06.4.2020 – THỨ HAI TUẦN THÁNH
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 12,1-11)
“Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a …Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đoạn tin mừng hôm nay được công bố ngay sau Chúa Nhật lễ Lá, thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và Lazarô . Tại đây con đường khổ nạn của Chúa Giêsu cũng đang dần tỏ hiện, thấp thoáng trong đó là ngọn đồi Can-vê với những khuôn mặt mang các tính cách và thông điệp khác nhau lần lượt xuất hiện qua lời kể của thánh Gioan.
Trước tiên là cô Ma-ri-a, người mà trước đây được Chúa khen ngợi vì biết khôn ngoan lựa chọn: “Maria đã chọn phần tốt nhất”[1]. Lúc này cô cũng ở ngay dưới chân Chúa Giê-su để xức chân Chúa với dầu thơm hảo hạng. Đó là tất cả tấm lòng của Ma-ri-a dành cho Chúa. Có lẽ chính cô không hiểu hết ý nghĩa việc làm đó, nhưng Chúa Giêsu đã nói cho mọi người biết ý nghĩa lớn lao của việc cô vừa làm, đó là loan báo về cái chết của Chúa và việc an táng Chúa sau đó. Cô Ma-ri-a là đại diện cho những người phụ nữ đã theo Chúa trong suốt ba năm loan báo Tin mừng, rồi khóc than Chúa trên đường khổ nạn.
Khuôn mặt tiếp theo là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người được tác giả Tin mừng miêu tả là kẻ sẽ nộp Chúa, và cũng là một tên ăn cắp. Hành động khuyên ngăn Ma-ri-a bán số dầu thơm để lấy tiền lo cho người nghèo cho thấy sự khéo léo của Giu-đa trong việc che lấp đi những toan tính kinh tế của mình. Khuôn mặt của Giu-đa tượng trưng cho những người dù theo Chúa, được Chúa hướng dẫn và dạy dỗ nhưng vẫn bị những bon chen, lợi lộc của thế gian lôi kéo, dẫn đến hậu quả sau cùng là bỏ Chúa, bán Chúa.
Khuôn mặt của thượng tế xuất hiện ở cuối đoạn Tin mừng, phô bày ra kế hoạch giết Chúa Giê-su và cả La-da-rô, người vừa được Chúa cho sống lại. Các thượng tế là biểu trưng cho những người sử dụng năng lực, quyền lực của mình để thao túng và bắt bớ những người vô tội theo các cách khác nhau.
Đoạn tin mừng đan xen các nhân vật với các cách cư xử khác nhau, phản ảnh một khung cảnh u ám trước cuộc tử nạn của Chúa. Đó cũng là khung cảnh của cả Hội thánh hiện tại, một tuần thánh thật khác so mới mọi năm một không khí ảm đạm, trống trải nơi những thánh đường trang nghiêm, đông đúc với các cử hành tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mỗi mùa chay. Bao phủ lên trên là tâm trạng của con người với những sợ hãi, lo âu… về sự mỏng manh của phận người trước dịch bệnh Covid-19- mối đe dọa cho cả thế giới.
Sau hết, còn đó trong mạch câu chuyện là khuôn mặt của La-da-rô, người được Chúa gọi dậy từ cõi chết không lâu trước đó, được Thánh sử làm nổi bật hơn cả. Khuôn mặt của La-da-rô gắn liền với sự chết, trước là chết vì bệnh tật, nay là nguy cơ chết bởi âm mưu của những Thượng tế. Tuy nhiên, La-da-rô trở nên biểu trưng cho những người tin vào Chúa, sẵn sàng bị bắt bớ, nguy hiểm vì niềm tin của mình. Sự sống lại của La-da-rô là dấu hiệu của niềm hi vọng vào sự Phục sinh vinh hiển của Chúa Giê-su, Đấng đến để xua tan đi mọi đau khổ và tội lỗi của con người.
Bên cạnh những khuôn mặt nổi bật đó, gương mặt Mẹ Maria âm thầm hiện diện và đồng hành với Chúa Giêsu. Sự hiện diện trung thành và đầy yêu thương của Mẹ là động lực và sự an ủi lớn lao đối với Chúa Giêsu trong hành trình hiến tế của Người. Mẹ lặng lẽ theo bước chân con yêu dấu từng ngày, cho đến tận phút cuối cùng đau khổ dưới chân Thánh Giá như bị mũi đòng đâm thấu tâm can.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi đón nhận những khó khăn trong mùa đại dịch này, để diễn tả lòng yêu mến Chúa nhiều hơn, bằng cách:
- Dự Lễ trực tuyến mỗi ngày với sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm trang.
- Sẵn sàng chia sẻ cơm áo, nâng đỡ những anh chị em gặp khó khăn trong mùa dịch này.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dẫn dắt con từng ngày đến gần Chúa hơn và làm cho con biết yêu những gì Ngài yêu, muốn những gì Ngài muốn, như Mẹ chỉ muốn và yêu những gì thuộc về Ngài. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/602638763932642)
[1] Lc 10, 42