ca-phác-na-um, khi có riêng thầy trò với nhau, Chúa đã báo cho các ông biết: Chúa sẽ bị nộp và bị chết dưới tay người đời, nhưng rồi Người sẽ sống lại ba ngày sau đó (c.31). Có lẽ sau bao tháng ngày gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với Chúa, các môn đệ có thể đón nhận được biến cố đau thương và đồng cảm với Chúa trong những gì sắp xảy đến cho Người.
Thế nhưng, trái với mong đợi của Chúa: các ông nghe mà không hiểu. Chẳng phải vì các ông tối dạ, mà bởi các ông còn đang lo “cãi nhau” xem ai là người lớn hơn (c.34). Chính vì cái mong được nắm giữ quyền lực khiến các ông trở nên vô cảm với những lời tâm huyết của Thầy. Cũng chính vì cái mong làm “quan to” khiến các ông tuy không hiểu nhưng cũng không dám hỏi lại. Có lẽ con đường đau khổ của Thầy chẳng có gì hấp dẫn, các ông không muốn quan tâm, hay các ông sợ Chúa sẽ chê mình “cù lần” thì cơ hội làm “quan to” coi như đi toi! Cũng có thể vì cái mong làm “lớn” nên khi bị Chúa “lật tẩy” chuyện đã tranh cãi ở dọc đường thì các ông đã làm thinh.
Cách hành xử, cách sống của các môn đồ xưa phải chăng cũng thấp thoáng đâu đó trong cách sống và cách hành xử của mỗi chúng ta hôm nay??????
Nhân cơ hội này Chúa đã khẳng định:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (c.35). Như vậy, đối với Chúa, chức vụ cao trọng được dành cho một người, là để người đó trở nên người sau chót. Ai càng làm lớn thì càng phải cúi mình xuống để phục vụ anh em… Quyền bính là để phục vụ và phục vụ nhiều hơn nữa. Và khi người có quyền biết sống như Chúa dạy, nghĩa là yêu thương và phục vụ những người dưới quyền như một người đầy tớ, thì người đó đang phục vụ chính Chúa.
Là con cái trong gia đình Vinh Sơn, chúng tôi hiểu rất sâu sắc ý nghĩa của bài học Chúa Giêsu đã dạy hôm nay. Chẳng thế mà thánh Vinh Sơn đã yêu cầu Tu Hội dùng từ Chị Phục Vụ để chỉ các chị Bề Trên trong các nhà của Tu Hội. Và trong một ngày, khi chị em đi thăm người nghèo 10 lần, là các chị em đã gặp được Chúa 10 lần.
Là con cái Giáo hội, chắc chắn thánh Vinh Sơn không đưa ra những điều mới lạ, nhưng ngài đã khám phá ra sứ điệp của Tin Mừng với gương mẫu của chính Đức Kitô, Đấng luôn là tôi tớ của Cha để phục vụ nhân loại. Sau Đức Giêsu, Đức Maria là người nữ tỳ khiêm hạ và trung tín trọn vẹn. Mẹ đã thưa với sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa…”[1] Suốt cuộc đời, Mẹ đã âm thầm hy sinh phục vụ kế hoạch cứu độ, và trải qua hơn 20 thế kỷ, Mẹ vẫn luôn đồng hành với Giáo Hội, với từng con người đau khổ để nâng đỡ, hướng dẫn, chở che… Theo gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ, các Đức Giáo Hoàng luôn nhận mình là “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa”, để tự nhắc mình về tinh thần Chúa dạy hôm nay: càng làm lớn, càng phải là người sau chót và phải hy sinh, phục vụ anh chị em nhiều hơn nữa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi:
- Gẫm suy để thấu hiểu những hy sinh Chúa dành cho nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Người để sống xứng đáng với ơn Chúa ban.
- Chu toàn mọi bổn phận được giao trong khiêm nhu và yêu thương.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết noi gương Chúa: sống khiêm tốn, hy sinh và âm thầm phục vụ tha nhân, để chúng con cũng được kể vào số những người được Chúa chúc phúc.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/576094959920356)
[1] Lc 1,38