05.4.2020 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM A
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 26,14-27,66)
“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Tuần Thánh là thời gian cao điểm nhất của phụng vụ Kitô giáo. Năm nay, khi chuẩn bị bước vào những ngày thánh, tất cả các nhà thờ lại nhận được lệnh đóng cửa vì dịch bệnh. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn của các Đấng chủ chăn. Các Kitô hữu thì cảm thấy hụt hẫng, đau xót. Dường như đây là một cuộc “đóng đinh mới” đối với Giáo Hội. Tuy nhiên, trong thời khắc khó khăn này, chúng ta được mời gọi nhìn lên Thánh giá Chúa để thấy rằng đau khổ có đó, nhưng Thánh Giá lại là dấu chỉ của tình thương, của ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Khung cảnh của phụng vụ hôm nay mang hai sắc thái hoàn toàn trái ngược: mở đầu là tiếng reo hò hân hoan vui mừng của dân Do Thái khi Đức Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem: “Vạn tuế con vua Đavít, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”; nhưng ngay sau đó là cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu phải chịu. Điều đó cho thấy, chính lúc Ngài được tôn vinh và được nhìn nhận là Đấng Thiên sai, cũng là lúc Ngài chịu nhiều đau khổ nhất. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói: sở dĩ Đức Giêsu đã được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt là vì: “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá.”[1]
Cuộc thương khó còn là một con đường hoàn toàn vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha. Trong vườn cây dầu, Ngài cũng sợ hãi trước cái chết, nhưng vẫn một mực vâng phục ý Cha. Đỉnh cao của sự vâng phục là chấp nhận đi vào con đường khổ nạn. Ngài chịu hành hạ, đánh đòn, sỉ nhục, kết án và giết chết như thế, là để kế hoạch yêu thương của Cha được thực hiện cho con người. Một Thiên Chúa uy quyền có thể làm cho người chết sống lại, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ… giờ đây lại trở nên như “bất lực” trước thế lực của sự dữ. Tuy nhiên, chính nhờ sự vâng phục ấy mà ơn cứu độ được đổ xuống cho nhân loại.
Đối với các Kitô hữu, những ngày này là thời gian thử thách đức tin và lòng trung tín của chúng ta đối với Thiên Chúa. Khi mọi sinh hoạt chung của Giáo Hội bị ngưng hoàn toàn, Thiên Chúa cần nơi chúng ta một đức tin cá vị sâu sắc với Ngài. Thử thách, lo sợ còn đó nhưng chúng ta có quyền trông cậy nơi Thiên Chúa yêu thương, luôn biến điều xấu thành điều tốt lành nhất cho con cái mình.
Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã bắt đầu hành trình tiến về Núi Sọ từ khi cất lời xin vâng với thánh ý Thiên Chúa. Lời tiên báo của cụ già đã được ứng nghiệm trong suốt cuộc đời Mẹ: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…”[2] Mỗi ngày sống là một bước Mẹ tiến sâu hơn vào mầu nhiệm đau khổ với Con của Mẹ. Đỉnh cao của những đau khổ Mẹ gánh chịu là khi tận mắt chứng kiến con mình bị kết án, đánh đòn, đội mão gai, chịu đóng đinh và chết tức tưởi trên thánh giá, nỗi đau mà không một người mẹ bình thường nào chịu nổi! “Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con của mình và dự phần vào hy tế của Con, với tâm tình của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra.”[3] Tuy vậy, Mẹ vẫn một lòng vâng phục và tin vào Thiên Chúa, trung tín với Ngài cho đến cùng. Đau khổ không thể cướp đi niềm tin Mẹ đặt nơi một Thiên Chúa yêu thương.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi sống đức tin trong cơn thử thách của đại dịch này bằng cách
- Gia tăng việc cầu nguyện, hy sinh, bác ái, tham dự Thánh Lễ trực tuyến hàng ngày.
- Tuân thủ các khuyến cáo của các nhà chức trách cách nghiêm túc.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ ở bên và củng cố lòng tin cho chúng con, để như xưa Mẹ vững vàng dưới chân thập giá thế nào, thì giờ đây chúng con cũng biết trông cậy vào Chúa và không khiếp sợ trước bất cứ khó khăn nào xảy đến.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/602037130659472)
[1] Pl 2,7-8
[2] Lc 2,34
[3] Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 58